Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Đưa bánh tráng ra nước ngoài

Đức Tâm -

Có thể nói chuyện kiếm tiền tỉ từ chiếc bánh tráng bình dân là một chuyện khó. Nhưng thật sự cũng đã có doanh nghiệp làm được nhờ tìm thêm thị trường tiêu thụ nước ngoài. Chỉ riêng sản phẩm bánh tráng, mỗi tháng doanh nghiệp này xuất đi cả trăm tấn đến nhiều nước.

Qua Nhật, đến châu Âu, vào Mỹ

Xuất phát từ một cơ sở nhỏ kinh doanh bánh tráng mang tên Duy Anh từ năm 2000 tại xã Phú Hòa Đông – làng bánh tráng truyền thống ở huyện Hóc Môn, TPHCM, đến năm 2010, cơ sở mang tính chất hộ gia đình này đã chuyển đổi thành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, với sản phẩm chủ lực là bánh tráng xuất khẩu mỗi tháng vài trăm tấn đến hơn 20 nước trên thế giới.

Công nhân đang đóng gói bánh tráng thành phẩm.
Công nhân đang đóng gói bánh tráng thành phẩm.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh, cho biết những năm đầu, gia đình chỉ làm bánh tráng và bỏ mối cho các chợ, cửa hàng tạp hóa tại địa phương. Dịp may tình cờ xuất hiện khi năm 2008 một đoàn du khách Nhật tham quan Hóc Môn và ghé thăm cơ sở Duy Anh. Ban đầu họ tò mò dùng thử bánh tráng và khen ngon. Sau đó một thời gian, họ yêu cầu gửi sản phẩm qua để thị trường dùng thử. “Những đơn hàng từ nước Nhật dần dần đến, đầu tiên là một tấn, sau đó là hai tấn, đến nửa công (container) rồi tăng lên một công cho mỗi chuyến hàng”, ông Toàn nói.

Ông Toàn cho biết đối tác Nhật Bản yêu cầu chi tiết đến từng khâu. “Thứ nhất, cứ mỗi ba tháng, các nhà nhập khẩu bên Nhật đến tận nhà máy để xem xét công việc của chúng tôi thế nào, có duy trì chất lượng hay không. Trong khi các nước khác chỉ cần đến một lần hoặc qua người quen giới thiệu đính kèm giấy chứng nhận là đủ”, ông Toàn đưa ra ví dụ.

Về hình thức của sản phẩm bánh tráng, đối với các nước khác, Duy Anh chỉ đảm bảo bánh tròn, đều là được. Nhưng với Nhật, họ yêu cầu bánh tráng không được có những lỗ mọt dù nhỏ như hạt mè. “Điều đó bắt buộc chúng tôi phải dành thời gian kiểm tra kỹ từng khâu, từ mắt thường cho đến rọi đèn hỗ trợ”, ông Toàn nói.

Sau khi chinh phục được khách hàng Nhật, Công ty Duy Anh tiếp tục chào hàng đến Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, sau đó mở rộng sang châu Âu, Bắc Mỹ với Mỹ và Canada, tiếp đến là các quốc gia Trung Đông và cả châu Phi. Nếu như khách hàng châu Âu chuộng bánh tráng chả giò, tức bánh tráng dùng để cuốn thịt, chiên lên làm chả, thì các khách hàng châu Á, Trung Đông và châu Phi lại thích bánh tráng mỏng để cuốn ăn kèm rau thịt hơn, ông Toàn cho biết thêm.

Đa dạng hóa sản phẩm

Sau thành công với bánh tráng, Công ty Duy Anh tiếp tục xuất sang nhiều sản phẩm khác như bún, phở, hủ tiếu, bánh canh, bánh cuốn. Ông Toàn cho biết, khoảng 130 tấn bánh tráng truyền thống được sản xuất mỗi tháng với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Nếu tính tổng các loại sản phẩm từ bánh tráng, đến bún, phở, bánh canh thì con số mà công ty ông sản xuất được vào khoảng 250 tấn mỗi tháng. “95% trong số này được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài vì dễ bán, lợi nhuận tốt. Thị trường trong nước khó bán hơn vì đã có rất nhiều nhà cung cấp”, ông Toàn chia sẻ.

Để tạo thêm nét mới cho sản phẩm, từ giữa năm 2014, Công ty Duy Anh bắt đầu thử nghiệm chiết xuất nước cốt từ rau củ để pha với nguyên liệu bột gạo/bột mì truyền thống nhằm tạo màu cho bánh tráng. Đầu tiên, thử nghiệm với cà rốt, bí đỏ, sau đó đến bồ ngót. Ông Toàn cho biết, mỗi loại bánh đều vướng phải những khó khăn ban đầu như pha bột với nước cốt rau quả như thế nào để hỗn hợp này không bị hư, đồng thời phải tạo màu tươi đẹp tự nhiên nhưng mùi vị thì không được quá nồng; thời gian sấy bao lâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thử nghiệm rồi thất bại, giải được bài toán chất lượng nhưng lại vướng phải vấn đề chi phí. Nếu muốn tạo màu đủ đòi hỏi phải dùng khá nhiều nước cốt từ rau củ cho mỗi chiếc bánh tráng. Ban lãnh đạo công ty này chuyển hướng đầu tư nghiên cứu nguyên liệu từ củ dền và củ nghệ. Chuyển hướng và thành công. Đó là một sự tình cờ, theo ông Toàn, trong một lần các khách hàng Nhật đến, ông mời họ dùng thử các sản phẩm từ dền và nghệ, họ tỏ ra rất thích thú vì loại bánh này tự nhiên, lại lạ nhờ màu sắc và mùi vị của rau củ. “Vậy là tôi có thêm một sản phẩm mới được thị trường chấp nhận. Hiện mỗi tháng chúng tôi sản xuất khoảng 20 tấn để xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc với giá gấp đôi loại bánh truyền thống”, ông Toàn nói.

Hiện tại, Duy Anh đang thử nghiệm thêm một loại nguyên liệu mới để làm bánh tráng, đó là gấc. Ông Toàn nói thêm rằng sắp tới công ty của ông còn tung ra thị trường sản phẩm bánh hỏi khô, khác hoàn toàn với bánh hỏi ướt truyền thống bấy lâu nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối