Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Dùng kháng sinh cần đúng cách

Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh khá phổ biến do nhiều người chưa am hiểu hoặc hiểu chưa hết vai trò của kháng sinh. Thêm vào đó, việc quản lý sử dụng kháng sinh cũng thiếu chặt chẽ, gây nên những tác hại khó lường.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), viêm phổi và tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong 5 triệu ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì một phần ba là do viêm phổi và tiêu chảy.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, tình trạng ô nhiễm môi trường và đặc biệt là trẻ được cha mẹ cho uống kháng sinh một cách bừa bãi.

Kháng sinh là chất có khả năng ức chế (không cho vi khuẩn phát triển) hoặc tiêu diệt vi khuẩn một cách đặc hiệu. Mỗi loại kháng sinh chỉ tác dụng lên từng vị trí khác nhau của vi khuẩn (màng tế bào, nhân tế bào, vách tế bào của vi khuẩn), vi khuẩn nội bào, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn lao, vi nấm hay ký sinh trùng... Do đó, đứng trước bệnh nhân, người thầy thuốc phải khám kỹ lưỡng và có bằng chứng y khoa để sử dụng kháng sinh thích hợp với từng loại vi trùng gây bệnh. Bên cạnh đó, có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh, ví dụ bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả, bệnh viêm màng não do Meningococcus...

Kháng sinh không phải là thuốc trị bách bệnh nên không thể dùng để điều trị các loại bệnh không gây ra bởi vi trùng. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc.

Ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, một số loại vi khuẩn không những kháng lại thuốc kháng sinh thông dụng mà còn có khả năng kháng lại một số thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đặc biệt, có những loại vi khuẩn cùng một lúc kháng nhiều thuốc kháng sinh như tụ cầu vàng (S.aureus), trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), vi khuẩn lao (M. tuberculosis)…

Mặt khác, cùng một loại kháng sinh có tác dụng tốt với vi khuẩn này nhưng không có tác dụng hoặc tác dụng kém với vi khuẩn khác. Vì vậy, trước khi dùng kháng sinh phải xác định bệnh đó có phải do vi khuẩn gây ra hay không, nếu có thì đó là vi khuẩn gì…

Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai là do vi rút. Đó là chưa kể ho do dị ứng với thời tiết, do lạnh, do bụi…; ho do bệnh hen suyễn hoặc do tác dụng phụ của thuốc làm giảm huyết. Do đó, không nên cứ ho là dùng kháng sinh mà phải xác định nguyên nhân có do nhiễm vi khuẩn hay vi nấm không. Bởi nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh sẽ không bao giờ khỏi.

Đặc biệt, trẻ em bị nhiễm trùng đường ruột hầu hết là do vi rút nên việc dùng kháng sinh phải cân nhắc rất kỹ vì ngoài việc kháng thuốc, trẻ sẽ bị tiêu chảy nhiều hơn, tiêu chảy giả mạc, tiêu chảy đàm máu do những vi khuẩn thường trú trong ruột (vi khuẩn tốt) sẽ bị tiêu diệt, gây ra loạn khuẩn ruột. Quá trình điều trị loạn khuẩn ruột rất khó khăn và có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ trở nên yếu kém và thường xuyên bị rối loạn.

Để giảm các biến chứng viêm phổi nặng khi trẻ bị ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy nặng hơn, phụ huynh nên theo dõi, dùng các loại thuốc thông thường trong 1-2 ngày đầu. Sau đó, nếu thấy bệnh không giảm hoặc nặng thêm thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám chứ không tự ý uống thuốc mà không do bác sĩ kê toa.

BS. Nguyễn Thị Hà

(Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Columbia Asia Sài Gòn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối