Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Du lịch ĐBSCL cần nhiều thay đổi lớn để phát triển

(SGTTO) - Du lịch là nghành rất quan trọng trong việc cải thiện công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, và hình ảnh của ĐBSCL. Thay vì phát triển du lịch theo lối mòn truyền thống, các tỉnh vùng ĐBSCL cần tận dụng lợi thế hiện có của mình để tìm ra những mô hình mới mẻ, để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng nhanh, theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa được công bố ngày 14-12.

Lợi thế về tài nguyên và khí hậu

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp được nhiều quốc gia coi là loại hình du lịch chính. Với tổng diện tích gần 40.000 ngàn km² tài nguyên đa dạng, khí hậu tốt quanh năm, nên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp như trải nghiệm các hoạt động trong nhà vườn, trên đồng ruộng và du lịch nông trại.

Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang thu hút được rất nhiều khách từ các sản phẩm nông nghiệp như: Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch ở ĐBSCL hầu hết có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, thương hiệu yếu. Trong khi đó, các hộ nông dân muốn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm du lịch lại không đủ vốn và gặp nhiều khó khăn về trình độ chuyên môn.

Theo thống kê của các địa phương vùng ĐBSCL năm 2019, An Giang là tỉnh đón được nhiều khách nhất (9,2 triệu lượt), còn tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang (22.000 ngàn tỉ đồng).

Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI phát biểu trong lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 tại Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL trong tương lai nên là khu vực đi đầu trong liên kết nội vùng và tam giác phát triển vùng với TPHCM, Đông Nam Bộ, khi đó ĐBSCL là một cực trong tam giác chứ không phải đi theo sau TPHCM.

"Phải có khát vọng như thế mới làm được. Phát triển ĐBSCL từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… là hướng đi có thể tạo nên bản sắc riêng, cụm ngành của khu vực này kết nối với TPHCM và Đông Nam Bộ" ông Lộc nhấn mạnh.

Những điểm khó trong du lịch ĐBSCL

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa công bố đã chỉ ra những điểm nghẽn trong du lịch của ĐBSCL như: nguồn nhân lực yếu kém khiến du lịch ĐBSCL khó phát huy nội lực, phát triển cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Du lịch là ngành mà nhân tố con người xuất hiện ở tất cả các khâu trong chuỗi sản phẩm và mang tính quyết định cao đến chất lượng dịch vụ. Trình độ dân trí và chất lượng lao động kém đang cản trở việc xây dựng một tổng thể du lịch tinh tế từ chi tiết nhỏ nhất.

Tỷ lệ đi học THPT của các tỉnh ĐBSCL qua các năm (%). Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020

Kết quả điều tra của Tổng cục thống kê trong năm 2019 được trích dẫn trong báo cáo cho thấy ĐBSCL có tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học cao nhất cả nước (13,3%), cao hơn nhiều so với mức bình quân của toàn quốc (8,3%). Bên cạnh đó tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo cũng thấp nhất cả nước (13,3%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đến thời điểm giữa tháng 12-2020, cả ĐBSCL chỉ có 45km đường cao tốc, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước, hạ tầng giao thông yếu kém, chưa hình thành được tuyến cao tốc cho cả khu vực. Các tuyến đường bộ hiện tại xuống cấp cũng như chất lượng mặt đường xấu, thường xuyên xảy ra ách tắc, dẫn đến du lịch khu vực ĐBSCL mất hết lợi thế cạnh tranh. Việc di chuyển khó khăn và mất nhiều thời gian khiến cho ĐBSCL khó có thể là điểm đến được ưu tiên lựa chọn.

Giao thông đường thủy là thế mạnh gắn với nền văn hóa sông nước, có thể liên kết các điểm tham quan và hình thành các tour tuyến đặc sắc trên du thuyền lại chưa thể phát huy do nhiều hạn chế về bến bãi.

Điểm nghẽn cuối cùng được đưa ra trong báo cáo đối với ngành du lịch ĐBSCL đó là vai trò của các sở ngành chưa phát huy tác dụng thúc đẩy cùng với tình trạng thiếu các chính sách hỗ trợ ngành du lịch hiệu quả khiến việc liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu là ở hình thức hơn là những giá trị cụ thể. Hoạt động du lịch của các tỉnh trong khu vực cũng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, giá trị thấp và đang dần bị xói mòn.

Giải pháp nào cho du lịch ĐBSCL

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, có nêu lên những giải pháp và kiến nghị cho hoạt động kinh doanh du lịch của vùng. Đầu tiên du lịch liên quan đến rất nhiều ngành và nhiều người, thiếu sự tham gia của bất kỳ ngành nào, cũng sẽ khó tiển khai được chiến lược phát triển điểm đến. Do vậy cần phải nâng cao năng lực của khối quản lý nhà nước thông qua các buổi báo cáo về kinh tế du lịch, nghiệp vụ phát triển sản phẩm và các chuyên đề khác.

Cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, cần có các cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu gắn với các đô thị ven sông, để mời gọi đầu tư. Hiện nay, nhiều cảng trong khu vực có công suất thấp, cũng có thể chuyển sang phục vụ du lịch. Cũng như cần lập các quy hoạch các cảng du lịch tàu biển ở Cà Mau và Phú Quốc để đón du thuyền loại lớn, chứa hàng ngàn du khách và kết nối với các nước trong khu vực.

Sơ đồ cụm ngành du lịch ĐBSCL. Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020

Bên cạnh đó việc xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ chất lượng để liên kết với nhau và với vùng Đông Nam Bộ là mấu chốt quan trọng. Phát triển trục đường cao tốc nối liền TPHCM cho đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu trong thời gian tới.

Để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững, báo cáo cho rằng cần xây dựng chương trình và chính sách riêng cho ngành du lịch ĐBSCL. Cần có chính sách chung áp dụng cho tất cả các địa phương trong vùng về hỗ trợ khởi nghiệp phát triển du lịch. Du lịch sẽ biến nhà nông từ chân lấm tay bùn chỉ biết làm nông nghiệp để bán nông sản, thành những người làm ruộng, vườn, vuông tôm để bán dịch vụ du lịch và xa hơn nữa là bán trải nghiệm cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch ĐBSCL cần có tầm nhìn về một trung tâm du lịch nông nghiệp - nông thôn trong 10 năm tới. Khi đó, nói đến vùng Đất Chín Rồng là nói đến nơi có chuỗi giá trị kinh tế độc đáo: Môi trường trong lành - Sản xuất sạch - Thực phẩm an toàn - Kỳ nghỉ vùng quê.

Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam đem lại doanh thu hàng năm tương đương 10% GDP và tạo ra hơn bốn triệu việc làm. Nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, nên sáu tháng đầu năm 2020 các cơ sở kinh doanh du lịch chỉ đạt khoảng 20% công suất, làm cho số lượng nhân viên phải nghỉ việc có nơi lên đến 70-80%.

Từ nay đến Tết, bạn có dự định đi du lịch ở ĐBSCL?

Xem kết quả

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối