(SGTT) - Theo bản tin sáng nay (29-9) của Bộ Y tế, kể từ khi dịch lần 4 bùng phát đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 554.762/766.110 ca mắc Covid-19. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang soạn dự thảo để phù hợp với định hướng sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19.
- Đức viện trợ 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho Việt Nam
- Ngày 27-9: Ghi nhận thêm 9.362 ca mắc Covid-19; TPHCM tính phương án mở lại chợ truyền thống
- Từ ngày 1-10, nhiều dịch vụ dự kiến được hoạt động trở lại tại TPHCM
Nếu tính luôn từ khi có đại dịch Covid-19 tại nước ta thì cả nước ghi nhận 770.640 ca mắc; trong đó, 2.960 ca nhập cảnh và 767.680 ca nhiễm trong nước. Trong số ca mắc thì đã chữa khỏi cho 559.945 ca, 191.759 ca đang điều trị và 18.936 ca tử vong.
Hiện có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Lạng Sơn. Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Về tình hình chích vắc-xin ghi nhận ngày 27-9 có 879.618 liều đã được tiêm, nâng tổng số liều đã được tiêm trên cả nước đến nay là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064 liều.
Cần gì để thích ứng với Covid-19
Theo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế đang soạn dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng với các chỉ số, điều kiện, tính khả thi để có thể áp dụng ngay tại các cấp xã, phường và quy mô nhỏ hơn. Theo đó, có 5 chỉ số gồm 3 chỉ số nền và 2 chỉ số phân loại cấp độ dịch, từ đó phân loại cấp độ dịch đối với từng địa phương để tiến tới sống chung an toàn với dịch.
3 chỉ số nền bắt buộc nhằm giảm tỷ lệ tử vong, bảo đảm hệ thống y tế đáp ứng tốt
- Chỉ số 1 - 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin: Hiện Việt Nam có tỷ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi chiếm mức cao (ước tính 81% trên tổng số ca tử vong vì Covid-19). Thế nên, nhóm đối tượng này cần được tiêm sớm vắc-xin để phù hợp với định hướng sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19.
- Chỉ số 2 - 100% phường, xã có 2 bình oxy và 100% huyện cần thiết lập trạm y tế lưu động: Dù đa số ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vẫn cần được ngành y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc các cơ sở y tế cấp xã. Nếu công tác chăm sóc tuyến này tốt thì hạn chế được tình trạng bệnh nặng. Chính vì vậy, phương án oxy y tế, trạm y tế lưu động phải bảo đảm có như nêu trên để tiến tới định hướng sống chung với dịch.
- Chỉ số 3 - Xây dựng kế hoạch cơ sở thu dung, điều trị mô hình tháp 3 tầng: Theo ngành Y tế, chỉ số này cụ thể là tỉnh, thành phải có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ngoài ra, phải bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
2 chỉ số phân loại cấp độ dịch
- Chỉ số 4 - Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần: Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ số này được chia làm 4 mức, ≤ 20; >20 – 50; >50 – < 150; ≥ 150 ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng động, nếu chỉ số cao thì dễ dẫn đến nguy cơ trầm trọng hơn của dịch bệnh.
- Chỉ số 5 - Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều: Ở chỉ số này được chia làm 2 mức là dưới 70% và từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Từ các chỉ số như nêu trên, cơ quan quản lý sẽ phân loại các cấp độ dịch gồm cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới); cấp 2 (nguy cơ trung bình); cấp 3 (nguy cơ cao); cấp 4 (nguy cơ rất cao). Các địa phương căn cứ vào các chỉ số trên để quyết định cấp độ dịch và từng bước mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Hiện dự thảo đang tiếp tục được lấy ý kiến và sớm hoàn chỉnh để trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 10 đến tháng 12-2021, Việt Nam có thể tiếp nhận số lượng vắc-xin Covid-19 nhiều hơn so với thời gian trước. Thế nên, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm với số lượng lớn, theo Bộ Y tế.
Phúc An tổng hợp