Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Du lịch xanh, bền vững cho homestay: có quá khó không?

(SGTTO) – Có thể nói homestay - lưu trú tại nhà dân - là một trong những loại hình du lịch khó thực hiện mô hình xanh và bền vững nhất. Nhưng, khó không có nghĩa là không thể.

Tại thành phố Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, mô hình homestay đang nở rộ trong vài năm qua. Việc hướng các homestay đến mô hình xanh, bền vững rất quan trọng. Ảnh: Nhân Tâm

Homestay là một thuật ngữ chỉ một loại hình cơ sở lưu trú mà khách du lịch trả tiền để ở cùng với gia đình chủ nhà trong cùng một ngôi nhà và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của gia đình và cộng đồng địa phương. Thu nhập có được từ nhà dịch vụ homestay được coi là một phần thu nhập bổ sung của gia đình chủ nhà.

Homestay có cần xanh không?

Khách du lịch được cung cấp các tiện nghi giống như gia đình chủ nhà, tức là cùng một loại giường mà chủ nhà ngủ, cùng các tiện nghi tắm và vệ sinh, cùng một loại thực phẩm được sản xuất tại địa phương mà chủ nhà thường ăn. Tuy nhiên, các dịch vụ này được bổ sung bởi sự hiếu khách truyền thống, được lồng vào các môi trường tự nhiên và văn hóa khác nhau của khu vực mà homestay ở trong đó.

Do đó, khách có thể trải nghiệm một cách chân thực cuộc sống truyền thống của chủ nhà, tham gia các hoạt động văn hóa địa phương và tận hưởng không gian tự nhiên xung quanh homestay.

Có một số thách thức để mô hình homestay tiến đến sự bền vững. Đó là hạn chế khả năng khai thác nhu cầu du lịch xanh, thanh niên không quan tâm đến việc tiếp tục công việc của cha mẹ họ phục vụ homestay, cạnh tranh của những nhà trọ được quảng bá là homestay mà không có gia đình chủ nhà sống cùng trong đó. Bên cạnh đó, việc tiếp thị và đặt dịch vụ phụ thuộc vào các kênh bên ngoài rất tốn kém, như các đại lý du lịch trực tuyến, cạnh tranh cao với các loại hình lưu trú khác (ví dụ: phòng nhàn rỗi qua AirBnb, nhà trọ, du lịch dựa vào cộng đồng...). Và cả vấn đề thiếu các kỹ năng nghề du lịch như lễ tân, dọn buồng, phục vụ ăn uống; hiểu biết hạn chế về văn hóa địa phương và khả năng thuyết minh, hướng dẫn.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu gia tăng đối với du lịch xanh của du khách ngày càng tăng, đòi hỏi homestay phải mang đến cho khách những trải nghiệm xanh của địa phương, bằng các dịch vụ tác động ít nhất đến môi trường, cộng đồng và văn hóa địa phương.

Một khảo sát về các hoạt động bền vững của các quốc gia thành viên của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), cho thấy 75% các quốc gia đã nhận thức về mối quan hệ chặt chẽ giữa tính bền vững và năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu xác nhận rằng, thực hành du lịch có trách nhiệm dẫn đến giảm chi phí, bằng cách sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên - điện, nước và xử lý chất thải - từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận theo thời gian.

Điều này sẽ có ảnh hưởng tốt đến danh tiếng và thương hiệu của homestay và do đó đem đến các cơ hội kinh doanh tốt hơn, nhiều khách hơn và các nhân viên có năng lực và năng suất lao động cao hơn. 

Cơ hội để “xanh hóa” homestay

Thực tế, du lịch hiện nay tập trung nhiều ở một vài điểm đến. Do đó cần tạo cơ hội và truyền thông về du lịch đồng đều hơn trong cả nước, mang đến cơ hội cho các điểm tham quan, đồng thời bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và văn hóa xã hội.

Đặc biệt khi homestay nằm ở những địa điểm được những người khách du lịch có trách nhiệm ưa thích, chẳng hạn như môi trường nông thôn hấp dẫn, nơi vẻ đẹp tự nhiên giao thoa di sản văn hóa. Nhất là tại các khu vực có nhiều dân tộc thiểu số, có nền văn hóa đa dạng, độc đáo và bao quanh là môi trường tự nhiên, mang đến một sự pha trộn rất hấp dẫn của các điểm du lịch có trách nhiệm. Ở những khu vực đó, các lựa chọn sinh kế không nhiều, do đó cho phép homestay cung cấp thêm thu nhập cho gia đình chủ nhà và những người lao động tạm thời làm việc tại địa phương.

Cụ thể, thực hành du lịch có trách nhiệm mang lại nhiều lợi ích cho các homestay, như giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với du lịch xanh của thị trường khách du lịch. Việc này cũng sẽ xây dựng uy tín và thương hiệu du lịch bền vững cho homestay, khuyến khích khách tham quan quay trở lại, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các homestay.

Chủ nhà homestay có thể tổ chức các buổi hướng dẫn về kinh tế xanh, tuần hoàn nhỏ cho khách ở của mình. Ảnh: Nhân Tâm

Các homestay có thể giảm chi phí bằng các biện pháp sử dụng điện, nước hiệu quả hơn và tiết kiệm đáng kể chi phí khi quản lý hợp lý chất thải. Ngoài ra, các homestay cũng thu được nhiều lợi ích từ việc sử dụng nhân lực có trách nhiệm và hiệu quả, đặc biệt là bằng cách sử dụng lao động địa phương phù hợp với luật Lao động và đưa ra các điều kiện lao động hấp dẫn.

Hơn nữa, các homestay có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ và trải nghiệm xanh của khách du lịch bằng cách sử dụng các sản phẩm địa phương và các thương hiệu thân thiện với môi trường; thực phẩm, hoạt động giải trí và hàng thủ công địa phương. Đồng thời du khách sẽ đánh giá cao khi thấy homestay sử dụng điện nước hiệu quả; giảm chất thải nhựa và chất thải rắn khác để tránh ô nhiễm; áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường...

Nếu các homestay cũng quan tâm đến các khía cạnh xã hội như điều kiện lao động, không sử dụng lao động trẻ em, hỗ trợ cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì các homestay đã giải quyết và cân bằng ba trụ cột của du lịch bền vững, trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch có trách nhiệm để họ quay trở lại.

Hơn nữa, trách nhiệm với xã hội của homestay sẽ nâng cao khả năng “truyền miệng” của khách du lịch, ví dụ thông qua Trip Advisor, Facebook, Vietnam.Travel, Instagram... Điều này sẽ tác động đến thái độ của người lao động, khiến họ tự hào về homestay mà họ đang làm việc, từ đó tăng thêm sự trung thành, gắn bó của họ và tăng năng suất lao động.

Với nhu cầu ngày càng tăng đối với du lịch xanh hoặc du lịch có trách nhiệm, các homestay coi tính bền vững là cốt lõi của hoạt động kinh doanh thì có tiềm năng lớn trong lĩnh vực lưu trú đầy sự cạnh tranh. 

Tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) áp dụng với homestay được chia thành 3 chủ đề bền vững chính, mỗi chủ đề bao gồm một số tiêu chí bền vững phù hợp với các chỉ số du lịch bền vững định lượng.Ba chủ đề du lịch bền vững chính cho homestay là bền vững về kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường.Tiêu chí du lịch bền vững chi tiết các hành động cần được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của chủ đề du lịch bền vững chính.Các chỉ số du lịch bền vững cung cấp các chi tiết có thể định lượng để tuân thủ tiêu chí du lịch bền vững.Sau khi được bàn giao bộ tiêu chí này từ SSTP, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ có những buổi hướng dẫn cụ thể đến tứng doanh nghiệp để có thể có những tiêu chí riêng và kế hoạch hành động phù hợp với đặc tính văn hóa tại tỉnh Quảng Nam.

Nhân Tâm

Nhiều người quan tâm