Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Giám đốc công ty du lịch “xoay đủ nghề” giữa bão Covid-19

(SGTT) - Dịch Covid-19 đã khiến ngay cả ông chủ của những công ty du lịch cũng phải làm thêm những công việc khác để duy trì cuộc sống.
Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hoạt động du lịch gần như bị ngưng. Các điểm tham quan phải đóng cửa, thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch. Ảnh: Uyển Cầm

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư tái bùng phát đúng vào đợt cao điểm của dịp nghỉ lễ và dịp du lịch hè. Nhiều công ty du lịch đã dành thời gian, thậm chí đặt trước dịch vụ để sẵn sàng phục vụ khách nhưng… phải dừng lại do dịch.

Dịch bệnh đã khiến du lịch trong nước “trồi – sụt” theo từng đợt. Nhiều ông chủ công ty du lịch buộc phải “tìm những công việc khác để duy trì cuộc sống trước mắt”.

Anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Tây Bắc có trụ sở tại Hà Nội, gần hai tháng nay đã phải quay trở lại chạy xe dịch vụ. Tuy nhiên, theo anh Tùng, thu nhập cũng giảm vì nhiều người lo sợ dịch bệnh nên chẳng ai đi đâu.

“Chạy xe dịch vụ bây giờ cũng khó khăn. Mỗi tuần chỉ được 2, 3 chuyến, thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Nhưng cũng có tuần không chạy được chuyến nào”, Tùng nói.

Với tình hình như hiện nay, anh Tùng cũng đang nghĩ tới chuyện rời bỏ nghề du lịch đã theo gần mười năm để đi tìm công việc khác. “Khổ nỗi, giờ chuyển nghề cũng không phải dễ dàng. Chưa kể, bao nhiêu vốn liếng tích cóp đã dồn hết vào du lịch. Giờ đổi nghề cũng khó để có thể lấy lại tiền từ các đơn vị cung ứng dịch vụ mà công ty đã thanh toán trước đó”, anh Tùng chia sẻ.

Khó khăn là vậy, anh Tùng còn phải nhận thêm thông tin là kể từ tháng 5-2021, chủ nhà sẽ tăng thêm tiền thuê văn phòng thêm 500.000 đồng/tháng. “Trong tháng Năm, công ty dù đã dừng hoạt động hoàn toàn nhưng vẫn phải thanh toán hơn 500.000 đồng tiền điện”, anh Tùng tâm sự.

Xác định chung sống lâu dài với dịch bệnh, ông Đạt đã chuyển hướng, mở thêm công ty sản xuất và kinh doanh bia thủ công. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, với ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, trước khi Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4, doanh nghiệp của ông dự định tuyển thêm nhân sự bởi du lịch đã có dấu hiệu phục hồi. Nhưng cuối cùng, kế hoạch đành dời lại khi toàn bộ tour du lịch trong tháng Năm đã bị hủy.

“Chúng tôi đã hủy tour cho hơn 1.000 khách trong tháng Năm. Dịch kéo dài thì tổn thất sẽ rất lớn vì du lịch nội địa có tính mùa vụ cao. Đợt hè này, nếu cũng không đón khách được thì coi như đói cả năm”, ông Đạt nói.

Doanh nghiệp ông xác định có thể phải chung sống lâu dài với dịch bệnh. Du lịch vẫn sẽ gặp khó khăn bởi có thể hết dịch hay bùng dịch bất cứ lúc nào. Vì thế, ông Đạt đã chuyển hướng, sử dụng một phần nhân sự du lịch mở thêm công ty sản xuất và kinh doanh bia thủ công.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đạt cho biết thêm: “Covid-19 bùng phát, nguồn cầu truyền thống tạm dừng, chúng tôi đẩy mạnh bán online, ship tận nhà cho khách hàng. Khi dịch được kiểm soát, Euro Beer sẽ phân phối cho các nhà hàng, khách sạn”.

Cũng theo ông Đạt, nhu cầu du lịch của người dân luôn luôn tồn tại và rất lớn, chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mới bị thay đổi xu hướng so với trước đây. Vì thế, với doanh nghiệp của ông, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch trở lại, những nhân sự làm du lịch cũng sẽ trở lại đúng chuyên môn của họ và ông sẽ tuyển dụng thêm nhân sự mới để tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực bia.

Mưu sinh giữa muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, Tổng giám đốc AZA Travel cũng phải trở thành shipper đi giao hàng. Ảnh: NVCC

Ông Trần Văn Long, CEO Công ty Du lịch Việt, cũng đã phải xoay xở đủ kiểu để “cố gắng tạo ra việc làm cho nhân viên”. Từ hồi tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, ông Long đã nhanh chóng chuyển đổi hoạt động kinh doanh du lịch sang bán nông sản, rau củ, nước rửa tay… rồi sản xuất khẩu trang y tế với thương hiệu Ecom Net.

Ông cho biết, lúc đầu chỉ đầu tư vài máy sản xuất khẩu trang, nhưng nhu cầu thị trường lớn nên đến nay công ty đã có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết ở khắp ba miền và một nhà máy tại bang Virginia (Mỹ).

Hiện nay, tổng công suất trung bình mỗi ngày của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu khẩu trang một ngày. Nếu hoạt động hai ca hết công suất, mỗi ngày có thể sản xuất được 10 triệu khẩu trang. Đối với mặt hàng đồ bảo hộ, công ty cũng có thể sản xuất đạt 100.000 sản phẩm/ngày.

Ngoài ra, không ít CEO ngành du lịch đang phải tạm chuyển nghề sang chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sản xuất và phân phối nông sản, kinh doanh bất động sản… để chờ ngày được trở về nghề cũ.

Trải qua 4 đợt Covid-19, các doanh nghiệp du lịch gần như “sức cùng lực kiệt”. Hơn ai hết, doanh nghiệp du lịch mong mỏi Chính phủ, các cấp, ngành và người dân tiếp tục phòng, chống Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng kiểm soát được dịch để sớm phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Nam


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối