(SGTT) - Những động thái mới đây của ngành du lịch các địa phương miền Trung đã phần nào gợi mở một số giải pháp, góp phần thu hút khách quốc tế trong năm mới 2024, theo ghi nhận của nhóm báo KTSG.
- Nhiều hoạt động chào năm mới 2024 tại các tỉnh, thành phố miền Trung
- Khám phá cảnh sắc miền Trung qua đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023’
Ngày 11-1, đoàn doanh nghiệp du lịch với gần 60 thành viên đến từ Philippines đã kết thúc chuyến khảo sát các địa phương miền Trung, bao gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, trong 5 ngày. Chuyến khảo sát này được thực hiện nhân dịp hãng hàng không Cebu Airlines lần đầu tiên mở đường bay trực tiếp nối Manila (Philippines) và Đà Nẵng.
Sôi động thị trường Châu Á
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương – đơn vị tổ chức chuyến khảo sát này, cho hay sau chuyến đi, đại diện các doanh nghiệp đã có khá nhiều tư liệu để xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách. Đó là tour dành cho khách đi theo đoàn, theo gia đình và các nhóm nhỏ từ Philippines đến trải nghiệm dịch vụ tại miền Trung.
Chia sẻ tại buổi giao lưu với các doanh nghiệp Phillipines trước khi đoàn về nước, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, gợi ý các đoàn khách theo nhóm nhỏ và gia đình từ Philippines có thể trải nghiệm du lịch xanh đang được phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau tại Hội An cũng như Quảng Nam. Đó có thể là những bữa ăn dựa trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, trải nghiệm cách trồng rau hữu cơ và ủ phân hữu cơ từ thực phẩm thừa sau các bữa ăn hoặc học cách làm những sản phẩm nghệ thuật từ tre hay những cây gỗ bỏ đi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho hay khách từ Philippines nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ là nguồn khách mới tiềm năng của Huế bên cạnh các thị trường truyền thống lâu nay như Mỹ, Châu Âu và Hàn Quốc.
“Huế đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng để phù hợp với các thị trường khác nhau”, ông Phúc nói và cho biết thêm Huế sẽ đưa thêm nhiều hoạt động vào bên trong khu vực Đại Nội để cố đô trở nên gần gũi hơn với khách châu Á bên cạnh là điểm đến tìm hiểu hiểu văn hóa lịch sử của khách Tây Âu lâu nay.
Ông Phúc chia sẻ thêm ngày 10-1 vừa qua chuyến bay quốc tế đầu tiên của năm 2024 kết nối Thừa Thiên Huế và Incheon (Hàn Quốc) đã được thực hiện. Đây là tiền để tỉnh miền Trung này đẩy mạnh các hoạt động khôi phục trở lại thị trường khách du lịch Hàn Quốc – một trong những thị trường quốc tế hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây.
Cũng trong thời gian này (từ ngày 8 đến 12-1), đoàn doanh nghiệp du lịch từ Hiệp hội Lữ hành Indonesia cũng có chuyến khảo sát tại Đà Nẵng và miền Trung do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Theo bà Pauline Suharno, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Đà Nẵng, các chuyến bay quốc tế và nội địa tại Indonesia đã phục hồi hơn 90% sau Covid-19 và nhu cầu du lịch, nắm bắt từ hoạt động tại các hội chợ, gia tăng đáng kể với lựa chọn hướng đến các điểm đến mới, các chương trình du lịch có tổ chức và chương trình du lịch cao cấp.
Vì vậy chuyến khảo sát này là cơ hội tốt để khách Indonesia đến Đà Nẵng và miền Trung nhiều hơn để trải nghiệm du lịch mới, từ đó tạo tiền đề để mở các chuyến bay trực tiếp từ Indonesia đến Đà Nẵng. “Thị trường khách đạo Hồi từ Indonesia không quá khắt khe, các dịch vụ gắn nhãn Halal-friend sẽ khuyến khích khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn”, bà Suharno chia sẻ tại buổi tọa đàm được tổ chức nhân chuyến khảo sát.
Nhận định về thị trường này, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Dịch Đà Nẵng, cho hay với định hướng đa dạng hóa thị trường nguồn khách, chú trọng các thị trường đặc thù như thị trường khách Hồi giáo, du lịch Đà Nẵng tăng cường quảng bá xúc tiến đến thị trường Indonesia chú trọng phát triển dịch vụ Halal. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đưa vào sử dụng phòng cầu nguyện phục vụ hành khách đạo Hồi từ đầu năm 2023. Nhiều doanh nghiệp lưu trú tổ chức phòng cầu nguyện và giới thiệu các dịch vụ thân thiện với khách Hồi giáo.
Đa dạng hóa dịch vụ
Bên cạnh các thị trường nói trên, các địa phương miền Trung cũng đang thu hút nhiều hơn khách Ấn Độ. Các nhà hàng Ấn Độ đã mọc lên tại các đô thị đông đúc khách du lịch. Thậm chí ở Đà Nẵng có sẵn các chương trình đám cưới dành cho đoàn khách Ấn Độ.
Với những động thái trên, rõ ràng khách Đông Nam Á và Châu Á nói chung là đối tượng tiềm năng để ngành du lịch miền Trung có thể đa dạng hóa nguồn khách quốc tế trong năm 2024 và những năm tới trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, để có thể khai thác tiềm năng đối tượng khách trên hiệu quả để có thể phần nào đó góp phần vào thu hút khách quốc tế nói chung, theo những người trong cuộc, cần những giải pháp mạnh và hiệu quả đê nâng chất và đa dạng hóa dịch vụ.
Nói về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết Đà Nẵng đang giới thiệu mình là điểm đến thích hợp cho các cặp đôi Ấn Độ nhờ vào bãi biển đẹp và các resort đẳng cấp. Tuy nhiên, theo ông Thướng, như thế vẫn chưa đủ vì Đà Nẵng sẽ gặp các thách thức khách quan lẫn chủ quan. “Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang kêu gọi các cặp đôi tổ chức đám cưới trong nước thay vì ở nước ngoài để góp phần thúc đẩy thị trường nội địa”, ông Thướng nói và cho biết thêm các địa phương khác như Phú Quốc và Hạ Long cũng là những lựa chọn tiềm năng. Vì vậy ngành du lịch Đà Nẵng cần có sản phẫm và dịch vụ đặc biệt để lôi kéo đối tượng khách này – được dự báo là chi tiêu lớn.
Trong khi đó, bà Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cũng nhận định Đà Nẵng cần giải quyết vấn đề hạn chế của hệ sinh thái dịch vụ cưới địa phương, bao gồm nhà tổ chức chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty phải có chương trình tham quan, trải nghiệm sau cưới đủ sức hấp dẫn để giữ khách ở lại lâu hơn.
Về vấn đề phục vụ khách thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng tại Huế, ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế, cho hay ngành du lịch cần phải làm nhiều hơn nữa so với hiện nay. Khách Âu Mỹ thì thích thiên về tìm hiểu lịch sử, văn hóa và những giá trị kinh thành xưa. Tuy nhiên khách Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì cần trải nghiệm, gắn với giải trí hiện đại và cần những sản phẩm mới loe6n tục.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương – đơn vị đưa nhiều khách đến Huế, gợi ý không chỉ Huế mà các địa phương miền Trung cần khai thác dữ liệu lớn phục vụ cho nghiên cứu nhu cầu du khách, hành vi tiêu dùng du lịch, chân dung khách du lịch nhằm kiến tạo, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách.
“Có một số chương trình giải trí diễn ra trong những dịp đặc biệt rất hay, rất thu hút du khách nhưng chỉ diễn ra một lần trong một năm. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc đóng đóng gói chương trình này ở quy mô nhỏ hơn, tổ chức thường xuyên hơn để phục vụ khách”, ông Thủy chia sẻ.
Thêm một bài toán cần giải là những chuyến bay ngược lại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Express, phân tích để các đường bay thuê chuyến hay thường xuyên hiện nay giữa các điểm đến Châu Á và miền Trung duy trì trong thời gian dài, việc thu hút khách đến (inbound) là chưa đủ.
“Chúng ta cần phối hợp để tổ chức các đoàn khách từ Việt Nam đi nước ngoài (outbound) một cách thường xuyên trên các chuyến bay này thì mới mong các hãng hàng không sẽ duy trì khai thác đường bay”, bà Quế Anh nói và lấy ví dụ đường bay Manila – Đà Nẵng mà Cebu Airlines vừa khai thác. Cụ thể, ngoài việc kéo khách từ Philippines đến Đà Nẵng thì thu hút khách từ Đà Nẵng và miền Trung đến Philippines là một bài toán khó cần giải.
Nhân Tâm