Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Đừng coi thường việc tiêm ngừa cho trẻ em!

Tính đến nay, toàn TPHCM đã có khoảng 350 ca mắc sởi, trong đó có sự xuất hiện của ba chùm ca bệnh sởi lớn trong cộng đồng tại quận 9, quận Bình Thạnh và quận Tân Phú. Các bác sĩ nhi khoa cho rằng, dịch sởi năm nay quay lại do cha mẹ quên chích ngừa vắc xin cho trẻ. Cá biệt có nhiều cha mẹ còn hưởng ứng những trào lưu tẩy chay chích ngừa, đang lan tràn qua các trang mạng xã hội đáng ngờ.

Tiêm chủng đầy đủ là cách cha mẹ bảo vệ con khỏi dịch bệnh.

Bệnh sởi vẫn tiếp tục gia tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến nay, trên địa bàn TPHCM ghi nhận 350 ca mắc sởi. Trong khi năm 2017 không có ca mắc sởi nào. Đáng nói là tất cả các quận, huyện của thành phố đều có ca mắc sởi. Trong đó tập trung ở các quận huyện: Thủ Đức, quận 7, quận 9, quận 12, Bình Thạnh và Bình Tân.

Ngày 1/11, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cũng cho biết, chỉ trong một tuần (từ ngày 19 đến 25/10) TPHCM có thêm 60 người mắc sởi phải nhập viện điều trị, tăng 30 ca so với trung bình của bốn tháng trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành có 326 trẻ mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2017 không có ca bệnh được ghi nhận, nguy cơ bệnh sởi tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân và thường xảy ra với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc hơn.

Cách phòng ngừa tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Chích ngừa đầy đủ để con khỏe

Để ngăn ngừa dịch bệnh sởi gây biến chứng thần kinh và tử vong ở trẻ em, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, phụ huynh không thể lơ là, coi thường việc chích ngừa cho trẻ. Số liệu tại khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thống kê hơn 80% trẻ mắc các bệnh về viêm não, ho gà, sởi… nằm tại bệnh viện đều không được gia đình tiêm vắc xin từ nhỏ.

Đặc biệt, trong thời gian vài năm trở lại đây, phong trào sống “thuận theo tự nhiên”, không “hóa chất”, không tiêm chủng thỉnh thoảng rộ lên từ các trang mạng xã hội đã làm nhiều phụ huynh hoang mang, rối trí. Tuy nhiên, BS. Trương Hữu Khanh, người đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm, thần kinh gần 20 năm nay cho rằng, phụ huynh nào theo trào lưu bài trừ vắc xin, bỏ mặc sức khỏe của con mình là đang có lỗi với con. BS Khanh dẫn chứng điển hình như bài học dịch bệnh sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong. Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vắc xin sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó. Nguyên nhân chỉ vì vài ca tai biến mà hàng loạt phụ huynh đã quyết định không tiêm vắc xin cho con. Đến khi mùa dịch xảy ra, hậu quả thấy rõ, người ta mới vội vã đưa con đi tiêm ngừa. Những năm sau đó, khi tỷ lệ tiêm ngừa bao phủ, dịch bệnh lại được khống chế.

BS Khanh khẳng định tất cả các nước trên thế giới đều có chương trình tiêm chủng mở rộng, đưa những loại vắc xin thiết yếu nhất vào lịch tiêm ngừa. Người dân được tiêm miễn phí.

Một loại trào lưu nguy hiểm

Phong trào bài trừ vắc xin được xem là một trong những trào lưu sống nguy hiểm trên thế giới. Chính do phong trào này mà nhiều căn bệnh gần như đã bị xóa sổ ở nhiều quốc gia như sởi đã bùng phát trở lại. Ở một nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, dịch sởi bùng phát năm 2010 và tăng gấp 3 lần vào năm 2013. Con số trẻ mắc bệnh sởi vọt lên 128.044 ca và 1.336 trẻ tử vong khắp nước Mỹ do trước đó một siêu mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng đã phát động chiến dịch truyền thông tẩy chay tiêm phòng.

Gần đây nhất, nhiều quốc gia châu Âu đã phải ban hành lệnh tiêm vắc xin bắt buộc do nhiều bậc cha mẹ đi theo phong trào bài trừ vắc xin mà không cho con đi tiêm ngừa. Chính phong trào bài trừ vắc xin nguy hiểm đã khiến dịch sởi bùng phát ở châu Âu hồi năm ngoái.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật châu Âu (ECDC), trong hơn 3 tháng đầu năm 2017, Đức đã có tổng cộng 504 ca mắc sởi, tăng gấp gần 18 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều trường hợp tử vong vì sởi.

Trong khi đó, tiêm vắc xin luôn chứng minh được tác động tích cực rất lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã bị xóa sổ, loại trừ hoặc giảm đáng kể số ca mắc hoặc chết do bệnh. Những thành tựu vắc xin mang lại cho con người là rõ ràng và đáng quý. 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm trong những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002.

Các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tỉnh táo và tham khảo ý kiến chuyên môn với đầy đủ cơ sở khoa học từ các bác sĩ chuyên khoa. Mọi “lời khuyên” hay trào lưu đến từ những quan điểm mơ hồ trên mạng xã hội hay ngay cả những nhân vật nổi tiếng đều cần phải tiếp cận với sự thận trọng để tránh hậu quả đau lòng, đáng tiếc.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối