Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Du lịch Đà Nẵng tìm hướng phát triển bền vững

Kể từ tháng 3-2022 khi các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, khách quốc tế cũng bắt đầu quay lại Đà Nẵng. Thế nhưng, “sức khoẻ” ngành du lịch địa phương vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay thích ứng với sự thay đổi thói quen du lịch của khách hàng cũng như tìm giải pháp để trụ vững trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Sau dịch Covid, thành phố Đà Nẵng nỗ lực phục hồi ngành du lịch thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao cùng sự kiện gắn liền với thế mạnh của thành phố. Ảnh: Quỳnh Như

Thiếu vốn, thiếu nhân lực

Khi dịch Covid-19 diễn ra, ngành du lịch là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng. Ở thời điểm đó, đa số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Đối với các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nguồn khách lưu trú hầu như không có, doanh nghiệp phải cắt giảm gần 70-80% nhân sự, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt.

Sau dịch, các cơ sở kinh doanh lữ hành, lưu trú hoạt động trở lại thì khó khăn đầu tiên họ gặp phải là thiếu hụt về nguồn vốn và nguồn nhân lực.

Những thông tin này được đại diện các doanh nghiệp đang kinh doanh khách sạn và lữ hành tại Đà Nẵng chia sẻ tại diễn đàn “Du lịch Đà Nẵng: Sau đại dịch và định hướng phát triển” do Trường Du lịch, Đại học Duy Tân tổ chức cuối tuần qua.

“Thiếu vốn và thiếu nhân lực là hai cái khó đầu tiên mà hầu như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và lưu trú đều gặp phải sau khi quay lại hoạt động”, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng, nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, xu hướng du lịch hiện nay có sự thay đổi. Đối với khách lẻ, họ thích đi du lịch tự túc hơn thông qua các dịch vụ trực tuyến. Còn đối với khách đoàn nội địa, lượng khách từ các công ty giảm mạnh, vì tình hình kinh doanh của các công ty đều gặp khó khăn. “Khách đoàn hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan ban ngành, nhưng lại rơi vào diện đấu thầu”, ông cho biết thêm.

Ông Lâm Trí Quang, Giám đốc điều hành Grand Tourane Hotel Danang, cho biết, khi quay lại hoạt động, chi phí vận hành khách sạn rất lớn và có rất nhiều thứ phải làm lại từ đầu như khâu tuyển dụng, đào tạo nhân viên hay quy trình hoạt động của khách sạn. Cũng theo ông Quang, mặc dù công suất phòng đạt 73% trong 6 tháng đầu năm nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, sau khi các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, thành phố đã rất nỗ lực để phục hồi du lịch. Khối lưu trú trên địa bàn có 1.200 cơ sở thì tính đến nay có gần 1.100 cơ sở quay lại hoạt động. Gần 90% nhân lực ngành du lịch đã quay lại với nghề, tuy nhiên, nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao vẫn đang thiếu hụt.

Đối với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự cấp cao ở cấp quản lý trở lên, ông Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng thành phố nên khuyến khích các trường đại học đào tạo chuyên sâu cho vị trí nhân sự cấp cao. Thêm vào đó, là tạo nền móng vững chắc về đa ngôn ngữ cho sinh viên, từ đó hình thành nên nguồn lao động đa ngôn ngữ cho ngành du lịch thành phố.

Chú trọng yếu tố mới, khác biệt

Đối với việc phục hồi du lịch của thành phố, thời gian qua, thành phố đã tung ra nhiều sự kiện nhằm kích cầu du lịch như lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), lễ hội âm nhạc Da Nang Electronic Carnaval (DEC), lễ hội tận hưởng mùa hè năm 2023 cùng nhiều nhiều hoạt động văn hoá, sự kiện khác.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) không chỉ là “món ăn” tinh thần mà còn là sản phẩm du lịch ban đêm của Đà Nẵng. Thành phố đặt kỳ vọng tạo nhiều trải nghiệm về đêm hơn nữa cho khách du lịch trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Như

Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng việc thành phố tổ chức nhiều các hoạt động du lịch ban đêm là hướng đi thích hợp trong tương lai. Vì ban đêm, khách hàng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động giải trí và ăn uống. Từ đó, phát triển kinh đêm không chỉ tăng nguồn thu mà còn thúc đẩy du lịch thành phố phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng để xây dựng tính cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch, yếu tố khác biệt và mới mẻ là điều cần thiết đối với mỗi sản phẩm du lịch. Nên tận dụng những lợi thế sẵn có của thành phố như đường bờ biển đẹp, kết nối được với nhiều điểm du lịch ở các địa phương khác để tạo ra những sản phẩm du lịch, sự kiện mới, trở thành điểm đến của sự kiện và hội nghị.

Ngoài ra, thành phố đang hướng đến phát triển du lịch Golf và du lịch MICE. Ông Bình cho hay, 95% các CEO có niềm yêu thích với bộ môn thể thao golf, do đó khi phát triển du lịch golf như là một chất xúc tác cho sự phát triển của du lịch MICE (sự kiện kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng). Hơn nữa, du lịch golf có thể mang lại giá trị sản phẩm cao gấp 6 lần so với sản phẩm du lịch thông thường.

“Bên cạnh du lịch MICE, du lịch chữa lành và du lịch sinh tồn – trải nghiệm cũng được phân khúc khách hàng cấp cao yêu thích trong thời gian sau dịch bệnh. Điển hình như dịch vụ du lịch sinh tồn ở hang động tại Quảng Bình, mức giá cho một chuyến sinh tồn như vậy cao gấp 3 -5 lần mức giá du lịch 5 sao thông thường”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, chia sẻ thêm.

Quỳnh Như

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối