NGUYÊN VỸ -
TPHCM mấy ngày trước rộ lên chuyện căn nhà “ma ám”, cũng như lâu lâu trên mạng lại có những tin tức, hình ảnh dạng này, để rồi nhiều kẻ hiếu kỳ làm xáo trộn cuộc sống yên bình của gia chủ. Đến nỗi, ông chủ căn nhà này phải khổ sở thốt lên: “Tôi còn sống và tôi được quyền sống chứ. Sao lại muốn giết tôi bằng cách khủng bố tinh thần như thế”.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên những câu chuyện ma quái được thêu dệt ngay tại thành phố có số dân đông nhất nhì cả nước.
Nếu nói là u ám thì TPHCM hiện nay có hàng trăm căn hộ, biệt thự hoặc chung cư như thế. Đặc điểm chung của chúng là đã bị thời gian nhuốm màu rêu mốc, cũ kỹ. Chưa kể nhiều nơi bị xuống cấp nặng, hoặc hoang phế lâu ngày nên rất dễ bị gắn với những từ ngữ như ớn lạnh, rùng rợn, ma quái... mặc dù có những nơi cư dân vẫn đang sống.
Bản thân người viết đã từng ghé thăm không ít nơi như thế. Điển hình như tại một lô chung cư nổi tiếng ở quận 5 có hơn 500 căn nhưng nay chỉ còn 10 hộ sinh sống vì chưa đồng thuận về việc đền bù tái định cư.
Mười hộ dân rải đều ra các lầu, từ lầu 8 đến lầu 11. Từ tầng 1 lên tầng 7, không khí tăm tối, các căn phòng bên trong bị đập phá càng làm cảnh vật có vẻ hoang tàn. Từ đó, nhiều người tò mò, hiếu kỳ đặt ra nhiều chuyện ma quái không hay làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người còn lại.
“Cuộc sống của chúng tôi thật sự chật vật, phải cố gắng vượt qua những bất tiện. Chúng tôi cũng là con người, có phải ma đâu, sao nỡ đặt điều”, một cư dân nơi này than thở.
Việc đưa những thông tin bịa đặt lên mạng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là điều không nên. Vì vậy, theo tôi, chính quyền phải có biện pháp xử lý và bản thân những tờ báo, trang thông tin nên kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để người dân được sống yên ổn.