Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Du lịch “chết đứng” vì không biết đưa khách đi đâu

Đợt bùng dịch từ cuối tháng 1 rồi, đặc biệt là việc Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất có người nhiễm Covid-19 đã làm nhiều công ty du lịch tại TPHCM mất gần hết khách đi tour Tết. Với những nơi còn khách thì khó khăn khác lại ập đến, đó là nhiều điểm đến bắt đầu thông báo không đón khách từ vùng dịch. Du lịch lại "chết đứng" vì không biết đưa khách đi đâu.

Khách vẫn muốn đi nhưng khó tìm điểm đến

Ngày 10-2, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đã gửi văn bản đến các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc tạm dừng đưa đón khách tham quan du lịch từ các địa phương đang có dịch theo công bố của Bộ Y tế.

Một điểm vui chơi giải trí ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Một số địa phương, trong đó có Kiên Giang đã thông báo tạm dừng đưa đón khách du lịch từ các địa phương đang có dịch. Ảnh: Đào Loan

Đó là các điểm có dịch như một số phường, khu vực đang bị phong tỏa ở TPHCM, thành phố Chí Linh, một số huyện ở Hải Dương...

Khi phát hiện du khách đến từ các địa phương có dịch, doanh nghiệp phải kịp thời lập danh sách và báo cáo cơ quan y tế hoặc công an địa phương để thực hiện biện pháp cách ly theo quy định, thời gian cách ly 14 ngày.

"Chúng tôi đang rối vì nhiều tỉnh, thành cũng đã thông báo tương tự", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings nói với TBKTSG Online vào chiều nay (10-2).

Theo ông, cho đến hôm nay đã có hàng chục điểm đến đã thông báo là tạm ngưng nhận khách từ vùng dịch hoặc sẽ cho khách từ vùng dịch cách ly y tế nên doanh nghiệp lữ hành thực sự lúng túng để tìm điểm đến cho khách hàng vào dịp tết. Trong đó, có những điểm đến không thông báo chính thức bằng văn bản mà chỉ thông báo miệng cho doanh nghiệp khó giải thích với khách hàng.

"Phần lớn khách tết đã hủy tour. Chúng tôi chỉ còn khoảng 1.000 khách nhưng lại phải đối mặt với khó khăn mới", ông nói.

Một số doanh nhân khác cho rằng, đó là khó khăn mới mà nhà điều hành tour đang phải đối mặt trong đợt bùng phát dịch lần này. Thêm vào đó, khó khăn cũ về việc giải quyết tình trạng hủy tour vẫn tiếp tục đè nặng.

Những khách hàng vẫn quyết định không hủy tour, chỉ chuyển điểm đến sau khi dịch bùng ở Hải Dương và Quảng Ninh hồi cuối tháng 1 rồi đã kiên quyết hủy và đòi trả toàn bộ chi phí khi thấy dịch lan rộng, xuất hiện ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, nhiều đối tác, có phía cả hàng không lại không đồng ý vì cho rằng sân bay vẫn vận hành bình thường. Hiện tại, nhiều công ty du lịch đã phải đóng cửa nghỉ tết sớm.

"Chúng tôi vừa khởi động thì lại phải nghỉ tết sớm. Khách đã hủy hết tour tết", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, nói.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết cho đến thời điểm này, khách du lịch không những hủy tour đi bằng đường hàng không mà tour đi đường bộ, đến những điểm đến gần như Cần Thơ cũng hủy. "Khách sợ nhất là đi du lịch mà phải cách ly", ông nói.

Ngành du lịch tiếp tục có biến động lớn sau tết

"Có lẽ, sau tết phải tính đến chuyện trở thành Công ty TNHH mình ên (công ty có một người duy nhất-PV)", ông Thành của Liên Bang Travelink nói vui khi TBKTSG Online hỏi về kế hoạch ứng phó sau biến cố này.

Việc mất trắng mùa du lịch tết Tân Sửu năm nay đã đẩy doanh nghiệp đến tận cùng khó khăn sau một năm gần như không thể hoạt động vì dịch. "Cứ vừa khởi động thì lại phải dừng vì bùng dịch nên chúng tôi buộc phải cho nhân viên phải nghỉ dần và sau tết lại phải tính toán cách khác, có thể phải tiếp tục thu hẹp quy mô", ông nói.

Một số nhà điều hành khách sạn, đặc biệt là khách sạn ở những vùng dự định là sẽ thu hút khách vào mùa tết năm nay cũng đang ở trong thế khó vì mới chỉ vừa gọi nhân viên đi làm trở lại thì lại lâm vào tình cảnh không có khách để phục vụ.

"Chúng tôi tưởng sẽ kín chỗ vào dịp tết nhưng nay chỉ còn vài chục phòng mà khách vẫn đang hủy tiếp. Nhân viên, trong đó có nhiều người từ đất liền đã ra đảo, sẳn sàng để làm việc nhưng với tình hình như thế này thì chắc lại phải cho về", giám đốc điều hành một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc nói.

Ông Kỳ của Vietravel Holdings cho rằng, khả năng tồn tại của nhiều doanh nghiệp lữ hành đang rất mong manh và sẽ càng mong manh hơn nữa sau đợt bùng dịch lần này. Cùng với biến động về số lượng doanh nghiệp, thị trường lao động du lịch cũng sẽ thay đổi. Những người làm việc trong ngành du lịch sẽ chuyển nghề nhiều hơn khiến cho nguồn nhân lực du lịch đã mỏng lại càng mỏng.

"Cũng như doanh nghiệp, người lao động chẳng thể tiếp tục chịu đựng sau 1 năm dài không có thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh", ông nói và cho rằng, với tình trạng sức mua giảm xuống đáy, thị trường không có vì dịch như hiện nay thì những cách để cầm cự được nhắc đến như thu hẹp quy mô, chuyển đổi số... cũng không thể phát huy hiệu quả.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối