(SGTT) - Làng du lịch cộng đồng Ta Lang thuộc xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm bên cạnh con suối Ch'Lang hiền hòa, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 120km. Đây là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu thông qua việc chế tác và trình diễn các nhạc cụ độc lạ như sáo 3 lỗ, đàn cò, đan lát, dệt thổ cẩm...
- Du lịch giữa mùa dịch: Sắc màu Dào San, Tây Bắc
- Sức hút của du lịch dựa vào cộng đồng nhìn từ mô hình ở Cồn Sơn và Cồn Chim
- Sức hút nhà tộc của người Cơ Tu, Quảng Nam
Đến làng, du khách sẽ được chào đón bằng nghi thức "cầu an, lễ nhập làng" trang trọng để trở thành người của làng. Sau đó, du khách sẽ được trải nghiệm "một ngày làm người Cơ Tu", hòa mình vào nếp sống của bà con và tham gia các công việc hằng ngày của họ như lên rừng hái rau, bẻ măng, lội suối bắt cá...
Ngoài ra, những du khách ưa thích khám phá có thể xuôi dòng Ch’lang bằng bè kết tre, chiêm ngưỡng thác R’cung trắng xóa, thăm địa đạo Axoo, đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn huyền thoại hoặc đi bộ đường rừng khám phá một phần cung đường Hồ Chí Minh dưới bầu không khí trong lành, dịu mát.
Điều du khách không thể bỏ lỡ khi đến với Ta Lang là thưởng thức ẩm thực với những món ăn đặc trưng, dân dã của dân tộc Cơ Tu. Đầu tiên phải kể đến bánh sừng trâu với hương thơm của nếp, trộn lẫn mùi thơm lá đót. Tiếp theo là món Za rá với vị cay nồng của tiêu rừng hòa quyện mùi thơm của thịt, mùi hanh của lá, vị đắng của đọt mây rừng.
Tất cả món ăn đều được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở làng. Đặc biệt, nhắc đến đặc sản hấp dẫn ở nơi đây, không thể không kể đến rượu Tà vạt, rượu cần...
Và khi đêm về, du khách được thả hồn vào mây trời, tập trung dưới nhà Gươl, hòa mình vào làn điệu sôi nổi của bài hát Rum cây, trong điệu múa Tân tung Da dá (vũ điệu dâng trời). Già làng, trai, gái, trẻ em trong làng quây quần cùng du khách với những điệu múa sôi động dưới ánh lửa bập bùng.
Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc sống ở miền Trung Việt Nam và Hạ Lào. Dân số người Cơ Tu trên 103.000 người. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Cơ Tu, một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn- Khmer trong ngữ hệ Nam Á.
Nguyễn Thanh Hằng