Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Du lịch Nhật Bản quá tải

(SGTT) - Làn sóng du khách nước ngoài đang mang lại những cú hích lớn cho kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dân địa phương cảm thấy khó chịu với tác động tiêu cực từ tình trạng quá tải du lịch.
Khách nước ngoài tới Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 3,1 triệu lượt, tăng hơn 10% so với tháng 3-2019 – thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Bùng nổ khách nước ngoài

Trong tháng 3-2024, lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 3,1 triệu lượt, tăng hơn 10% so với tháng 3-2019 – thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO).

Chính phủ Nhật Bản đang trên đà vượt mục tiêu đón 32 triệu lượt du khách trong cả năm nay. Nhu cầu bị dồn nén trong thời kỳ đại dịch và đồng yên yếu là những yếu tố thúc đẩy lượng du khách quốc tế tăng mạnh. Năm ngoái, quốc gia Đông Á này cũng đã đón 25,1 triệu lượt khách du lịch, cao gấp 6 lần so với năm 2022.

Việc đồng yen mất giá gần 10% so với đô la Mỹ kể từ đầu năm tới nay đang khiến khách du lịch có xu hướng ở lại Nhật Bản lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cho chỗ ở, các hoạt động vui chơi giải trí, thực phẩm và quà tặng.

Nhu cầu về hàng hóa xa xỉ cũng gia tăng mạnh. Theo Bloomberg, khách du lịch nước ngoài đang tận dụng ưu đãi giảm giá bằng cách mua các sản phẩm rẻ hơn ở Nhật Bản từ các thương hiệu cao cấp như nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ TAG Heuer, Chanel và Prada.

Đây hứa hẹn sẽ là cú hích lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, bởi trong năm ngoái, chi tiêu từ khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản. Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi trong quí 1 năm nay, chi tiêu tài chính của du khách nước ngoài đã đạt 11,4 tỉ đô la Mỹ – quí cao nhất kể từ trước tới nay.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, khách du lịch từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng du khách quốc tế trong tháng 3. Các hãng hàng không Nhật Bản như Japan Airlines và ANA đều có kế hoạch tận dụng sự bùng nổ du lịch bằng cách mở thêm các đường bay từ các nước châu Á.

Du khách ngắm hoa tử đằng ở Nhật Bản. Ảnh: Đăng Huy

Dân địa phương khó chịu với áp lực từ khách nước ngoài

Bên cạnh những tác động tích cực, một vấn đề lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt từ làn sóng du khách nước ngoài, là tình trạng quá tải du lịch. Lượng du khách đông đảo đang khiến các địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn như cố đô Kyoto hay các khu vực xung quanh núi Phú Sĩ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý.

Cố đô Kyoto được coi là địa điểm du lịch yêu thích của các du khách nhờ các ngôi chùa Phật giáo, cung điện hoàng gia, những khu vườn tươi tốt, những ngôi nhà gỗ điển hình theo phong cách Nhật Bản và đền thờ Thần đạo. Trong năm ngoái, thành phố chỉ khoảng 1,5 triệu người này đã đón lượng du khách gấp 20 lần dân số, tổng cộng 32 triệu lượt khách.

Với con số đáng kinh ngạc đó, không có gì khó hiểu khi thành phố chỉ cách Tokyo hai giờ đi tàu cao tốc này, hiện đang trong tình trạng quá tải và không thể cân bằng được giữa sự hài lòng của du khách và người dân địa phương.

Nhiều người dân phàn nàn về việc giá phòng khách sạn tăng cao và tình trạng chen chúc khi đi xe buýt, đến nhà hàng. Nhiều người cũng cho biết, khách du lịch nước ngoài không có ý thức tôn trọng phong tục địa phương khi đuổi theo quấy rầy các geisha, chụp ảnh họ dù không được phép, hoặc vừa đi vừa ăn – một hành vi bị coi là bất lịch sự tại Nhật Bản.

Ông Hiroshi Ban, 65 tuổi, cho biết hồi tháng trước, ông đã phải mất sáu giờ đồng hồ – lâu gấp đôi so với bình thường, để đến thăm đền Heian Jingu ở Kyoto bởi nhiều du khách nước ngoài dùng dịch vụ xe buýt.

“Mỗi ngày tại đây đều giống như một lễ hội vậy. Chúng tôi không thể tận hưởng cuộc sống thường ngày của mình một cách yên bình”, ông nói với New York Times.

Ngay cả những người được hưởng lợi trực tiếp từ doanh thu du lịch cũng lo lắng mọi thứ có thể không bền vững. Ông Hisashi Kobayashi, một tài xế taxi tại Kyoto, cho biết công việc kinh doanh tốt đến mức, chỉ nghỉ một ngày thôi cũng đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm tiền. Tuy nhiên, theo ông, nhiều ngành liên quan đến du lịch cũng đang phải vật lộn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động từ thời đại dịch vẫn chưa được giải quyết.

Tình hình tương tự diễn ra tại núi Phú Sĩ. Kể từ khi mở cửa trở lại vào năm 2023, sau bốn năm đóng cửa vì đại dịch, núi Phí Sĩ đã đón một lượng lớn khách du lịch tới tham quan, kéo theo tình trạng ô nhiễm, rác thải bừa bãi và lượng khí thải CO2 gia tăng. Các đám đông du khách cũng cản trở trải nghiệm leo núi tập thể.

Nhiều khách du lịch nước ngoài không có ý thức tôn trọng phong tục địa phương khi đuổi theo quấy rầy các geisha, chụp ảnh họ dù không được phép, hoặc vừa đi vừa ăn – một hành vi bị coi là bất lịch sự tại Nhật Bản.

Các thành phố nhỏ hơn như Biei và Hokkaido cũng phải hứng chịu gánh nặng khi du khách thiếu ý thức gây thiệt hại cho các trang trại, mùa màng chỉ để có được những bức ảnh đẹp. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với người dân địa phương vốn dựa vào hoạt động nông nghiệp để kiếm sống.

Không chỉ những địa điểm du lịch phổ biến, ngay cả một số vùng từng không mấy quen thuộc với khách du lịch nước ngoài, giờ đây cũng bắt đầu cảm thấy căng thẳng, như thành phố Fuji, tại tỉnh Shizuoka, cách Kyoto khoảng 200 dặm về phía Đông.

Ảnh: Nguyễn Vân

Sau khi cây cầu “Giấc Mơ Phú Sĩ” – nơi có hậu cảnh nhìn thẳng ra núi Phú Sĩ bắt đầu trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội vào cuối năm ngoái, sở du lịch Shizuoka đã quảng bá trên Instagram rằng, đây là địa điểm lý tưởng để có được “những bức ảnh đẹp như mơ”.

Tuy nhiên, cây cầu này nằm trong khu dân cư, không có đủ chỗ đậu xe cho du khách, nhà vệ sinh công cộng hay thùng rác. Du khách đổ xô tới đây đã xả rác, đậu xe bừa bãi và trong một số trường hợp gây cản trở giao thông khi cố gắng chụp ảnh từ dải phân cách của cây cầu.

Hạn chế tác động tiêu cực từ du lịch

Một số quan chức Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng Fumio Kishida, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải du lịch. Trong khi đó, giới chức các địa phương cũng đang nỗ lực đưa ra những giải pháp ứng phó, với mức độ hiệu quả khác nhau.

Ông Motohiro Sano – một quan chức du lịch tại thành phố Fuji chia sẻ với New York Times, chính quyền đã thiết lập một bãi đậu xe tạm thời dành cho sáu ô tô, và bắt đầu xây dựng một bãi đậu xe lớn hơn, có thể chứa 15 ô tô, và có một phòng tắm. Hồi đầu tháng này, chính quyền thành phố cũng đã cho lắp đặt một hàng rào thấp trên cầu nhằm hạn chế du khách chụp ảnh.

Còn tại Kyoto, các biển báo ở ga tàu đều yêu cầu du khách “cần chú ý đến cách cư xử của mình”. Để giảm bớt áp lực lên người dân địa phương, chính quyền thành phố cũng đã cho triển khai các chuyến xe buýt đặc biệt dành cho khách du lịch nước ngoài. Một số ngõ hẻm tại Gion – quận geisha nổi tiếng nhất ở Kyoto cũng đã áp đặt lệnh cấm đối với du khách nước ngoài kể từ tháng 4, nhằm ngăn chặn những hành vi không đúng mực. Những người vi phạm có thể đối mặt với án phạt hành chính khoảng 70 đô la Mỹ.

Ngay cả các doanh nghiệp cũng lên tiếng kêu gọi du khách nước ngoài cần có cách hành xử đúng mực hơn. Tại khu chợ Nishiki của thành phố, bà Yoshino Yamaoka đã cho treo hai tấm bảng ngay bên ngoài cửa hàng lươn nướng của mình, với những dòng chữ bằng tiếng Anh: “Vui lòng không vừa đi vừa ăn”. Tuy nhiên, bà Yamaoka cũng băn khoăn, không rõ cách tiếp cận này của mình có quá táo bạo hay không, bởi “việc kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào khách du lịch”.

Việc cân bằng giữa thỏa mãn nhu cầu của du khách và bảo đảm sự ổn định cho cuộc sống của người dân là điều rất quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến ​​sẽ đón 60 triệu khách du lịch vào cuối năm 2030. Ông Haruhito Yoshizaki, một quan chức ngành du lịch tại thành phố Fuji chia sẻ, người dân địa phương vẫn sẽ “luôn chào đón du khách, miễn là họ tuân thủ các quy tắc cơ bản”.

Nguồn: New York Times, SCMP, Travel and Leisure Asia, Business Insider

Lạc Diệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối