Danh Chính thực hiện
Ở số báo trước (ngày 10-12-2014), Sài Gòn Tiếp Thị có bài viết “Đi làm đẹp, may rủi khó lường” phản ánh sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trước nhu cầu rất lớn về làm đẹp. Trong đó, vàng thau cũng thật lẫn lộn, và người tiêu dùng có thể không đủ thông tin cũng như sự thận trọng cần thiết khi sử dụng dịch vụ.
Nói thêm về vấn đề này, TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh (Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM) và BS. Ngô Quốc Hưng (Trưởng đơn vị Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TPHCM) đã dành cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị một cuộc trao đổi.
Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa bác sĩ, thực tế đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười của những người dùng dịch vụ thẩm mỹ kém chất lượng; nhiều trường hợp bị tai biến, bị tàn phá nhan sắc, cơ thể. Bác sĩ có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh: Nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ từ xưa đến nay là điều dĩ nhiên và bình thường. Hiện nay cuộc sống ngày càng khá giả hơn, khả năng thực hiện những mong muốn làm đẹp của người ta nhiều hơn nên cơ sở thẩm mỹ cũng mọc ra rất nhiều. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng làm ăn đàng hoàng, uy tín. Hơn nữa, mặc dù hiện nay nhiều người sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hiện đại và “xịn” hơn bác sĩ nhưng không tìm hiểu, đọc thông tin để rồi khi ra đường vẫn bị người ta dụ dỗ và sẵn sàng lấy mình ra để làm “vật thí nghiệm”.
- BS. Ngô Quốc Hưng: Nhu cầu làm đẹp hiện nay không chỉ có nhiều đối với phái nữ mà cả phái mạnh. Họ muốn mình đẹp hơn trong mắt người khác phái và mọi người xung quanh. Họ đến spa để triệt lông, massage mặt, đắp mặt nạ... Có người thì dùng thực phẩm chức năng để thay đổi nội tiết tố, cải thiện làn da... Ở đâu cũng đầy rẫy những cơ sở làm đẹp, nhưng người tiêu dùng không tỉnh táo và cũng chưa thông thái để vượt qua mọi sự cám dỗ. Họ không biết hỏi và cũng không chịu tìm hiểu sâu về phương pháp kỹ thuật, về những chất mà họ sắp đưa vào người mình.
Bác sĩ nhận xét như thế nào về các phương pháp làm đẹp và phong trào làm đẹp hiện nay. Vì sao nhiều người vẫn gặp những rủi ro khi sử dụng những dịch vụ này?
- TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh: Thẩm mỹ nào cũng có những tai biến, kể cả thực hiện trong bệnh viện nhưng những tai biến chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Chúng tôi ghi nhận là có nhiều người đến các cơ sở thẩm mỹ ở bên ngoài không có uy tín làm, sau đó quay lại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương “sửa sai”. Điều quan trọng nhất là những nơi người tiêu dùng chọn lựa để làm đẹp phải là những nơi uy tín, có sự cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cho phép phẫu thuật ngay tại cơ sở đó. Không nên đến những nơi “mổ chui, mổ lậu”.
Người ta bị tai biến vì hiện nay đây đó vẫn còn nhiều trường hợp tự bơm silicon, mỡ nhân tạo vào người để làm đẹp mà không hề có sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành. Đối với mỹ phẩm, chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan cũng là mối nguy. Với phương pháp dùng tia laser, thị trường này đang bát nháo, đâu cũng thấy quảng cáo ì xèo với giá cả và công năng... trên trời. Do đó, những nơi nào quảng cáo sau khi bắn laser bao nhiêu lần hoặc bao nhiêu phút sẽ hết nám, hết quầng thâm, nếp nhăn... thì người tiêu dùng không nên tin và hãy yêu cầu họ viết cam kết là sẽ điều trị hết, còn không thì hãy trả tiền lại. Tôi bảo đảm không nơi nào dám viết cam kết.
- BS. Ngô Quốc Hưng: Ví dụ botox là một chất làm đẹp nhưng để bơm vào cơ thể thì trước đó bác sĩ phải tư vấn cho bệnh nhân để bệnh nhân được rõ ràng. Nếu chích đúng cơ và đúng liều lượng thì không có chuyện gì xảy ra, nếu người chích không hiểu, không đúng sẽ xảy ra tai biến. Việc chích botox nhìn thì dễ, nhưng để hiểu khi nào chích nông, khi nào chích sâu vào vùng cơ, da thì không hề giống nhau. Nếu cứ chích không đúng là xảy ra biến chứng.
Tức là người tiêu dùng phải tự mình tỉnh táo khi đối diện một “ma trận” thẩm mỹ?
- TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh: Người tiêu dùng hãy chọn lựa những cơ sở uy tín chứ không phải chọn vì quảng cáo hay. Để biết cơ sở đó có uy tín hay không, người tiêu dùng phải xem cơ sở đó có được ngành y tế cấp phép, có được làm phẫu thuật hay tiêm chích hay không.
Khi muốn can thiệp bất kỳ điều gì vào cơ thể mình, đưa chất nào vào cơ thể mình phải biết chất đó là chất gì? có nguồn gốc từ đâu? tác dụng gì?... Chứ không phải cứ có nhu cầu là đi bơm, đi nâng. Khi làm phẫu thuật nào đó trên cơ thể mình hãy tìm hiểu phẫu thuật đó sẽ đem lại hậu quả như thế nào, tai biến đem lại là gì? Phẫu thuật không tránh được tai biến nhưng xác suất sẽ rất thấp khi lựa chọn bệnh viện và những cơ sở uy tín.
- BS. Ngô Quốc Hưng: Người tiêu dùng thông minh là phải biết hỏi bác sĩ, phải biết xem bác sĩ làm gì, tại sao làm cái đó, có biến chứng gì không. Hỏi để rõ và bao giờ hiểu rõ mới làm. Người thực hiện những kỹ thuật làm đẹp phải có trách nhiệm trả lời rành mạch, rõ ràng. Nếu người nào làm mà trả lời ấp úng, không rõ ràng, mập mờ thông tin thì người tiêu dùng nên dừng lại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên đến chỗ uy tín để có giá cả chính xác và an toàn hơn cũng như bác sĩ giỏi, máy móc tốt, khả năng tai biến thấp hơn.
Các dịch vụ, phương pháp thẩm mỹ được quảng cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông. Theo ông, trách nhiệm của phương tiện truyền thông như thế nào về những thông tin quảng cáo của mình đối với người tiêu dùng?
- TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh: Thực tế không phải bài quảng cáo nào cũng được kiểm duyệt. Quan trọng nhất là người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ vì quảng cáo là vô chừng, nên nghe những nhà chuyên môn.
- BS. Ngô Quốc Hưng: Báo, đài đua nhau quảng cáo về mọi phương cách làm đẹp và đa số chỉ thực hiện quảng cáo mà không có người chuyên môn thẩm định. Theo tôi, các chương trình này nên có người cố vấn y khoa duyệt để hướng dẫn người tiêu dùng đi đúng hướng.