Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp

Trung Chánh -

Israel được biết đến là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, miền Tây Nam Bộ của Việt Nam là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp và thủy sản nhưng công nghệ còn lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp muốn đưa ngành nông nghiệp phát triển thông qua công nghệ của Israel.

Chuyển giao công nghệ

Thông tin từ Ban tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp Israel và Việt Nam” diễn ra hôm 31-1 tại tỉnh Bến Tre, cho biết phần lớn diện tích đất của Israel là sa mạc khô hạn, nhưng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của quốc gia này lại rất phát triển.

Tuy lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel hiện chỉ chiếm 2% dân số (8,5 triệu người), nhưng đã tạo ra đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả quốc gia, góp phần đưa Israel vào tốp 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, với khoảng 40.000 đô la Mỹ/người/năm.

Tận dụng công nghệ Israel có thế giúp nông nghiệp miền Tây bứt phá. Trong ảnh là mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trung Chánh

Có được kết quả như trên là nhờ Israel áp dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ mới phục vụ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn, Israel đã áp dụng thành công công nghệ khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm và thậm chí có thể nuôi cá được ngay trên sa mạc.

Bà Shmulik Fried, Giám đốc Công ty Keren Hayesod, giải thích do việc áp dụng thành công công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nên lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực này hiện chiếm một tỷ lệ rất ít (2%), nhưng vẫn tạo ra được một sản lượng hàng hóa rất lớn phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Từ những thành công đã đạt được như nêu trên, bà Shmulik Fried cho biết, đơn vị bà muốn chuyển giao công nghệ Israel vào Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng. Bởi, chưa bao giờ bà thấy người dân có nhận thức và quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm lớn như hiện nay, trong khi hoạt động sản xuất nông nghiệp lại thường xuyên “có vấn đề”.

“Từ tâm lý đó nên chúng tôi muốn đưa công nghệ của Israel vào như là một giải pháp”, bà giải thích và cho rằng công nghệ nổi tiếng nhất của đơn vị này hiện nay là trồng cây không cần đất và tất cả sản phẩm đều được kiểm soát thông qua một hệ thống máy vi tính.

Trên cơ sở như vậy, theo bà Shmulik Fried, khi ứng dụng công nghệ của đơn vị này, quá trình canh tác của người nông dân sẽ được kiểm soát chính xác về số lượng phân bón cũng như nguồn nước cần cung cấp đủ cho cây trồng phát triển nên sản phẩm đưa ra thị trường luôn đảm bảo về chất lượng.

Ông Moti Sharon, đại diện Công ty ARGOS, cho biết dù mỗi quốc gia có thể có những điều kiện khác nhau, nhưng đơn vị ông có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo để có thể ứng dụng trong từng bối cảnh cụ thể.

“Chúng tôi và 20 công ty Israel đã làm việc với nhiều nước trên thế giới, có những môi trường điều kiện khác nhau, nhưng vẫn có thể giúp đỡ họ ứng dụng công nghệ mới này. Vì vậy, tôi tin với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng sẽ thành công”, ông Sharon cho biết.

Đòi hỏi tất yếu

Trong khi đó, tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao về tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam, song họ cũng chỉ ra những thách thức cần phải khắc phục. Đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi cấu trúc sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, phát triển bền vững. Vì vậy, việc đưa công nghệ mới, công nghệ hiện đại để thực hiện mục tiêu trên là đòi hỏi tất yếu.

Bên lề hội thảo, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Tập đoàn Liên Hoa, cho biết tập đoàn đang xem xét đầu tư 50 triệu đô la Mỹ vào một dự án phát triển ngành dừa của tỉnh Bến Tre. “Sau khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Israel, tìm hiểu kỹ về công nghệ nào của quốc gia này có thể ứng dụng vào việc phát triển cây dừa, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 50 triệu đô để đầu tư”, bà Nhi cho biết.

Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu diễn ra ở địa phương này mới đây, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng lợi thế, tiềm năng chỉ có thể biến thành “sức mạnh”, góp phần đưa kinh tế phát triển một khi nó gắn với một công nghệ phù hợp.

Dẫn chứng điều này, ông Thiên cho biết tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. “Bạc Liêu chưa phải là tỉnh nuôi tôm lớn nhất, nhưng cách Bạc Liêu làm lại khác biệt. Đó là muốn đưa địa phương trở thành trung tâm tôm công nghệ cao hàng đầu cả nước và khu vực”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối