MINH DUY -
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến Việt Nam từ các nước trong khu vực Đông Nam Á giảm mạnh. Nói về điều này, nhiều nguyên nhân được chỉ ra từ người trong nước đến các chuyên gia nước láng giềng.
Thiếu nhiều thứ
Trong chín tháng đầu năm nay, du khách từ những nước sát Việt Nam như Lào, Thái Lan, Campuchia giảm mạnh. Trong số đó, chỉ có hơn 168.000 lượt khách Campuchia sang Việt Nam, giảm 43,5% so với cùng kỳ; có hơn 141.000 lượt người từ Thái Lan, giảm 27,6% và Lào chỉ có hơn 83.500 lượt, giảm 25,9%.
Tuy đến năm nay những thị trường này mới giảm nhưng những dấu hiệu của sự sụt giảm đã có từ trước đó, khi tốc độ tăng trưởng của từng thị trường cứ chậm dần. Theo đại diện một số doanh nghiệp, du khách từ những nước này không những ít đi mà chi tiêu tính trên đầu khách cũng giảm. Chẳng hạn, với thị trường Campuchia, phần lớn khách đến vẫn là những người chi tiêu ít; với Lào, du lịch Việt Nam cũng chưa kéo được nhiều khách cao cấp khi đại đa số là khách đường bộ, đến chơi một lần rồi không quay trở lại và cũng chi tiêu thấp.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, một công ty có kinh nghiệm về thị trường Campuchia, cho biết hiện công ty không thể khai thác được khách du lịch từ nước này, ngoài lý do khó cạnh tranh về giá thì nguyên nhân chính là không tìm được nguồn nhân lực để phục vụ khách. Chẳng hạn, về hướng dẫn viên du lịch, cả nước chỉ có vài hướng dẫn viên tiếng Khmer nên không thể tìm được người phục vụ. Trong khi đó, để thu hút khách từ Việt Nam, những nước như Campuchia hay Thái Lan đã đầu tư rất mạnh cho nguồn nhân lực và chỉ riêng Thái Lan thì đã có đến vài trăm hướng dẫn viên nói tiếng Việt.
Ông Mỹ cho biết ông có thể nói được tiếng Khmer và đã từng xin phép cơ quan quản lý để được cấp thẻ hướng dẫn viên nhằm phục vụ khách nhưng bị từ chối bởi ông không thể viết ngôn ngữ này. Nhiều người biết tiếng Khmer cũng gặp tình trạng tương tự, có thể nghe nói được nhưng lại không có bằng đại học theo quy định nên không được cấp thẻ. “Theo tôi, thị trường càng gần thì càng phải thu hút vì dễ đến. Khách ở xa có thể đi du lịch dài ngày, chi nhiều tiền hơn còn khách ở gần lại có số lượng nhiều, đi nhiều chuyến trong năm nên nếu thu hút được thì hiệu quả kinh tế sẽ rất lớn”, ông nói.
Nhiều doanh nhân trong ngành nói rằng những nước láng giềng ngày càng tăng cường sự hiện diện của ngành du lịch tại Việt Nam bằng việc kết nối trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam qua các văn phòng đại diện, những sự kiện quảng bá và ưu đãi doanh nghiệp. Trong khi đó, du lịch Việt Nam tổ chức rất ít chương trình tại những nước này. Du khách thiếu thông tin về điểm đến Việt Nam và việc đầu tư các dịch vụ dành cho du khách cũng không được chú trọng nên những người đã đến ít muốn quay lại.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về khai thác thị trường gần, ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Lạc Hồng Vogaye, cho rằng ngành du lịch cần phải đầu tư thêm những cụm dịch vụ du lịch để kéo khách. Chẳng hạn, TPHCM rất gần với Campuchia, điều kiện đi lại rất dễ dàng nên cần có những khu du lịch chuyên đề để kéo khách đến vui chơi. “Hiện tại, nhiều người Campuchia thích đến khu du lịch Suối Tiên vì có dịch vụ mới hơn Campuchia nhưng nếu chúng ta không đầu tư thêm, không tạo nên những khu giải trí phong phú hơn thì chắc chắn du khách sẽ không qua nếu như nước này có những khu tương tự ”, ông nói.
Xu hướng du lịch mới
Theo ý kiến của những lãnh đạo doanh nghiệp ngành du lịch, vấn đề đáng lo ngại là ngành du lịch chưa thực hiện chiến lược bài bản từ quảng bá xúc tiến hình ảnh đến sản phẩm, nguồn nhân lực… để phát triển các thị trường lân cận. Nếu không nhanh chóng bắt tay vào việc thì du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bị bỏ lại sau trong cuộc đua thu hút khách du lịch nội vùng của các nước trong khu vực.
Đánh giá của những doanh nghiệp này cho rằng xu hướng du lịch tự do đang ngày càng phát triển, đặc biệt là với những nơi có điều kiện đi lại dễ dàng. Vì thế, những sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho khách đi du lịch theo kiểu này phải được ưu tiên hàng đầu. Tại Thái Lan, có đến 70% trong tổng số khách quốc tế đi du lịch theo kiểu tự do, không mua tour trọn gói của công ty du lịch. Vì thế, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang cùng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tìm cách để tạo điều kiện cho những khách này tiện lợi hơn khi đi du lịch.
Phía Campuchia cũng có hoạt động tương tự và ngành du lịch nước này cho rằng nếu kết nối được đường hàng không bằng các chuyến bay giá rẻ thì lượng khách sẽ tăng nhanh chóng. Trong cuộc họp bàn với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam hồi đầu tháng này tại TPHCM, ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia đã đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ cho hàng không, đặc biệt là những hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air mở đường bay kết nối điểm đến hai nước để thúc đẩy khách du lịch hai bên.
Về những hoạt động thúc đẩy quảng bá hình ảnh, kinh nghiệm của du lịch Thái Lan cho thấy truyền thông là một kênh hiệu quả. Bà Kobkarn Wattanavrangkul, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, cho biết bà đã đến một số điểm du lịch ở Việt Nam và thấy Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên về du lịch có thể khai thác để thu hút khách. Vấn đề là phải cho người dân Thái biết những điểm hấp dẫn này. “Chúng tôi đã từng tổ chức một đoàn phóng viên Thái Lan đến Hội An để quay những thước phim về phố cổ giới thiệu tại Thái Lan. Sau đó, số lượng khách Thái đến Việt Nam rất nhiều. Vai trò của truyền thông rất quan trọng”, bà nói.
Tuy nhiên, bà Kobkarn Wattanavrangkul cũng cho rằng truyền thông là quan trọng nhưng truyền thông chung chung là không đủ mà phải có thông điệp hiệu quả. Mỗi con người là khác nhau nên cần phải tìm ra sự khác biệt đó làm điểm thu hút. Du lịch cũng vậy, phải tìm ra nét riêng của mình và cho du khách biết điểm thu hút đó thì khách mới đến và quay lại.