(SGTTO) - Từ cách chào đón, phục vụ đến các hoạt động thanh toán, chăm sóc sức khỏe hành khách của du lịch tàu biển… đều phải thay đổi để phù hợp sau dịch bệnh Covid-19. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn hoặc phải rời cuộc chơi sớm.
- Thực hiện du lịch an toàn: quan trọng là tính liên kết giữa các đơn vị
- Thị trường chờ đợi bộ quy tắc về du lịch an toàn
Chia sẻ tại hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, cho biết, công nghệ hiếu khách và công nghiệp tàu du lịch biển đã thay đổi hoàn toàn sau dịch Covid-19.
Giao tiếp hoàn toàn qua “app”
Theo đó, khách hàng mục tiêu của ngành du lịch tàu biển sẽ là các nhóm nhỏ, gia đình, các cặp đôi, nhóm bạn thế hệ Millenials… Sự cạnh tranh trong ngành này sẽ không chỉ giới hạn giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia mà là cạnh tranh giữa quốc gia này với quốc gia kia. Nơi nào đảm bảo an toàn cho du khách cao hơn trước dịch Covid-19 sẽ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn.
Do đó, quan điểm "an toàn" phải là từ khóa mang tính chiến lược trong các hoạt động du lịch trong thời điểm hiện nay, từ lữ hành đến cơ sở lưu trú và cả hoạt động dịch vụ tàu biển.
Ông Xuân Anh cho rằng, có một số quy tắc mang tính bắt buộc mà nhiều hãng du lịch tàu biển toàn cầu đang áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi để theo kịp.
Cụ thể, khái niệm mang tính chiến lược phải là “chúng tôi sạch (đối với dịch Covid-19), chúng tôi quan tâm tới tính an toàn của du khách và chúng tôi sẵn sàng chào đón du khách trở lại.
Hiện, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, là cơ hội để Việt Nam “lấy điểm” với khách du lịch về mức độ an toàn. Việt Nam phải được quảng bá là điểm đến an toàn, các doanh nghiệp lữ hành, tàu biển phải quan tâm đến sự an toàn của du khách.
Cũng theo các quy tắc mang tính bắt buộc này, cơ sở đón tiếp du khách phải đảm bảo các điều kiện như không tiếp xúc trực tiếp (Contactless), không bắt tay, ôm hôn…, không dùng tay để mở cửa, thay vào đó sử dụng thẻ từ, không dùng chung bút, chìa khóa…
Còn đối với bộ phận lễ tân, rất nhiều thay đổi trong phương thức hoạt động như thực hiện check in/out qua thiết bị di động. Toàn bộ thông tin của khách phải tích hợp vào một ứng dụng (app), du khách không cần phải cầm hộ chiếu, trình xuất hộ chiếu khi có yêu cầu như trước đây. Ngoài ra, việc thanh toán cũng thực hiện toàn hoàn qua internet.
“Mọi yêu cầu của khách du lịch đều thực hiện qua các ứng dụng, cũng không còn chuyện khách hàng phải trả tiền mặt khi muốn gọi thêm thức ăn hay dịch vụ giặt ủi… Tất cả đều thực hiện qua app rồi thanh toán online”, ông Xuân Anh cho biết.
Riêng đối với nơi lưu trú, các ứng dụng cũng được sử dụng như một kênh giao tiếp giữa khách du lịch và bên cung cấp dịch vụ. Ngay cả những việc nhỏ như yêu cầu giặt ủi, cung cấp thêm mùng mền chiếu gối, gọi thức ăn… cũng được thực hiện qua app.
“Giấy bút, sách hướng dẫn, thực đơn bằng giấy trong phòng đều không dùng nữa. Các vật dụng, thực phẩm mà khách hàng yêu cầu qua app, nhân viên giao đến cửa, gõ “cốc cốc cốc” và đi liền thay vì đợi khách mở cửa nhận đồ ăn như trước. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với người”, ông Xuân Anh giải thích thêm.
Chấp nhận đầu tư lớn
Để đảm bảo an toàn cho khách, các tàu du lịch phải được vệ sinh khử trùng liên tục, hành lang công cộng luôn phải có máy lau chùi, khử trùng hoạt động thực hiễn mỗi 10 – 15 phút.
Ngoài ra, các đơn vị cũng phải chấp nhận dùng hóa chất mạnh. Đây là điều khó chấp nhận đối với nhiều du khách vì mùi Clo rất nồng, dễ gây dị ứng…nhưng để khử trùng, cần phải chấp nhận sử dụng hóa chất mạnh.
Còn đối với khu vực ăn uống, phải tạo khoảng cách đủ an toàn, không tổ chức buffet tự chọn, thay vào đố tổ chức tiệc buffet nhỏ, có phục vụ 100%. Doanh nghiệp cũng phải ứng dụng QR code vào Menu, gọi món, hướng dẫn…
Riêng đối với hệ thống thông gió tự nhiên, các tàu du lịch phải thay đổi toàn bộ hệ thống thông gió từ trung tâm sang ưu tiên thông gió tự nhiên. Vì hệ thống thông gió trung tâm có nguy cơ lan truyền virus cao hơn.
Về đo nhiệt độ, các tàu biển thực hiện tập thể vì lượng khách trên tàu rất lớn, không thể thực hiện đo trực tiếp từng người. Sau đó, nếu có điểm nào nhiệt độ bất thường, hành khách sẽ được khoanh vùng để đo riêng. Hành khách và nhân viên phục vụ trên tàu cũng được yêu cầu khẩu trang, rửa tay bằng cồn…
Để đáp ứng được các yêu cầu này, mỗi du khách lên tàu sẽ được cấp một thiết bị di động với đầy đủ thông tin, từ mã số cá nhân, lịch trình, các video hướng dẫn an toàn như mặc áo phao, lối thoát hiểm…
Thậm chí, khách bị bệnh trong quá trình lưu trú trên tàu cũng sẽ kết nối với bác sĩ trực tuyến, thăm khám với y tế trên tàu qua máy tính bằng các hình thức tư vấn qua mạng (telemedicine). Thuốc sẽ được nhân viên y tế mang đến cửa như giao thức ăn, rồi rời đi.
“Để làm được những điều này cần mức đầu tư lớn nên sẽ không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu không thay đổi, ngành du lịch tàu biển sẽ không theo kịp thế giới, các doanh nghiệp tàu biển cũng sẽ khó tồn tại lâu được”, ông Xuân Anh nhận định.
Nam Bình