Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Du lịch xanh, tiếng gọi từ thị trường

Chọn các tuyến du lịch thân thiện với môi trường, những điểm đến du lịch văn hóa bản địa, du khách ngày nay cho thấy có sự chuyển hướng trong nhận thức về mặt trái của hoạt động du lịch đối với môi trường sống và tự nhiên. Họ đang muốn vừa đi chơi, thưởng ngoạn và góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng những doanh nghiệp hướng đến du lịch xanh còn… chầm chậm. Vì sao?
Lak Tented Camp, một khu nghỉ dưỡng xanh ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đào Loan

Không lâu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Asian Trails Co., LTD, một công ty chuyên làm tour cho khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu đề nghị với khách du lịch về việc mỗi người đóng góp 1,5 đô la Mỹ/chuyến để hỗ trợ cho những dự án thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để giảm thiểu chất thải nhựa, công ty cũng dừng việc cung cấp nước uống đóng bằng chai nhựa mà khuyến khích khách hàng mang theo chai để đựng nước uống trong chuyến đi. Với những người không có chai nước, công ty sẽ tặng, như là một quà của chuyến du lịch.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Asian Trails Co., LTD, cho rằng ngày nay con người có ý thức rõ ràng hơn việc nếu làm thiên nhiên bị tổn hại thì thiên nhiên cũng sẽ trả lại cho con người những tác động tương tự. Trên thực tế, bản thân khách du lịch hay đối tác vẫn không nói thẳng là họ cần có các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, nhưng âm thầm chọn những công ty có ý thức về phát triển loại hình này.

“Vì vậy, việc điều hành dịch vụ theo hướng này không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp mà còn là yêu cầu từ thị trường, nếu không đáp ứng thì sẽ khó thu hút khách. Doanh nghiệp du lịch phải “xanh” chính là mệnh lệnh của thị trường”, bà Thủy Tiên nói.

Xanh là “mệnh lệnh”

Theo bà Thủy Tiên, chỉ riêng việc bỏ sử dụng các chai nước bằng nhựa dùng trong tour thì mỗi ngày môi trường đã được giảm thải hàng chục ngàn chai nhựa. Ở Asian Trails, từ nhiều năm qua, các sản phẩm du lịch đã được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường. Ví dụ, công ty hạn chế việc dùng các loại xe chạy bằng xăng để chuyên chở khách du lịch, tăng cường sử dụng xe đạp, sử dụng các sản phẩm nội địa, cho khách ở homestay để hỗ trợ kinh tế địa phương…

Với sự ủng hộ của khách hàng trong các kế hoạch thiện nguyện bảo vệ môi trường thông qua hoạt động du lịch, nhà điều hành tour này sẽ có thêm chi phí hỗ trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, như dự án làm năng lượng xanh…

Asian Trails hiện đã có giấy chứng nhận Travelife cho doanh nghiệp lữ hành đạt được các tiêu chí bền vững trong ngành du lịch, giúp công ty có thêm lợi thế khi tham gia đấu thầu ở nước ngoài.

Nỗ lực như thế nào để vận hành dịch vụ theo hướng “xanh” hơn cũng là câu chuyện được ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế xanh do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức gần đây.

Theo ông Kiên, các tiêu chí xanh và phát triển bền vững được Thiên Minh áp dụng cho tất cả các dịch vụ. Như với mảng lữ hành, có năm tiêu chí mà người quản lý phải đáp ứng trong quá trình điều hành. Đó là, không sử dụng nhựa dùng một lần; sử dụng tối đa nguồn lao động địa phương trong các hoạt động; đưa ra các chương trình đào tạo và trả lương cao nhất có thể cho những người lao động này; sử dụng các nhà cung cấp địa phương để bảo đảm nền kinh tế địa phương được ủng hộ và giảm thải khí carbon.

Để giảm thải khí carbon, công ty thiết kế tour du lịch dài ngày với trải nghiệm phong phú, tạo điều kiện cho du khách đi chơi bằng xe đạp, đi bộ, xe điện hơn là dùng ô tô. Thiên Minh đang chuẩn bị đưa vào thêm 1.000 xe điện vận chuyển khách. Tất cả các du thuyền phục vụ du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long của tập đoàn này đã lọc nước trực tiếp và thải nước sạch ra môi trường…

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excurions, người phát triển dịch vụ tham quan trên kênh Nhiêu Lộc, TPHCM và các khu nghỉ dưỡng xanh ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thừa Thiên – Huế nói: “Sau dịch Covid-19, các hãng tàu du lịch biển càng yêu cầu nhiều hơn về các dịch vụ thân thiện với môi trường, đặc biệt là các dịch vụ được làm ở những nơi đã bị bàn tay con người làm hư hỏng rồi “sống” lại cũng bởi con người”, ông nói và cho biết sở dĩ tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc được các hãng tàu đồng ý đưa vào chương trình tham quan TPHCM trong mùa tới là cũng nhờ vào yếu tố này.

Nhiều doanh nhân khác cũng có nhận định tương tự khi cho rằng, không phải doanh nghiệp mà chính du khách đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng đã đến lúc phải phát triển du lịch với các dịch vụ xanh thật sự và du lịch phải xanh. “Xanh” hơn đem lại lợi thế cạnh tranh hơn, nhưng trên thực tế để làm được không hề dễ dàng. Trong đó, hai rào cản lớn nhất đến từ chi phí, ý thức của người làm dịch vụ và cả cộng đồng.

Chi phí cho “xanh” quá cao, khoản vay “xanh” không rẻ

Theo ông Trần Trọng Kiên, để làm được các sản phẩm thực sự xanh và bền vững thì tốn kém hơn rất nhiều. Trong tất cả các ngành, chi phí tăng từ 20-40%. Với chi phí này, dịch vụ có thể không thể thu hút khách hàng vì giá quá cao hoặc doanh nghiệp không còn lợi nhuận và nếu hai vấn đề vừa nêu xảy ra thì ngân hàng sẽ không cho vay tiếp, khiến doanh nghiệp lại càng khó “xanh” hóa.

“Chi phí cao có thể làm doanh nghiệp không có khách hoặc mất thời gian để khách hàng chấp nhận sản phẩm; nếu không có thời gian thì khó có cách hay, trừ khi có cơ chế cho phép tạo nên sản phẩm sạch và rẻ hơn”, ông Kiên nói và cũng đề cập đến thực tế là các khoản vay được gọi là khoản vay xanh dành cho doanh nghiệp đầu tư cho những dịch vụ thân thiện với môi trường hiện cũng không hề rẻ. Khó lại chồng khó với những doanh nghiệp đi theo xu hướng này.

Bà Thủy Tiên cũng cho rằng, đầu tư cho dịch vụ xanh rất tốn kém. Công ty bà đang có ý định xây dựng một văn phòng thân thiện với môi trường tại TPHCM, nhưng chi phí đầu tư cao hơn gần 30% so với bình thường. Cũng theo bà Thủy Tiên, chi phí để vận hành các khu nghỉ dưỡng xanh cũng tăng cao.

Chỉ riêng việc dùng các sản phẩm dầu gội, xà phòng được điều chế bằng các nguyên liệu tự nhiên cũng đã khiến khu nghỉ dưỡng phải chi nhiều tiền hơn vì giá sản phẩm đắt hơn và không thể để lâu. Chi phí mua ống hút bằng cỏ, giấy cũng cao hơn gấp đôi so với ống hút nhựa… Việc đào tạo để nhân viên theo các thói quen mới, như hoạt động xử lý rác thải, đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.

Ngoài ra, các chuỗi cung ứng theo hướng xanh cũng chưa đáp ứng ngay với yêu cầu của hoạt động du lịch xanh. Ví dụ, nhà tour phải tốn thêm cỡ 5 đô la Mỹ để mua một chai nước dùng thay thế loại chai nhựa dùng một lần để tặng cho du khách, nhưng tìm cho du khách điểm lấy nước uống trong hành trình là điều khó khăn.

Đầu tư theo hướng xanh và bền vững là xu hướng tất yếu nhưng xem ra các công ty du lịch không thể “xanh một mình” mà rất cần có sự đồng hành của cả chuỗi cung ứng dịch vụ cũng như cộng đồng thì mới được “xanh” thực sự.

Đào Loan

Theo KTSG

Theo bạn, muốn phát triển du lịch xanh, cần có:

Xem kết quả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối