Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Đưa thực phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu

Thái Hà -  

Ngân hàng thực phẩm của tổ chức FISH ở thành phố Edgewood (bang Washington, Mỹ) giống như một cửa hàng bán rau quả, với giá kệ hàng, xe đẩy, người phục vụ tình nguyện và những túi thực phẩm được phân loại, đóng gói cẩn thận. “Chúng tôi cố gắng bình thường hóa mọi việc để mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi đến đây”, người quản lý cửa hàng Kate Wright nói.

ph_fish_food_bank_0003

FISH vận hàng 7 ngân hàng thực phẩm ở các địa điểm khác nhau trong bang Washington, cộng thêm một xe tải phục vụ lưu động nữa, từ năm 2003. Năm 2015, ngân hàng thực phẩm ở Edgewood phục vụ hơn 54.000 lượt người, phân phát gần 1 triệu pound (450.000 kg) thực phẩm. “Sứ mệnh của FISH là cung cấp thực phẩm dinh dưỡng đến người cần với sự cảm thông, phẩm giá và tôn trọng”, Sue Potter, người điều hành FISH nói.

“Chúng tôi luôn lùng sục thực phẩm trên thị trường với giá tốt nhất”, Potter nói, “Điều này cho phép các kệ hàng của chúng tôi luôn đầy và nhiều loại thực phẩm để đảm bảo sự cân bằng trong dinh dưỡng”. Một trong những mặt hàng mà FISH luôn có sẵn là trứng gà vì giàu dinh dưỡng, rẻ và có thể xuất hiện trong rất nhiều món ăn.

Trẻ em chiếm 40% tổng số khách hàng của FISH, trong khi người già từ 55 tuổi trở lên đang là đối tượng gia tăng mạnh nhất ở hệ thống FISH. “Một người phụ nữ nói với tôi là trước nay bà chẳng bao giờ nghĩ bà sẽ phải đến các ngân hàng thực phẩm vì bà đã chuẩn bị một kế hoạch nghỉ hưu tốt, nào ngờ chuyện không diễn ra đúng tính toán, vậy là giờ bà ấy thường lui tới chỗ tôi”, Kate Wright kể.

ph_fish_food_bank_0004

Kate Wright kể một câu chuyện khác, về một bà mẹ và hai đứa con gái nhỏ sống trên chiếc xe ô tô cũ thường đến cửa hàng nhận thức ăn. “Bà ấy đưa cháu bé tới và nói hôm nay là sinh nhật đứa nhỏ, tất nhiên chúng tôi sẵn bánh nướng, tất cả cùng hát mừng sinh nhật đứa nhỏ. Khi người ta đến ngân hàng thực phẩm, họ đang ở điểm thấp nhất cuộc sống, phải luôn làm gì đó để họ cảm thấy được chào đón”.

Ngân hàng thực phẩm (food bank) là một tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận, phân phối thức ăn cho những người không đủ tiền mua thức ăn. Trong khi đó, theo Chính phủ Mỹ tính toán, 40% thực phẩm người Mỹ chưa kịp tiêu dùng đi đến sọt rác, phần lớn sự lãng phí này đến từ những người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường, người Mỹ vứt hơn 36 triệu tấn thực phẩm trong năm 2015, trị giá lên tới 165 tỉ đô la Mỹ (USD). Chỉ 15% thực phẩm bỏ đi là đủ để nuôi 25 triệu người trong tình cảnh cứ 6 người Mỹ lại có 1 người không thường xuyên có đủ thực phẩm để ăn.

Food bank đầu tiên trên thế giới được mở năm 1967 ở bang Arizona, Mỹ, giờ đã có hàng ngàn food bank mở khắp các châu lục. Họ nhận thực phẩm tặng từ các công ty làm ăn vì lợi nhuận. Đó có thể là thực phẩm không đạt chuẩn về mặt thị giác, nhà vườn trồng quá số lượng không được thu mua, nhà sản xuất làm quá số lượng không đưa đến hết các cửa hàng, hoặc các cửa hàng bán không hết. Thường các thực phẩm này gần đến hoặc hơi quá hạn sử dụng một chút, nhưng khi đã mang về food bank thì được kiểm định lại để đảm bảo vẫn an toàn cho người sử dụng. Cũng có lúc chính những food bank bỏ tiền ra mua rẻ thực phẩm hạ giá từ các trang trại, công ty theo các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Các food bank cũng có nguồn tiền nhất định từ quyên góp hoặc dâng tặng của các cá nhân.

Có hai kiểu phân phối ở các food bank. Thứ nhất là phân phối đến tận tay người dùng như hệ thống của FISH. Thứ hai là phân phối cho các cơ sở tế bần, trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, trại tị nạn hay nạn nhân của các thảm họa. Ở dạng thứ hai này, các food bank có thể lấy một chút tiền của các cơ sở trên để trang trải cho chi phí kho bãi, đông lạnh, bảo quản. Tất nhiên các cơ sở tế bần cũng đều có các nguồn tiền gây quỹ từ các hoạt động thiện nguyện.

Nhưng có một vấn đề đối với các food bank là thực phẩm không thường xuyên đến đúng địa chỉ. Ví dụ, một food bank ở bang Idaho vẫn phải miễn cưỡng nhận khoai tây cho dù trong kho của họ còn đầy khoai tây, vì bang Idaho là bang trồng khoai tây. Hay một food bank ở bang Alaska một lần nhận cú điện thoại đề nghị tặng một xe tải bơ đậu phộng từ bang Louisiana, chuyên chở ngang qua cả nước Mỹ thì phí vận chuyển quá tội. Tức là sẽ có nơi rất thiếu hay rất thừa những loại thực phẩm nào đó.

Bởi vậy, tổ chức Feeding America, tập hợp một mạng lưới hơn 200 food bank khắp nước Mỹ mới nảy ra sáng kiến là tạo ra một hệ thống đấu giá sử dụng đồng tiền ảo. Với một loại thực phẩm hay đồ dùng được hiến tặng mà hiếm thì các food bank có thể dùng đồng tiền ảo này để đấu giá với nhau giành được đồ hiến tặng đó. Làm vậy, những mặt hàng sẽ đến đúng nơi nó thật cần thiết. Và “giá” những mặt hàng cơ bản sẽ giảm xuống. Kho của food bank ở Idaho đầy chật khoai tây thì họ sẽ tìm cách “bán” nó cho food bank khác, lấy “tiền” để mua mặt hàng khác. Sự phân phối lại giữa các food bank này có lợi cho tất cả mọi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối