Rong ruổi trên “Con đường di sản miền Trung” trong tiết trời se lạnh, dưới những cơn mưa phùn vào dịp xuân có thể là một sự trải nghiệm thú vị cho những du khách đến từ phương Nam.
Cách đây 16 năm, ông Paul Stone, lúc bấy giờ là Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng và hiện là Tổng giám đốc công ty tư vấn du lịch Chao Global, đã đưa ra ý tưởng về “Con đường di sản miền Trung” nhằm kết nối các địa phương có di sản thiên nhiên thế giới tại khu vực này và để đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách. Hai năm sau, vào 2004, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã “bật đèn xanh” cho sự phát triển của con đường di sản này.
Thời bấy giờ, việc khám phá con đường di sản này chỉ có thể thực hiện một cách thuận lợi khi du khách tham gia các tour của các công ty lữ hành do những điều kiện về dịch vụ hỗ trợ ăn ở và giao thông còn hạn chế. Ngày nay, mọi chuyện đã khác rất nhiều nhờ công nghệ. Với các trang web cung cấp dịch vụ đặt phòng nở rộ như booking.com, traveloka, gotadi, ivivu…, du khách có thể tự thiết kế hành trình tham quan các địa danh thuộc con đường di sản như Mỹ Sơn, Hội An, Thành nội Huế, và Phong Nha-Kẻ Bàng...
Độc đáo di tích Chăm, lung linh phố cổ
Đà Nẵng được xem như là điểm khởi đầu trong hành trình khám phá “Con đường di sản miền Trung” vì cho du khách nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, chỗ lưu trú, dịch vụ ẩm thực và giải trí. Sau khi đã ăn uống, nghỉ ngơi và tận hưởng không khí tết tại thành phố này, du khách hãy vác ba lô lên để bắt đầu một cuộc hành trình đầy thú vị.
Trước khi khám phá hai di sản thế giới: Khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, hãy ghé Bảo tàng điêu khắc Chăm, hay còn gọi là Viện Cổ Chàm, tọa lạc gần cầu Rồng ở Đà Nẵng. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Chăm với gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Rời Bảo tàng điêu khắc Chăm, du khách có thể mở Google Maps và đánh từ khóa “Thánh địa Mỹ Sơn” để nhận được sự chỉ dẫn đường đi khoảng 60 km theo hướng Quốc lộ 1A rồi Tỉnh lộ 610 để đến Mỹ Sơn. Đoạn đường từ Đà Nẵng đến Mỹ Sơn khá tốt và có nhiều mảng xanh, trong đó có những cánh đồng lúa trở nên đẹp lạ nhờ những cơn mưa phùn. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999, Mỹ Sơn là một quần thể bao gồm nhiều đền đài cổ theo lối kiến trúc Chăm tọa lạc ở một thung lũng với đường kính chừng 2 km, được bao quanh bởi đồi núi. Khu này là một trong những trung tâm đền đài chính và quan trọng ở Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung. Với 100.000 đồng vé vào cổng, du khách thoải mái tìm hiểu văn hóa Chăm xưa bằng xe điện và được xem biểu diễn múa Chăm.
Sau khi rong ruổi ở Mỹ Sơn, du khách đi xe khoảng 40 km qua những làng quê yên bình dọc theo Tỉnh lộ 608 là đến phố cổ Hội An, được công nhận là di sản thế giới vào năm 1999. Tại phố cổ thuộc tỉnh Quảng Nam này, du khách có thể bách bộ tham quan chùa Cầu Nhật Bản – biểu tượng của Hội An, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, Hội quán Phước Kiến… Buổi tối là thời điểm thích hợp để du khách tham gia các trò chơi truyền thống, thưởng thức các món đặc sản của Hội An hay lên thuyền đi dọc sông Hoài ngắm nhìn những căn nhà cổ lung linh trong ánh đèn lồng nhiều màu sắc và cuộc sống nhộn nhịp của phố cổ về đêm.
Các hoạt động về đêm ở phố cổ Hội An thú vị nhưng khách du lịch cần phải cân nhắc giữa hai lựa chọn là ngủ tại Hội An hoặc về lại Đà Nẵng. Nếu muốn nghỉ đêm tại Đà Nẵng, đừng e ngại phải trở về thành phố này trong đêm khuya vì điều kiện đường xá hiện rất thuận tiện và chỉ cần ra biển Cửa Đại, chạy ô tô hoặc xe máy trên con đường ven biển dài 30 km là có thể về lại “thành phố đáng sống”.
Tìm hiểu văn hóa, khám phá thiên nhiên
Buổi sáng ngày thứ hai, trước khi tiếp tục hành trình khám phá di sản thiên nhiên thế giới, du khách đừng quên thưởng thức các món đặc sản tại Đà Nẵng và sắp xếp thời gian cho ít nhất một đêm ngủ tại Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Năm 2004 khi “Con đường di sản miền Trung” chính thức được hình thành, nếu muốn đi từ Đà Nẵng đến thành phố Huế, du khách phải vượt qua ba ngọn đèo là Hải Vân, Phú Gia và Phước Tượng. Nhiều người cảm thấy việc di chuyển trên những con đường đèo ngoằn ngoèo khá nguy hiểm nhưng đây cũng là một sự trải nghiệm thú vị vì tại nhiều đoạn họ sẽ có cơ hội di chuyển trong màn sương mù, ngắm cảnh núi non trùng điệp từ trên cao. Đứng trên đỉnh Hải Vân Quan sẽ cho du khách cảm giác như đang chạm tới mây trời, ngắm Lăng Cô, Bạch Mã, Đà Nẵng ẩn hiện trong những màn sương tráng xóa.
Hiện nay, du khách có thể lựa chọn đi qua đường hầm của những con đèo này để đến thăm quần thể di tích Cố đô Huế, được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1993. Chỉ với hai giờ đồng hồ đi ô tô từ Đà Nẵng là có thể khám phá gần 50 di tích nằm trong và ngoài kinh thành Huế, trong đó có Kỳ đài, Cổng Ngọ Môn, lăng của các vị vua triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ. Sau khi tìm hiểu các kiến trúc và văn hóa của Huế, bao gồm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi vào danh mục những kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003, du khách có thể di chuyển ra Quốc lộ 1A để đến quần thể thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng vào lúc chiều tối. Thưởng thức các món đặc sản Huế cũng là điều không thể bỏ qua trước khi rời vùng đất cố đô.
Đến Phong Nha-Kẻ Bàng, du khách không phải lo lắng về chỗ ngủ và không có hoạt động gì để vui chơi vì khu vực xung quanh hiện khá nhộn nhịp, giống như phố Tây ba lô ở các thành phố du lịch Việt Nam. Nơi đây có các quán bar, nhà hàng phục vụ về đêm và tất nhiên là nhiều khách sạn và nhà nghỉ. Sau một đêm ngủ ngon giấc, du khách nên thức dậy vào lúc sáng sớm để khám phá vẻ đẹp của các động Phong Nha (còn gọi là động ướt) và Tiên Sơn (còn gọi là động khô). Với vé vào cổng 170.000 đồng và 4-5 giờ tham quan với sự hướng dẫn của người địa phương, du khách sẽ hiểu được vì sao nơi đây được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhiều người đã chia sẽ cảm nhận rằng các hang động này trông như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước, có nhiều cảnh quan hùng vĩ, ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên.
Trở về trên tuyến đường Hồ Chí Minh
Sau khi ăn trưa, du khách có thể về lại Đà Nẵng trên tuyến đường quốc lộ. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn tốt vì như thế họ không có cơ hội ghé thăm những địa danh lịch sử không thuộc danh sách những di sản thế giới tại Việt Nam, tận hưởng nhiều cảnh đẹp của núi rừng, đồng lúa và sông suối dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, được hình thành từ đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng với lịch sử hào hùng. Nếu đã chọn con đường này thì không thể không ghé thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi an nghỉ của những người đã hy sinh cho nền độc lập của nước ta, trong đó có rất nhiều liệt sĩ vô danh.
Đi khoảng 125 km từ Phong Nha-Kẻ Bàng, du khách có thể rẽ trái chạy vào lại Quốc lộ 1A để thăm những di tích lịch sử quốc gia như khu vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải và cột cờ giới tuyến. Sau khi Hiệp định Genève về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết vào năm 1954, cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắc qua sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời nằm trong khu phi quân sự vĩ tuyến 17, phân chia hai miền đất nước. Sau khi kết thúc hoạt động tham quan, đi thêm khoảng 3-4 tiếng đồng hồ nữa là về đến Đà Nẵng.
Hiện nay, việc đi lại giữa TPHCM và Đà Nẵng bằng đường hàng không rất thuận tiện. Mỗi ngày có hơn 50 chuyến bay trên đường bay này.
Những sự chuẩn bị cần thiết
Tết Nguyên đán năm nay đến vào đầu tháng 2 nên miền Trung trong thời điểm này có thời tiết se lạnh và ít nắng. Vì vậy, du khách cần chuẩn bị khăn choàng cổ, áo ấm, giày, vớ, áo mưa hoặc dù.
Để thuận tiện cho chuyến đi khám phá “Con đường di sản miền Trung”, du khách có thể đặt trước chỗ ở và ăn uống tại một số điểm đến trên các trang web du lịch như https://www.vntrip.vn, https://www.agoda.com, https://www.traveloka.com và https://www.booking.com.
Nhân Tâm
hy vọng là mình sẽ đi được nhiều nơi để ngắm cảnh Việt Nam