Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Du lịch tìm về thiên nhiên để tránh Covid-19

(SGTTO) - Để tránh nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19, du khách phải hạn chế đến nơi đông người. Nhưng trái tim mê du lịch còn đập và đôi chân tuy trở lại công sở mới hai tuần đã trở nên “cuồng” thì bộ não thông minh lại bắt đầu tìm cách.

Sài Gòn Tiếp Thị Online mách bạn ba địa điểm để bạn có thể đi bộ đắm mình vào thiên nhiên thơ mộng, tăng cường sức khỏe.

Trekking thác Mai
Đi bộ ở khu vực núi đá. Ảnh: P.Thanh

Cách TPHCM 150 km, thác Mai thuộc huyện Định Quán, Đồng Nai là địa điểm du lịch được những người ưa đi bộ đường dài và yêu cảnh sắc thiên nhiên nhắc đến gần đây. Để đến thác Mai, du khách có thể đi hướng TPHCM – Dầu Dây rồi rẽ trái vào quốc lộ 20 để đến huyện Định Quán. Khu du lịch Thác Mai nằm cách quốc lộ 20 khoảng 23km. Vé vào cổng là 15.000 đồng/ người nếu đi trong ngày và 30.000 đồng/người nếu ở qua đêm.

Du khách có thể tắm suối ở khu vực thác Mai. Ảnh: Wetrek
Núi đá ở khu vực đường vào thác Mai. Ảnh P.Thang
Vườn nhà dân gần khu vực thác Mai. Ảnh P.Thanh

Đi bộ giữa núi rừng thác Mai, du khách sẽ cảm thấy thích thú với không khí trong lành, tán rừng sà xuống xanh mát với những loài cây như kơ nia, sao đỏ, bằng lăng… Đã qua tết Âm lịch, nhưng nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp những cành mai rừng trắng muốt nở hoa. Du khách cũng sẽ có cơ hội được nghe kể về sự tích của thác, về câu chuyện thần thoại gắn liền với sự tích của làng dân tộc Mạ nơi bìa rừng.

Ngắm mặt trời lặn - trải nghiệm khó quên của những du khách cắm trại qua đêm. Ảnh: P.Thanh

Hành trình trekking ở Thác Mai là hành trình xuyên rừng, vượt thác nhằm thách thức giới hạn của bản thân. Từ quốc lộ rẽ vào đường rừng, du khách sẽ bắt gặp mạch nước nóng như một trạm dừng chân hoang sơ. Đi bộ thêm khoảng 8km, bạn sẽ đến với thác Mai, hình dạng thác đổ được ví như cặp chân của rồng. Đây cũng là nơi các đoàn khách tổ chức cắm trại, bắt cá, chụp ảnh với những rễ cây trăm năm và tắm suối.

Bữa ăn của một nhóm khách du lịch. Ảnh: P.Thanh

Tuy nhiên, vì khung cảnh hoang sơ nên thác Mai không phù hợp khi đi một mình. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, du khách nên đi cùng nhóm đông người và quay về trước 16 giờ do đoạn đường từ quốc lộ 20 vào đến thác khá xa và rừng phủ bóng tối rất nhanh. Nếu có kế hoạch ở lại, du khách có thể cắm trại hoặc thuê phòng nghỉ trong khu du lịch.

Đặc sản khu vực xung quanh thác Mai là cá nướng và gà rừng nên du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức.

Hành trang khám phá thác Mai là lều cắm trại, đồ chống muỗi, thức ăn gọn nhẹ.

Leo núi Chứa Chan (Đồng Nai)

 

Núi Chứa Chan cao 837m so với mực nước biển. Ảnh WeTrek

Núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, Đồng Nai không quá khó để chinh phục nên đã trở thành một địa điểm quen thuộc của những người ưa đi bộ. Nằm ở độ cao 837m so với mặt nước biển, độ cao của của ngọn núi này vẫn chưa thấm vào đâu so với đỉnh Lang Biang (2.167m).

Tương tự như cung đường đến thác Mai, du khách cũng men theo cung TPHCM – Dầu Giây để đến Đồng Nai, sau đó thay vì rẽ trái thì rẽ phải vào quốc lộ 1A để đến Xuân Lộc rồi hỏi người dân đường tới núi Chứa Chan.

Đỉnh núi Chứa Chan bảng lảng mây mờ. Ảnh WeTrek

Chinh phục núi Chứa Chan có hai con đường, đường men theo cột điện và đường lên chùa. Các nhóm leo núi thường muốn trải nghiệm cả hai cung đường nên sẽ chọn leo lên bằng một con đường rồi xuống bằng con đường khác. Sau khoảng ba giờ liên tục đi lên cao, băng qua những ngọn cỏ lau rì rào trong gió, du khách sẽ đến được đỉnh núi Chứa Chan. Đây là lúc dựng trại, nhóm lửa, nướng đồ ăn và tâm sự hay trêu đùa nhau để có những khoảnh khắc vui vẻ.

Sớm hôm sau, du khách nên dậy sớm đón bình minh nơi đỉnh núi. Không khí se lạnh với sương mờ giăng lối là phần thưởng cho những trái tim can đảm vượt qua cơn mê ngủ.

Hành trang gợi ý cho chuyến chinh phục núi Chứa Chan có thể gồm bộ quần áo leo núi chuyên dụng và một bộ đồ thường để mặc khi đi ngủ, giày leo núi hoặc giày thể thao có độ bám dính tốt, áo mưa, lều, đèn pin, bật lửa, thức ăn, một số loại thuốc dự phòng…

Trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng
Con đường Trekking qua đồi tại cung đường Tà Năng Phan Dũng. Ảnh: Phạm Chang
Cắm trại giữa núi rừng là trải nghiệm khó quên khi trekking Tà Năng Phan Dũng. Ảnh: Phạm Chang

Khác với hành trình trekking nói trên, trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng cần ít nhất ba ngày hai đêm. Cung đường này đi qua nhiều tỉnh thành, từ Tà Năng (Lâm Đồng) qua Ninh Thuận rồi đến Phan Dũng (Bình Thuận) nên chứa đầy thử thách. Những trái tim đam mê chinh phục không nên chủ quan mà đến đây khi không có sự giúp sức nào. Nếu không có một nhóm bạn có kinh nghiệm, thì lời khuyên của nhiều người từng trekking cung Tà Năng – Phan Dũng là đi theo tour để được hỗ trợ trong suốt hành trình và được sự hướng dẫn của người dân địa phương.

Trekking qua những sườn đồi cà phê. Ảnh: Phạm Chang
Người ta nói có hai mùa tại Phan Dũng, mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy. Ảnh: Phạm Chang

Công ty du lịch sẽ đón khách tại điểm tập kết rồi di chuyển đến huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và dừng lại tại nơi bắt đầu - thôn Ma Bó (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng). Hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng mở ra với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ. Du khách sẽ băng qua đồi cỏ lau thơ mộng, qua những con suối chảy róc rách, qua đồi thông xanh rì hay triền đồi cà phê xa tít tắp.

Hoàng hôn tại cung trekking Tà Năng Phan Dũng. Ảnh: Phạm Chang
Niềm vui của một khách du lịch khi chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng.

Phạm Chang (22 tuổi), một người từng trekking trên cung đường này, đã mô tả lại rằng Tà Năng có hai mùa, mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy. “Tôi yêu cảnh sắc ấn tượng với núi đồi trùng điệp và cái nắng thì không gắt lắm. Cảm giác đứng trên cao nhìn lại con dốc uốn lượn đầy thách thức mà mình đi qua, cảm giác thật khó tả, vừa tự hào vừa thích thú”, Chang nói.

Tuy nhiên, để không đi lạc giữa những ngã rẽ trên hành trình, du khách nhớ tuân theo hướng dẫn và đừng quên sử dụng thiết bị GPS. Hành trang đi trekking tại cung đường này cần gọn nhẹ mà vẫn đầy đủ, quần áo thoáng mát vào ban ngày và ấm áp vào ban đêm.

Tâm Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối