VŨ YẾN -
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối hiện đang đẩy mạnh hơn các hoạt động đưa thực phẩm sạch ra thị trường tại TPHCM. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của thành phố, một mặt kiểm soát loại trừ thực phẩm bẩn, mặt khác là người dân ngày càng được cung cấp nhiều thực phẩm đạt tiêu chí sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn.
Tăng nguồn hàng, điểm bán
Kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm tại nguồn là yếu tố quan trọng để có thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, bắt đầu từ ngày 15-4 tới, toàn bộ thịt heo Vissan đưa ra thị trường là thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, số điểm bán thịt heo VietGAP của Vissan là 309 điểm, nằm trong các hệ thống siêu thị Co.opMart, Satramart, Satrafood, VinMart, Aeon Mall… Và theo ông An, sau ngày 15-4 sẽ có thêm 155 địa điểm bán thịt heo sạch tại các quầy hàng Vissan ở các chợ truyền thống. Như vậy, dự kiến sẽ có tổng cộng 464 điểm bán thịt heo sạch Vissan tại TPHCM, tương ứng với số lượng khoảng 90-100 tấn thịt/ngày được cung ứng ra thị trường.
Ông An cho biết thêm, thịt heo VietGAP gồm hai nguồn là nguồn hợp tác giữa Vissan và các doanh nghiệp và nguồn heo tự nuôi của Vissan.
Còn với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt), trong năm nay đơn vị này sẽ đầu tư để sản xuất rau thủy canh. Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc hợp tác xã (HTX), cho biết hiện tại mỗi ngày Anh Đào cung ứng 49 tấn rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hai cửa hàng trực tiếp của Anh Đào, 18 cửa hàng liên kết và hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op, Satra, Maximart. “Dự kiến từ tháng 8-2016 chúng tôi sẽ bắt đầu xuống giống các sản phẩm rau thủy canh. Ngoài lượng rau đang cung ứng thì sẽ có thêm 30% rau thủy canh”, ông Thừa nói.
Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Anh Đào sẽ đưa vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc dựa trên mã gắn trên mỗi bao bì sản phẩm. Nếu sử dụng điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, biết được quy trình sản xuất sản phẩm mình mua.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TPHCM, cho biết đến nay trên toàn thành phố đã có 308 địa điểm bán hàng đạt chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGap, HACCP. Theo ông Bắc, đây là các điểm bán của các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn như Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt), hệ thống phân phối Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)… Các sản phẩm thực phẩm an toàn bao gồm thịt heo, rau củ quả, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến...
Ông Bắc cho biết thêm, Sở Công Thương TPHCM cũng đang phối hợp với các sở liên quan (nông nghiệp, y tế) để xây dựng lại quy chế tham gia điểm bán, những tiêu chí điểm bán an toàn thực phẩm; đồng thời làm việc với một số tỉnh, thành khác về số lượng và chất lượng nguồn hàng. Khi hoàn thiện nội dung quy chế, sở sẽ mở rộng điểm bán thực phẩm an toàn tới tận hộ kinh doanh tại chỗ, tới trực tiếp các chợ truyền thống trên toàn thành phố.
Kiểm soát khó khăn
Tuy nỗ lực trong các hoạt động nêu trên, song cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều cho rằng hành trình đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Bắc của Sở Công Thương TPHCM, cho biết mặc dù công tác kiểm tra thực phẩm tại nguồn, truy xuất nguồn gốc vẫn được các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp thực hiện nhưng khó khăn là không thể kiểm soát được hết nguồn thực phẩm từ các tỉnh đưa về thành phố.
Mặt khác, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm hoặc chưa thực sự tin tưởng là thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, trong khi các sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch thường có giá cao hơn sản xuất thông thường. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt, cho biết quá trình đưa rau sạch ra thị trường gặp khá nhiều khó khăn, do thói quen tiêu dùng của người nội trợ, do sự mất niềm tin của người tiêu dùng khi thực phẩm bẩn quá tràn lan, theo đó người sản xuất chân chính bị ảnh hưởng.
“Các chuyến bán rau, củ sạch tới các khu công nghiệp không đạt kết quả mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại do thói quen tan ca, mua thực phẩm ở những sạp ven đường của người công nhân”, bà Ngọc nói. Trước đây diện tích trồng trọt của Thỏ Việt tổng cộng khoảng 200 ha, giờ thu hẹp còn khoảng 50 ha. Sản lượng cung ứng trước đây gần 24-40 tấn/ngày, nay chỉ còn khoảng 12-20 tấn.
Ông Nguyễn Công Thừa của HTX Anh Đào cho biết thêm, thực tế có những cửa hàng treo bảng bán thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng chất lượng không đảm bảo đã gây bối rối cho người tiêu dùng khi lựa chọn. Điều này cũng ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch.
[box] Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết hiện nay Sở Công Thương đã trình UBND TPHCM duyệt Đề án xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại hai chợ Bến Thành (quận 1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Ủy ban đang lấy ý kiến đóng góp từ các quận, huyện. Ngay khi đề án được duyệt, các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm rõ ràng thì việc thực hiện tại các chợ sẽ tiến hành ngay.[/box]
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Co.opMart, việc hướng dẫn các hộ nông dân ngay từ đầu sẽ giúp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng dùng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng và dùng thuốc tăng trưởng vào những ngày cận thu hoạch. Đồng thời, việc bao tiêu giúp nhà vườn yên tâm sản xuất theo quy chuẩn, không lo lắng đầu ra.
Ông Võ Hoàng Anh cho rằng khó khăn của quá trình này chính là việc phải huy động vốn để hỗ trợ nhà vườn, cũng như công tác phát triển vùng nguyên liệu quy hoạch tập trung để kiểm soát chất lượng.