Nguyễn Đước (TPHCM) -
Cháu gái tôi đang học lớp 3 tại một trường tiểu học ở thành phố Quảng Ngãi và đang trong giai đoạn rèn viết chữ nghiêm ngặt để dự cuộc thi vở sạch, chữ đẹp cấp thành phố tới đây. Ngoài giờ học chính thức buổi sáng ở trường, cháu tôi phải đến nhà cô giáo chủ nhiệm vào mỗi chiều để cô hướng dẫn viết chữ sao cho đẹp. Tối đến, cháu học bài ở trường xong thì tiếp tục tập viết chữ, có hôm phải thức đến 23 giờ.
Cháu kể là cô giáo cho về nhà luyện viết hai bài tập tiếng Việt mẫu do cô tả sẵn – gồm Bàn tay cô giáo em và Chú mèo nhà em – dặn cháu phải học thuộc lòng và luyện viết cho thật đẹp. Cô giáo còn “giao” chỉ tiêu phải cố gắng thi và đạt thành tích cao, không giải nhất thì ít nhất cũng phải giải nhì mang về cho cô.
Cháu còn trẻ thơ nên hỏi ngây ngô: “Sao con thấy bàn tay của cô giáo chủ nhiệm con mập mập chứ đâu có phải những ngón tay gầy gầy, thon thon như cô tả cho cháu như trong bài mẫu đâu” hay “sao con thấy con mèo mướp ở nhà mình đâu có giống con mèo tam thể chuyên rình bắt chuột mà cô giáo tả trong bài. Con mèo mướp nhà mình đâu có rình bắt chuột, nó chỉ ăn cá, ăn thịt thôi mà. Lông nó xù xì cũng đâu có mượt đâu”…
Cuộc thi vở sạch, chữ đẹp nhằm khích lệ học sinh viết chữ đẹp, giữ vở sạch cũng là điều tốt. Điều đáng nói là cách làm của cô giáo chủ nhiệm và thái độ đồng tình của phụ huynh thật không ổn. Việc cô giáo ép buộc học trò phải luyện chữ và học thuộc hai bài tiếng Việt theo mẫu là hoàn hoàn không nên, vì đã vô hình trung tạo ra một áp lực không nhỏ đối với các học sinh nhỏ tuổi, nhất là các bé mới chỉ học lớp 3 như cháu tôi.
Mẹ cháu còn đáng trách hơn khi thay vì khuyên con đi ngủ lúc 21 giờ như bình thường thì lại “hùa theo” bằng cách pha sữa để bồi bổ cho cháu và đứng nhìn con mình gà gật bên quyển tập rèn chữ vì buồn ngủ khi đồng hồ điểm 23 giờ.
Tôi nghĩ đã đến lúc các bậc cha mẹ cần “biết thương” con cái mình nhiều hơn, đừng vì một cuộc thi và thành tích viển vông nào đó mà ép con cái mình học đến mụ mị.