Minh Duy -
Sau nhiều năm phát triển, du lịch đường sông vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của TPHCM như kỳ vọng, mặc dù đã có một số chuyển động tích cực. Một trong những nguyên nhân lớn là thiếu bến bãi và dịch vụ cho tàu thuyền.
Tàu chờ... bến
Một năm trước, trong một khách sạn hạng sang gần bến Bạch Đằng, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành và doanh nghiệp đã ngồi lại nhằm tìm cách phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm đặc thù. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói phải đẩy nhanh tốc độ phát triển, kỳ vọng dịch vụ này sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sẽ kéo du khách ở lại thành phố lâu hơn. Điều này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của du lịch TPHCM trong bối cảnh nhiều địa phương khác liên tục mở cửa đón du khách, đồng thời đưa ra những sản phẩm mới.
Một năm sau, mảng du lịch này đã có một số thay đổi. Một số bến tàu, tuyến du lịch đã được ra mắt. Số lượng ca nô du lịch, tàu nhà hàng cũng tăng lên nhưng lượng khách vẫn chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng.
Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, từ năm 2011-2014, lượng khách du lịch đường sông tăng khoảng 10-15%/năm nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, khách du lịch đường sông năm 2015 là 925.630 lượt, năm 2016 tăng lên mức 1 triệu lượt và năm nay đang ở mức 1,02 triệu lượt. So sánh hàng chục triệu lượt khách nội địa và quốc tế đến TPHCM mỗi năm thì lượng khách đi đường sông còn quá ít.
Trong cuộc thảo luận với lãnh đạo thành phố một năm trước đây, doanh nghiệp than phiền nhiều về việc không đủ bến cho tàu neo đậu khiến họ khó làm ăn. Một năm sau, chuyện về bến bãi vẫn tiếp tục là một chủ đề nóng. Thậm chí có người còn cho rằng, đó là rào cản khiến du lịch đường sông chưa thể phát triển như mong muốn.
Từ năm 2015, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động khi bến tàu thủy trung tâm tại công viên Bạch Đằng (quận 1) tạm đóng cửa. Các công ty phải chạy khắp nơi tìm bến đỗ tàu thuyền. Một số công ty kinh doanh ca nô cao tốc, du thuyền và tàu nhà hàng tìm được chỗ đậu ở những nơi như bến Tân Cảng - khu du lịch Tân Cảng, bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi), bến du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh), cảng Sài Gòn và bến của một số khu căn hộ cao cấp. Nhiều tàu thuyền khác chưa có bến đỗ thích hợp.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều, cho biết hiện nay chỉ có ba bến tàu chính, tiếp giáp trung tâm thành phố là bến Tân Cảng, Cầu Mống ở quận 4 và Vườn Kiểng ở bến Bạch Đằng. Trong đó, bến Tân Cảng thì hơi xa, Vườn Kiểng chỉ mới được chỉnh trang còn bến Cầu Mống thì thiếu dịch vụ, thiếu nhà vệ sinh nhưng phí lại đắt.
“Cứ ghé Cầu Móng đón khách một lần là phải trả 500.000 đồng, chở khách đi một vòng rồi quay lại trả thêm 500.000 đồng nữa. Phí đắt mà bến lại thiếu dịch vụ nên chỉ có bốn doanh nghiệp đến đây”, bà Hạnh nói trong buổi tọa đàm về phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM do Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tuần rồi.
Công ty Hoàng Triều hiện có 15 ca nô chạy đường sông. Nhiều doanh nghiệp đang vận hành đội tàu nhà hàng, du thuyền trên sông Sài Gòn như thuyền buồm Đông Dương, Viet Princess, Blue Pearl Voyages... cũng có ý kiến tương tự.
“Tôi vừa bỏ thêm vài chục tỉ đồng để đóng một con tàu mới mà chưa chạy được. Cơ quan chức năng thì cứ động viên, cố lên rồi sẽ có bến nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy”, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương phát biểu. Ông cho biết công ty có một số tàu nhà hàng đang đậu tại cảng Sài Gòn, ngoài phí cảng rất cao thì phí điện, nước cũng cao gấp mấy lần so với mức bình thường. Giá 1 KW điện lên đến 57.000 đồng, 1 m3 nước giá 44.000 đồng.
Doanh nghiệp sẵn sàng xây bến
TPHCM hiện có 20 bến du lịch đường thủy, trong đó có bốn bến do thành phố xây dựng còn lại là doanh nghiệp đầu tư. Phần lớn các bến này ở xa trung tâm, nơi thuận tiện cho tàu bè ghé đón khách. Một số doanh nghiệp cho rằng, để tăng tốc phát triển du lịch đường sông, thành phố chỉ cần lo về hạ tầng và phát triển bến bãi. Những vấn đề còn lại như xây bến, phát triển sản phẩm thì nhà đầu tư có thể lo được. Tuy nhiên, thành phố phải dành những vị trí thích hợp, những nơi khách dễ tiếp cận để phát triển hệ thống bến bãi. Nếu quy hoạch bến xa hơn thì cần phát triển các phương tiện trung chuyển để khách dễ dàng đến bến tàu.
Ông Lâm của thuyền buồm Đông Dương đề nghị mở lại bến Bạch Đằng và giữ một phần cảng Sài Gòn. Thành phố không cần phải bỏ vốn để làm bến mà chỉ cần tạo cơ chế là doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. “Chỉ cần thành phố lo hạ tầng, còn những thứ khác chúng tôi lo được”, ông nói trong tọa đàm trên.
Nhiều doanh nhân khác cũng có ý kiến tương tự, thậm chí có doanh nghiệp như Blue Pearl Voyage còn bày tỏ ý định muốn đầu tư vốn lớn để xây vịnh du thuyền. “Chúng muốn chọn vị trí trên đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè để phát triển dự án này. Giai đoạn đầu có thể đầu tư 10 triệu đô la Mỹ, đủ chỗ và dịch vụ cho nhiều du thuyền neo đậu nhưng chưa tìm được đất”, ông Nguyễn Đình Cương, Giám đốc điều hành của Blue Pearl Voyages nói với Sài Gòn Tiếp Thị. Ở bên lề cuộc tọa đàm, doanh nhân này đã tìm gặp Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ để thảo luận về dự án với mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ để tìm vị trí thích hợp.
Một số doanh nhân khác cho rằng, thành phố phải quy hoạch và phát triển hệ thống cầu tàu, bến bãi nhiều hơn nữa, không nên nhắm đến những bến do doanh nghiệp hay nhà nước đầu tư mà nên cho tàu được phép ghé các bến của người dân hai bên bờ sông.
“Có nhiều chỗ neo đậu cho tàu, những bến tàu của người dân dọc bờ sông. Nếu những bến này an toàn, đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật thì nên cho phép hoạt động”, ông Nguyễn Hoài Hương, Giám đốc Làng Họa Sĩ phát biểu. Ông cho rằng mở rộng việc cấp phép bến bãi sẽ giúp giải quyết nhanh tình trạng doanh nghiệp tranh giành bến đậu như hiện nay.
“Ở Bangkok, Thái Lan, chỉ có 7 km đường sông nhưng họ đã có đến mấy chục bến đậu cho tàu. Điều này giúp du lịch đường sông ở đó phát triển. Hiện nay, bến tàu tại TPHCM đang rất ít, nhưng chỉ cần linh hoạt hơn là sẽ giải quyết nhanh việc này”, ông Hương nói.