Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Du lịch Việt Nam, cánh bay còn nặng

THÙY DUNG -

Du lịch với nhiều tiềm năng và lợi thế, được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Song, qua nhiều năm “mũi nhọn” này dường như vẫn chưa đủ nhọn để có thể bứt phá, kéo toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành du lịch đi lên.

Triệu phú ngán xin visa

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển du lịch trong thời kỳ mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kể lại câu chuyện mà nhiều người làm du lịch giật mình. Theo đó, câu chuyện được ông Lộc đề cập xảy ra trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hồi tháng 6 vừa qua. Chuyện xoay quanh phát biểu của ông Ken Atkinson, Trưởng nhóm công tác về du lịch của VBF, cho biết có cặp vợ chồng du khách châu Âu ban đầu chọn Việt Nam là nơi đến trong kỳ nghỉ mùa hè của họ. Nhưng khi tìm hiểu thủ tục họ thấy chỉ riêng chi phí visa vào Việt Nam đã bằng cả chi phí cho hai đêm nghỉ thêm ở Thái Lan. Và hai vợ chồng đã quyết định chọn Thái Lan, thay vì Việt Nam, cho chuyến đi du lịch của họ.

Ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), chợ đêm Dinh Cậu là điểm tập trung của hầu hết du khách muốn lang thang buổi tối nhưng sự hiện diện của khách quốc tế cũng rất ít.     Ảnh: Nam Hưng
Ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), chợ đêm Dinh Cậu là điểm tập trung của hầu hết du khách muốn lang thang buổi tối nhưng sự hiện diện của khách quốc tế cũng rất ít. Ảnh: Nam Hưng

Tất nhiên, người ta có thể nói ví dụ mà ông Ken Atkinson đưa ra là trong trường hợp mức phí xin visa bằng giá dịch vụ du lịch giá rẻ tại Thái Lan. Tuy nhiên, dù ít dù nhiều, phí xin visa cũng là một điều khiến du khách so sánh khi ở nước khác, cụ thể là Thái Lan, họ được miễn phí. “Quan sát cách làm du lịch của các nước xung quanh, chúng ta giật mình bởi không chỉ Thái Lan, Malaysia, Singapore… mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanmar… cũng đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn ta”, ông Lộc nói.

Cũng từ những điều mắt thấy tai nghe, ông Lương Hoài Nam – Phó chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Công ty Hải Âu Aviation, kể rằng có lần công ty đón một cặp vợ chồng triệu phú châu Âu sang Việt Nam du lịch. Cặp vợ chồng này thường có nhu cầu tiêu xài 20.000-30.000 đô la Mỹ trong mỗi chuyến. Nhưng khi đến Việt Nam, cặp vợ chồng nọ lắc đầu vì thủ tục xin visa. Ông Nam dẫn lại lời nói của hai du khách này là họ đã đến Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều không cần xin visa nhưng riêng Việt Nam lại có. “Triệu phú họ rất ngại xin visa nên chúng ta phải mạnh dạn cởi trói ngay cho visa”, ông Nam nói.

Tại hội thảo này, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist, cho hay khách du lịch nước ngoài khi đi du lịch họ thường quyết định rất nhanh, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, việc phải qua thành phố để xin visa trong khi điểm du lịch của họ là một thành phố khác sẽ khiến họ nản lòng và có thể đi du lịch nước nào không cần visa.

Bớt rào cản

Theo con số thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, Thái Lan đã miễn thị thực và lệ phí thị thực (visa) cho công dân đến từ 61 quốc gia (trong đó 49 nước là đơn phương), Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (trong đó 85 quốc gia là đơn phương). Tương tự, Singapore đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 150 quốc gia (trong đó 82 quốc gia là đơn phương). Trong khi Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và mới miễn thị thực cho 22 quốc gia. Những con số này, theo ông Lộc, là đáng báo động về vấn đề cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho hay trong quá trình hội nhập, đường biên giới giữa các quốc gia đang trở nên mờ dần. Chính vì vậy, các rào cản mang tính địa phương như visa, thuế quan, hay sự khác biệt chính sách ngày càng hạ thấp và mất dần.

Chính vì vậy, các chuyên gia kiến nghị nên xem xét miễn thị thực với các thị trường thu hút khách du lịch quan trọng khác, trong đó có Úc, New Zealand, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, các nước là đối tác trong các hiệp định thương mại tự do mà ta đã và đang ký kết như Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP).

Mũi nhọn chưa… nhọn

Năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Đây là một trong những lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng bậc nhất của Việt Nam trong tương quan so sánh toàn cầu. Ông Lương Hoài Nam nhận xét, du lịch là ngành duy nhất mà xuất khẩu thu ngoại tệ tại chỗ cũng như là ngành chúng ta có thể làm trọn gói từ A đến Z như khách sạn, nghỉ dưỡng, tổ chức tour, bán sản phẩm. Tuy nhiên, với những lợi thế so sánh đó nhưng tới nay Việt Nam vẫn không thể xây dựng thành một “quốc gia du lịch”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cho rằng Việt Nam đến với du lịch quốc tế sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, nên Việt Nam hầu như không thể đuổi theo họ về số lượng du khách. Hiện nay, yêu cầu của khách du lịch quốc tế không đơn thuần là phong cảnh và bãi biển đẹp mà hướng đến những mối quan tâm và sở thích đa dạng hơn trước nhiều. Chính vì vậy, Việt Nam có thể chọn con đường phát triển du lịch chuyên đề, du lịch ngách và du lịch cao cấp. “Nên nhớ rằng, trên thế giới, du lịch cao cấp chỉ chiếm 3% số khách nhưng lại tạo ra 20% doanh thu du lịch”, bà Ninh nói.

Để triển khai việc trên, theo bà Ninh, Việt Nam cần xác định những lợi thế, những yếu tố đặc sắc, những điều hấp dẫn du khách quốc tế. Hiện nay, nếu xác định ẩm thực là một lợi thế thì cần phải có chiến lược quảng bá bài bản. Tuy nhiên, thực tế ngay trong các khách sạn 5 sao tại Việt Nam vẫn chưa có những gian hàng đồ ăn Việt Nam. “Như vậy, trên sân nhà mà chúng ta cũng không quảng bá được “cơm ta” thì sao có thể đưa ẩm thực Việt ra thế giới”, bà Ninh bức xúc.

Nói về ẩm thực trong du lịch, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng văn hóa ẩm thực của Việt Nam chắc chắn là một nét độc đáo. “Văn hóa ẩm thực cộng với lợi thế của một nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với các tiểu vùng khí hậu phong phú mà chúng ta đang chủ trương xây dựng sẽ tích hợp các giá trị của ngành du lịch với nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi giá trị doanh nghiệp, hộ nông dân”, ông nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối