Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Du lịch lo khó đạt mục tiêu

Minh Duy-

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tổng cục Du lịch có cuộc họp với một số doanh nghiệp trong ngành để bàn về biện pháp tăng lượng khách trong những tháng cuối năm 2017. Trong chín tháng qua, ngành du lịch đã đón hơn 9,4 triệu lượt khách quốc tế, nên trong ba tháng còn lại cần khoảng 1,2 triệu lượt khách nữa mới đạt chỉ tiêu 13 triệu lượt.

6_bieu-do

Cơ quan quản lý cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng này là cao nên đề ra một số giải pháp thực hiện. Các giải pháp chú trọng đến quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm. Những người trong ngành kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường kết nối cho các chuyến bay thẳng đưa khách quốc tế đến; có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối thị trường quốc tế; xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, ứng xử tốt với khách du lịch; tiếp tục xem xét mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và diện cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam du lịch. Ngành du lịch cũng muốn có thêm 15 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến sản phẩm và điểm đến.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho rằng, những giải pháp và kiến nghị trên là hợp lý, nếu thực hiện có thể gia tăng hoạt động tiếp thị hình ảnh, góp phần kéo du khách. Tuy nhiên, đây là những việc làm mang tính dài hạn, còn trong điều kiện cần bức phá để thu hút một lượng khách lớn trong thời gian ngắn thì e rằng khó có hiệu quả.

Theo các doanh nghiệp, điều cần thiết trong lúc này là có sản phẩm hay, ưu đãi tốt cùng các chương trình quảng bá mạnh mẽ, qua đó tác động trực tiếp đến khách hàng, kích thích du khách mua ngay những sản phẩm này. Kèm theo đó là điều kiện đi lại, gồm cả thủ tục thị thực dễ dàng nhất cho du khách đến.

Tại cuộc họp trên, có doanh nghiệp đề nghị thực hiện chương trình tại Phú Quốc - nơi tất cả khách quốc tế đến được miễn thị thực trong vòng 30 ngày, có bãi biển đẹp, hệ thống khách sạn, resort đang thừa phòng và sân bay quốc tế còn sức tiếp nhận nhiều máy bay. Với những lợi thế này, ngành du lịch chỉ cần đưa ra sản phẩm ưu đãi thật tốt, tiếp thị mạnh mẽ, chú trọng các kênh tiếp thị trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp kéo khách đến. Chẳng hạn như cách làm của đảo Jeju (Hàn Quốc) là hỗ trợ kinh phí để tổ chức các chuyến bay thuê bao đưa khách đến. Một số người cho rằng các sản phẩm và hoạt động tiếp thị phải đưa ra nhanh, tập trung vào các thị trường gần để có tác dụng nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sản phẩm, chương trình tiếp thị du lịch như thế được được ra. Theo các doanh nghiệp, vấn đề nằm ở những hạn chế lâu nay của du lịch, đó là khó hợp tác để giảm giá sản phẩm và chưa có những chương trình tiếp thị hiệu quả. Vì thế, nếu lúc này tổ chức một chương trình tiếp thị lan truyền (viral marketing) cho điểm đến thì cũng khó có thể thực hiện.

Thực tế cho thấy, lâu nay, những hoạt động tiếp thị của du lịch Việt Nam thường chỉ là B-B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) còn B-C (doanh nghiệp đến khách hàng) như các điểm đến khác đang thực hiện rất hiệu quả thì chưa làm được, còn kiểu làm những chiến dịch tiếp thị trực tuyến thì gần như chưa thực hiện.

Một số doanh nghiệp cho rằng, chín tháng qua, tháng nào ít khách cũng đón khoảng 949.000 lượt, tháng nào nhiều thì đón hơn 1,2 triệu nên con số 3,6 triệu lượt cho ba tháng của mùa đông khách cuối năm cũng không quá căng thẳng. Do vậy, có thể đây cũng là nguyên nhân khiến chưa nơi nào hành động tức thì, phải đưa chiến lược phản ứng nhanh để lấy hiệu quả ngay.

Tuy nhiên, một số người trong ngành cho rằng không có gì là không thể xảy ra, nhất là với ngành nhạy cảm như du lịch. Vì thế, những hoạt động tạo sản phẩm hấp dẫn, tiếp thị phải được thay đổi để có hiệu quả cao, cần có những chiến lược dự phòng, đề phòng những tình huống xấu vì “nước xa khó có thể cứu được lửa gần”.

dukhachDu khách tham quan tại Dinh Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: Minh Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối