Chính phủ Đức tài trợ cho thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) với tổng số tiền 178.000 euro (khoảng 4,1 tỉ đồng) để phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí/chi phí thấp, dự kiến triển khai thực hiện đến tháng 9/2019.
Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Lập kế hoạch phát triển giao thông xe đạp tại Hội An” do UBND thành phố Hội An phối hợp với Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức GIZ/TUMI, Tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe Việt Nam (HealthBridge Việt Nam) tổ chức hôm nay, 24/10.
Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu về dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại phố cổ Hội An” do Phòng Văn hóa-Thể thao Hội An và HealthBridge Việt Nam thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết dự án là kết quả đến từ sau giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu”. “Hội thảo sẽ là một tiền đề để chúng ta có thể đi sâu nghiên cứu toàn diện, xây dựng giao thông công cộng ở Hội An ngày một phù hợp, tạo nét đặc thù riêng cho phố cổ”, ông Sơn nói.
Cũng tại hội thảo, ông Jan Rickmeyer, cố vấn chính sách giao thông TUMI, đã giới thiệu thiết kế môi trường đi xe đạp an toàn ở New York (Mỹ). Cụ thể, trong bài thuyết trình của mình, Jan Rickmeyer đã cung cấp những hình ảnh mô phỏng chi tiết thiết kế giao thông xe đạp ở thành phố New York (Mỹ). Trong đó, bao gồm làn xe hai chiều, đèn tín hiệu xe đạp, làn xe đạp được bảo vệ, làn xe đạp tiêu chuẩn…
“Một thành phố với môi trường đi xe đạp an toàn sẽ khuyến khích nhiều người đạp xe hơn. Thiết kế hạ tầng đường bộ tốt hơn mới chính là yếu tố quan trọng nhất. Tôi tin tưởng một thành phố yên bình như Hội An sẽ thành công trong việc phát triển giao thông xe đạp”, vị cố vấn chính sách giao thông TUMI cho biết.
Hội An khuyến khích đi xe đạpHội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam tổ chức sự kiện "Ngày không khói xe - Car Free Day" (vào ngày 9/9/2012). Kể từ ngày 1/4/2014, thành phố Hội An áp dụng khuyến khích toàn dân, du khách, cán bộ công chức, các cơ quan hành chính nhà nước, phường xã, trường học… dùng xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu trong phố cổ. Việc người dân Hội An có thói quen đi xe đạp đã giảm thiểu gần như tuyệt đối về ùn tắc giao thông, không đua xe, lạng lách đánh võng.
Hà Linh