Minh Duy -
Cả nước có hơn 346 cơ sở đào tạo du lịch với số lượng sinh viên ra trường hàng năm không ít, nhưng doanh nghiệp cho rằng đa số những người này không được đào tạo tốt để có thể làm việc ngay. Ngành du lịch đang đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực.
Đào tạo nhiều vẫn thiếu
Đầu bếp của một khách sạn cao cấp tại TPHCM đang chế biến món ăn.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến năm 2015, có 2,25 triệu người làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 750.000 người làm việc trực tiếp. Những năm gần đây, ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng đều đặn, ước tính đến hết năm nay có thể đạt khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa. Sự tăng trưởng này kéo theo đòi hỏi rất lớn về nguồn nhân lực.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự báo trong vòng năm năm tới, lực lượng lao động ngành du lịch phải tăng trưởng 20%/năm mới đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nếu chỉ tính về số lượng trường và số lượng sinh viên ra trường mỗi năm thì có vẻ như yêu cầu này là không khó nhưng thực tế thì khác hẳn do chất lượng đào tạo kém. “Cả nước có đến vài trăm trường dạy du lịch là khá nhiều nhưng do chất lượng đào tạo thấp nên nguồn nhân lực vẫn thiếu”, ông nói với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội thảo khoa học về phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội do hiệp hội cùng Sở Du lịch TPHCM tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM.
Nhiều doanh nghiệp than phiền sinh viên ra trường không biết làm việc nên doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí đào tạo lại sau tuyển dụng. Đa số sinh viên vẫn thiếu kỹ năng để làm việc, đặc biệt là ngoại ngữ, yếu tố rất quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đặt ra thì lại là điểm yếu của những người làm du lịch tương lai.
Tương tự như nhiều ngành khác, tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng diễn ra trong ngành du lịch. Mỗi năm có nhiều cử nhân đại học được đào tạo về quản lý ra trường nhưng thực tế doanh nghiệp lại cần những “thợ khéo” – cách nói của nhiều doanh nghiệp, chỉ về những người lành nghề, làm việc trực tiếp chứ không phải là quản lý.
“Phần lớn những nhân viên tiếp tân ở khách sạn là cử nhân đại học, không lẽ chúng ta lại tiếp tục đào tạo cử nhân để dọn phòng, làm vườn? Các trường phải thay đổi từ gốc rễ, đào tạo người làm nghề du lịch thay vì chỉ đào tạo ra những cử nhân không biết làm việc gây lãng phí chi phí xã hội”, ông Bình nói.
Đại diện nhiều trường học cho biết, tỷ lệ được tuyển dụng của các sinh viên sau khi ra trường thấp. Các trường đang thay đổi, tìm cách giải quyết để tìm đầu ra cho sản phẩm giáo dục. Vấn đề hiện nay là cả nước chưa có quy chuẩn thống nhất về đào tạo du lịch. Vì vậy, mỗi trường có một quy chuẩn, một giáo trình khác nhau, thậm chí tên gọi của từng ngành cũng khác nhau. Đội ngũ giảng viên, chuyên gia nhiều, có chất lượng nhưng lại chưa liên kết để tạo nên những chương trình đào tạo tốt. Thêm vào đó, sinh viên cũng thiếu cơ hội cọ xát với thực tế để tăng thêm kỹ năng làm nghề.
“Tôi là người thấm thía những khó khăn trong đào tạo du lịch. Mỗi nơi dạy mỗi kiểu. Thậm chí, tôi phải gọi điện cho từng trường để hỏi bộ môn đó dạy gì khi chúng tôi bắt đầu nhận hồ sơ đào tạo cao học. Hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn của trường Đại học Công nghệ TPHCM nói.
Trường học, doanh nghiệp phải bắt tay
Nhân viên của một khách sạn 5 sao tại TPHCM làm thủ tục nhận phòng cho khách.
Để giải quyết vấn đề về nhân sự, nhiều công ty lớn đã chọn cách chủ động đào tạo. Thậm chí, những nơi như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Du Ngoạn Việt, Vietravel, TransViet còn thành lập những cơ sở đào tạo riêng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp mà còn cung cấp cho thị trường hàng ngàn lao động mỗi năm. Những người này được đào tạo bài bản các kỹ năng nghề như hướng dẫn viên, điều hành tour, bán vé máy bay, lễ tân, phòng, bàn… nên thường được các đơn vị tuyển dụng đón nhận.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện những kế hoạch lớn như trên. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, để đào tạo đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn, ngoài yêu cầu chung về ban hành bộ quy chuẩn nghề du lịch của Việt Nam, tương ứng với các quy chuẩn nghề du lịch của quốc tế thì bản thân các trường phải tự thay đổi, không chỉ ở giáo trình giảng dạy lý thuyết và phải tạo cơ hội để sinh viên cọ xát với thực tế.
Ở nhiều nước, một nửa thậm chí ba phần tư thời gian học tập của sinh viên là làm việc, học hỏi thực tế tại doanh nghiệp. Nhưng tại Việt Nam, cơ hội làm việc thực tế là rất ít, thậm chí sinh viên chỉ biết môi trường thực tế qua kỳ thực tập tốt nghiệp. Nhà trường phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để biết kế hoạch dự kiến tuyển dụng, yêu cầu về chất lượng… để có kế hoạch đào tạo tương ứng và tạo nhiều cơ hội cho sinh viên đi thực tập thực tế.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc của Saigontourist, cho rằng doanh nghiệp và trường phải hợp tác chặt chẽ thì mới giải quyết được khó khăn về nguồn nhân lực chứ bản thân doanh nghiệp, dù quy mô lớn cũng không thể tự giải quyết được. Doanh nghiệp cũng có thể tạo thêm thuận lợi cho sự hợp tác này bằng cách chuẩn hóa những yêu cầu về nhân lực vì mỗi công ty lại có những yêu cầu riêng về nhân lực, các yêu cầu riêng về phát triển và văn hóa của doanh nghiệp nên nhà trường không thể nào chạy theo để đáp ứng.
“Vì vậy, doanh nghiệp cũng phải chuẩn hóa những yêu cầu này. Chẳng hạn, đưa ra những yêu cầu chung cho nhân viên, người quản lý, cho những người làm lữ hành nội địa, khách sạn... để trường đáp ứng”, ông Tài nói với Sài Gòn Tiếp Thị và cho biết hiện công ty này đã liên kết với các trường theo nhiều phương pháp khác nhau, cùng trao đổi về một số chương trình đào tạo cần thiết. Cán bộ cấp cao của công ty tham gia các khóa giảng dạy, đào tạo huấn luyện ở trong các trường nhằm giảm sự khác biệt giữa giảng dạy và sử dụng lao động trong thực tế.
Một số trường như Đại học Công nghệ, Văn Hiến đã có những thay đổi, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Trong đó, Đại học Văn Hiến đã ký kết với 22 công ty du lịch, khách sạn để những doanh nghiệp này góp ý, xây dựng chương trình và nội dung học phần phù hợp với yêu cầu thực tế; hỗ trợ sinh viên thực tập tốt nghiệp và tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường. Trường Đại học Công nghệ thì tổ chức học kỳ doanh nghiệp cho hàng trăm sinh viên đến làm việc tại các công ty.
“Sinh viên và doanh nghiệp đều rất hào hứng với học kỳ này, hơn hẳn những kỳ thực tập tốt nghiệp ngắn ngủi. Bản thân các sinh viên qua học kỳ làm việc thực tế lại tạo áp lực ngược lại cho giảng viên, đòi hỏi giảng viên phải có những bài giảng thiết thực hơn”, ông Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn của trường Đại học Công nghệ nói.