Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Khám phá Đàn tế trời Tây Sơn, Bình Định

(SGTT) - Bình Định có nhiều thắng cảnh đẹp như Ghềnh Ráng, Eo Gió, Kỳ Co, đầm Thị Nại, cù lao xanh... Đặc biệt, nơi đây vẫn còn có một công trình lịch sử gắn liền với nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu khởi nghiệp - Đài Kính Thiên, dân gian gọi là Đàn tế trời Tây Sơn.

Cổng chính vào đàn tế trời, nhìn từ Viên Đàn xuống.

Đài được lập ra nhằm mục đích tế cáo trời đất trước khi khởi sự và sau khi hoàn thành việc lớn như khởi nghĩa, xuất quân, mừng chiến thắng, định đô, dời đô, cầu an bá tánh, thượng điền, hạ điền…

Để đến Đàn tế trời Tây Sơn, du khách có thể đi theo quốc lộ 19 (hướng Bình Định về Gia Lai), rẽ trái vào khu di tích đài Kính Thiên, tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.

Theo các nhà phong thủy, địa lý đất Hoành Sơn là đại địa, nằm thế “tiềm long, phục hổ” vì có bút (Bút Sơn – Hòn Trưng), nghiên (Hợi Sơn – Hòn Dũng), ấn (Ấn Sơn – Hòn Giải), kiếm (Kiếm Sơn – Hòn Hóc Lãnh), cổ (Cổ Sơn – Hòn Trống), chung (Chung Sơn – Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.

Khách đang lên tham quan đàn tế trời Tây Sơn.

Theo ông Đỗ Anh Minh Hổ, cán bộ quản lý khu di tích đài Kính Thiên, cách nay gần 10 năm, vào dịp kỷ niệm 220 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, tỉnh Bình Định đã khánh thành công trình đài Kính Thiên.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng nước non linh địa Ấn Sơn là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho ba anh em nhà Tây Sơn. “Trước khi khởi binh dựng nên nghiệp lớn, Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây, nhận ấn kiếm để thế thiên hành đạo, thống nhất sơn hà, vỗ yên bá tánh”, ông Hổ nói.

Ngày nay đàn tế trời Tây Sơn (khu du lịch tâm linh Ấn Sơn - PV) được phục dựng trên nền đất cũ. Công trình khá quy mô, hoành tráng với các hạng mục như đàn tế trời đất, đền Ấn và các công trình phụ trợ… được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc, trên khu đất rộng 46 hécta.

Du khách đang đứng ở Viên Đàn, nơi có áng thời trời - đất.

Đài Kính Thiên tọa lạc trên đỉnh Ấn Sơn, gồm 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27m, tượng trưng cho trời, chính giữa Viên Đàn là áng thờ trời – đất.

Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54m, tượng trưng cho đất, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…

Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam. Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục là nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa trời và đất, giữa âm và đương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Đứng trên đỉnh Ấn Sơn lộng gió giữa bốn bề đại ngàn hùng vĩ, xa xa là dòng sông Côn chảy qua những cánh đồng, du khách nghe lòng dâng tràn nhiều cảm xúc.

Đặng Hoàng Thám


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối