Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Đua máy bay điều khiển từ xa

KIM BA -  

Vài môn thể thao như đấu vật hay chạy cự ly ngắn có lịch sử rất lâu đời. Những môn thể thao ấy thậm chí còn được tìm thấy dấu tích ở những hình vẽ trong hang động cách nay hàng ngàn năm. Nhưng có vài môn thể thao rất mới, vừa xuất hiện, trong đó có môn đua máy bay điều khiển từ xa (drone).

drone-racing

Đua drone đang trở thành môn thể thao chính thức, tựa như một môn thể thao điện tử khi người chơi phải đeo kính và điều khiển drone bay qua những mục tiêu được quy định.

Đến nay, môn thể thao này mới chỉ có một nhóm nhỏ người chơi, nhưng đã có vài công ty đang đổ tiền đầu tư vào trò chơi mới mẻ này. Nick Horbaczewski trong giải Drone Racing League (DRL) cho biết: “Ai dưới 13 tuổi đều ưa muốn có một chiếc drone cả. Chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ phi công mới”.

Giải DRL đến nay đã nhận được 8 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư, trong đó có Stephen Ross chủ sở hữu của đội bóng bầu dục Miami Dolphins tại Mỹ, và từ CAA là công ty nổi tiếng đại diện cho các ngôi sao điện ảnh và thể thao.

Môn đua drone khởi đầu chỉ là thể thao nghiệp dư, xuất hiện lần đầu tại Úc cách nay vài năm. Môn chơi này lan rộng được là nhờ mạng xã hội, khi các phi công chia sẻ video lái drone của họ lên mạng. Người chơi phải điều khiển drone, bay ở tốc độ có thể lên đến 160 km/giờ, bay qua những điểm cố định được quy định trên khu vực bay. Người chơi cần đeo một chiếc kính ảo, có hình ảnh được truyền từ camera gắn trên drone để điều khiển chúng.

Môn thể thao này cũng đòi hỏi nhiều đầu tư về mặt kỹ thuật, như làm sao hạn chế tối thiểu độ trễ của tín hiệu video truyền trực tiếp đến người chơi, vì nếu tín hiệu bị trễ, drone rất có thể bị lỡ một khúc cua và có thể bị va chạm. Trò chơi này cũng yêu cầu những loại drone đặc biệt, nhẹ hơn so với drone được sản xuất và bày bán đại trà như drone nhãn hiệu DJI của Trung Quốc. Thậm chí, giải DRL tự chế tạo drone riêng.

Khi món đồ chơi drone trở nên phổ biến thì môn thể thao đua drone này đang có được rất nhiều người mến mộ. Theo nhóm công nghiệp Consumer Technology Association, có lẽ sẽ có khoảng 3 triệu drone bán ra ở châu Mỹ, đạt tổng doanh thu vào khoảng 950 triệu đô la trong năm nay. Còn theo Scot Refsland ở công ty chuyên tổ chức các giải đua drone RotorSports, một khi người tiêu dùng đã mua drone, họ lại muốn một thứ gì đó hấp dẫn hơn, chứ không đơn thuần là điều khiển drone bay lòng vòng quanh sân nhà. Công ty này đang thương lượng với một nhà đài để phát sóng một giải đua drone vào cuối năm nay. Đôi khi, môn chơi này có tên gọi khác là “rodeo”. Tháng 1 vừa qua, nhiều cuộc đua rodeo đã diễn ra tại Las Vegas, Mỹ và Ontario, Canada.

Nhiều người lạc quan tin rằng môn đua drone có thể đưa vào chiến lược phát triển của thể thao điện tử (e-sport), vì sẽ tăng lượng người xem đua drone giống như xem các game thủ thi đấu game. Tuy nhiên, e-sport là mảng kinh doanh rất lớn. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Newzoo, năm 2014 trên toàn cầu, e-sport thu được 194 triệu đô la. Còn cửa hàng trực tuyến Amazon cũng đã nhận ra tiềm năng rất lớn của e-sport khi mua lại Twitch, là nền tảng xem game trực tiếp trên mạng với giá 1,1 tỉ đô la hồi năm 2014.

Nếu thành công, DRL sẽ là ví dụ đầu tiên về cách kiếm tiền từ drone, không phải từ sản xuất chúng, nhưng chủ yếu từ những dịch vụ đi kèm với chúng. Tuy vậy, cũng rất có thể môn thể thao mới xuất hiện này cũng chỉ là những tham vọng hơi “quá trớn” của những người đam mê drone nào đó mà thôi, cũng giống như trường hợp những đồn thổi rất sôi nổi về robot hồi những năm 1990 và 2000 trên nhiều phương tiện truyền thông. Có thể đua drone đang là môn thể thao thời thượng, nhưng không phải cứ thể thao là phải bay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối