(SGTT) - Làm du lịch theo kiểu "giả trang" thì không bảo tồn được văn hóa, cũng không thu hút được khách du lịch và mãi sẽ không có một ngành du lịch bền vững và có chiều sâu.
- Kể chuyện làm du lịch cộng đồng ở ngoại ô TPHCM
- Homestay không điện, không sóng điện thoại ở bản Rum Ho, Quảng Bình
"Đoán ý" mà cư xử nên không còn tự nhiên
"Văn hóa giả trang", đó là ấn tượng của người viết bài này khi có dịp dẫn khách lưu trú, ghé thăm và khảo sát một số điểm du lịch, các “làng du lịch”, “bản du lịch”, đến thăm và lưu trú ở các homestay, farmstay...
Gần đây nhất, người viết bài này mới ghé một xã ở Lâm Đồng để đưa đoàn khách lưu trú tại một nhà nghỉ được cho là tốt nhất và khang trang nhất cụm 3 xã vùng sâu - vùng xa của Lâm Đồng này.
Từ bên ngoài đi vào, có thể thấy lối kiến trúc của nhà nghỉ là kiểu nhà sàn cột sắt, một quần thể nhà sàn kiểu tân thời dựng san sát nhau, với từng khu vực được chắp ghép. Trong nhà nghỉ có các loại hoa mà dễ tìm thấy ở bất cứ tiệm hoa nào trong thành phố. Quần thể nhà sàn ấy có đủ công năng: khu cà phê, khu lưu trú, khu đón tiếp. Tóm lại, là một khu nghỉ dưỡng hiện đại được mặc chiếc áo mỏng mang tên du lịch cộng đồng.
Nhiều năm gần đây, homestay nổi lên như một hình thức lưu trú, thậm chí là một hình thức du lịch gắn với các chữ như “cộng đồng”, “nông thôn”, “bản địa”. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của người viết ở các homestay trải từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, Nam Trung bộ... thì thấy rằng, đó mới chủ yếu chỉ là các nhà nghỉ, khách sạn có chút cách điệu, chứ không phải homestay đúng nghĩa.
Homestay, nôm na là du lịch tại gia, tức là khách từ phương xa tới sẽ ăn, ngủ, sinh hoạt và thậm chí tham gia lao động cùng nhà chủ, như một thành viên thực thụ trong gia đình. Cái “home” ấy chính là căn nhà mà cả gia đình của người dân bản địa đang sinh sống. Khách đến là ở trọ, tá túc và sống cùng gia đình người ta trong một khoảng thời gian nhất định. Chứ không phải là xây lên một cái nhà nghỉ hay khách sạn, cung cấp các loại dịch vụ và phục vụ kiểu nhà hàng.
Về thực chất, những homestay như vậy chỉ là bê thành phố về đặt vào lòng nông thôn, miền núi, mượn tên của một ngôi làng, một bản, sóc, phum… và mô phỏng món ăn, mô phỏng áo quần, mô phỏng lễ hội để làm ra một dạng "văn hóa giả trang". Nhìn vào cách bố trí không gian, hoạt động lưu trú và dịch vụ du lịch đi kèm, đồng thời tìm hiểu về “làng du lịch” này thông qua truyền thông của chính các homestay và kênh truyền thông thì đây mới chỉ dừng lại ở cách làm “du lịch mượn danh”, “du lịch bề ngoài”, “du lịch khoác áo”...
Đi sâu hơn vào từng buôn làng thì thấy một số gia đình cũng có bố trí cho khách ở cùng, theo nghĩa là ăn ngủ ở trong một căn nhà sàn được làm mới, nằm bên cạnh nhà cũ. Tuy không cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, nhưng ít ra khách cũng có điều kiện quan sát sinh hoạt và cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, đó là những nhà chưa có điều kiện đầu tư làm lớn.
Còn những nhà có đầu tư, thì người ta lắp đèn nháy, làm quán bar hình bát giác, làm nhà sàn theo kiểu nhà du lịch, cơi nới thêm mái tôn. Một số hộ dân còn trang bị loa kéo hay thậm chí là dàn loa karaoke công suất lớn để thỏa cái sở thích của một số đoàn khách. Điều này cho thấy, khi mới khởi đầu thì còn tạm được. Về sau, càng đầu tư thì càng lạc hướng và càng hỏng.
Người viết đã lang thang và chụp hình những cảnh đẹp xuyên qua những cung đường đất đỏ và đường bê tông mới mở. Đi tiếp, người viết mong tìm thấy một làng đồng bào dân tộc còn nguyên sơ đâu đó sâu trong những ngọn núi trùng điệp kia hay chỉ cần vài nóc nhà dài đúng kiểu dân tộc bản địa.
Đến ăn cơm trưa cùng một gia đình dân tộc ít người được dọn trên ngôi nhà sàn kiểu mới, lợp ngói và bắn mái tôn xung quanh, nhìn các món ăn thấy không khác các nơi khác, cũng cơm ống tre, thịt gà nướng, cá suối chiên giòn, canh măng...
Người viết hỏi, ở đây món gì là đặc trưng của người đồng bào mình, mọi người lúng túng không biết giới thiệu thế nào. Lại nhìn áo quần mọi người đang mặc, cũng không khác gì đồ trên người mình. Thức uống là rượu gạo, chuối hột như dưới xuôi, bia các loại nữa. Người viết hỏi về loại rượu nào là rượu của đồng bào địa phương, những phong tục, lễ hội bây giờ còn không... vẫn chỉ là những lúng túng.
Du khách lặn lội vào sâu những chỗ thế này là để được nhìn thấy cái của họ, là quần áo đồng bào dân tộc, món ăn, nếp sống, phong tục, giọng nói, đường đi của người bản địa. Còn tất cả những thứ họ được nhận, thành phố đều có. "Tôi khao khát được sống với một không gian văn hóa khác, bởi vì thèm thuồng và quý trọng, vậy mà đến đây chẳng khác gì nơi tôi sống", người viết nói với chủ nhà.
Nghe nói vậy, anh chủ nhà đứng dậy đi vào trong và xách ra một bộ cồng chiêng, ôm ra một vò rượu cần. Anh thanh minh rằng, nay đã ít khi dùng và không nghĩ là có người lại thích những thứ này. Người dân cứ "đoán ý" mà cư xử với khách, vậy nên chẳng còn gì là tự nhiên.
Không muốn thăm một “thành phố mô hình”
Người viết làm việc với một công ty đối tác, năm nào công ty cũng yêu cầu tìm một điểm đến kết hợp hoạt động gắn kết cho nhân viên và đi bộ trải nghiệm văn hóa bản địa, yêu cầu của công ty là đội ngũ hướng dẫn viên, hoạt náo viên là người bản địa trong trang phục bản địa. Dẫn công ty này về bản làng người dân tộc ít người, người viết và những cộng sự phải tốn nhiều thời gian và chi phí để trang bị cho anh em người dân tộc bộ đồng phục thổ cẩm, cũng như huấn luyện anh em cách giao tiếp để tôn lên giá trị truyền thống của họ.
Những mô hình du lịch cộng đồng, những căn homestay nếu không làm sống lại và đi sâu vào văn hóa thường nhật của cộng đồng, mà vẫn làm du lịch theo hình thức "giả trang" như đang thấy khắp nơi thì không những không bảo tồn được văn hóa bản địa. Ngược lại, còn mang những thứ không phải là của mình cắm vào cộng đồng, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, hủy hoại văn hóa bản địa.
Cách hay hơn là duy trì sinh hoạt, ăn uống, lao động, phong tục, tín ngưỡng... vốn là cổ truyền của tất cả các hộ trong cộng đồng ấy, sửa sang lại nhà cửa cho sạch đẹp, có chỗ ngủ cho du khách, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn... và cấp giấy chứng nhận cho những hộ nào đã đáp ứng các tiêu chuẩn làm du lịch cộng đồng – đã được quy chuẩn thành văn bản mang tính pháp lý.
Người dân phải có công ăn việc làm của mình, việc nuôi trồng các cây và con đặc sản đặc thù của địa phương phải được chú trọng, để du khách đến là được hòa mình vào với đời sống bản địa một cách tự nhiên, trong sự trù phú, thân thiện và giàu bản sắc.
Cảnh quan thiên nhiên phải được giữ gìn, cây rừng, cây bóng mát phải được phủ xanh bằng các loài bản địa như thông ba lá, giẻ, mai anh đào… Không nên ham thanh chuộng lạ, du nhập các loài cây di thực, kiểu như cau vua, bàng Đài Loan, tùng bách tán… khiến cảnh quan văn hóa bị phá vỡ. Cây rau màu và rau “rừng” cũng cần sưu tầm, tuyển chọn từ truyền thống ăn uống của địa phương. Nghề thủ công truyền thống phải được lưu giữ, duy trì và phát triển. Đó phải là cuộc sống thật, căn nhà thật, công việc thật, chứ không thể là thứ trang sức lòe loẹt và giả dối bề ngoài.
Du khách từ phương xa đến với một thôn buôn là để được tắm đẫm trong văn hóa của địa phương, tham gia trỉa bắp, hái rau rừng, đào măng, hái trái, làm rượu... được ngồi vào mâm cơm cùng gia đình người chủ, được ngủ trong một căn phòng của ngôi nhà ấy, rồi sáng thức dậy cùng chủ nhà ăn sáng và vác cuốc lên nương đồi, đó mới là homestay thật sự. Chứ đâu đâu ai muốn đi hàng trăm cây số đến những vùng xa xôi trên núi cao hay làng sâu để lại chui vào một “thành phố mô hình” nữa.
Đầu tư một cách bài bản vào cơ sở hạ tầng, từ đường đi, vệ sinh, môi trường, Internet và các điều kiện an sinh, đồng thời bảo vệ thiên nhiên để giữ được những vẻ đẹp hoang sơ, đó là phần cứng, còn phần mềm phải là văn hóa bản địa. Không thể cài một cái phần mềm là văn hóa đô thị như nhà hàng, khách sạn, bể bơi vào trong một phần cứng rồi mong rằng du lịch sẽ phát triển và bền vững.
Làm du lịch cộng đồng, gắn với các chữ homestay, farmstay... trước hết và quan trọng nhất là phải có ý thức tôn trọng và yêu văn hóa bản địa, chứ không phải là mượn cái văn hóa ấy để kinh doanh. Người dân địa phương phải là chủ thể của loại hình du lịch này, không phải là người làm công ăn lương cho các ông bà chủ từ thành phố về quê kiếm tiền. “Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.
Tác giả là Giám đốc Công ty cổ phần We 4U, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn
EM ĐỒNG CẢM VỚI BÀI VIẾT CỦA ANH. Đọc để hiểu , “thấm” và định nghĩa đúng cái gọi là du lịch cộng đồng. E đã từng vô tình được đi lướt qua và không một chút ấn tượng về cái gọi là Du lịch cộng đồng nơi đây. E nói một cách hơi thô thiển nhưng là thật : đập vào mắt e lúc đó là “cô gái bản” ở trong không gian gọi là Du lịch cộng đồng mặc hẳn áo crop top, à mà đúng hơn là áo bra – còn sành điệu hơn cả thành thị xa hoa.
Thật sự thắc mắc và e nghĩ nên chăng những khu được gắn mắc du lịch cộng động cần được kiểm duyệt và chính quyền địa phương cần định hướng, sát sao hơn vì nó không đơn giản là một khu được dựng lên và lấy tên là Du lịch cộng đồng thì nó là du lịch cộng đồng mà nó ảnh hưởng đến cái nhìn của Du khách về bản sắc, văn hóa của một địa phương.
Thực trạng các làng Du lịch mọc lên ngày càng nhiều và đôi khi chính những chủ đầu tư còn không hiểu DU LỊCH CỘNG ĐỒNG là thế nào thì làm sao thổi hồn vào đó được. Thật đáng quan ngại.
Cảm ơn bạn đã đồng cảm với quan điểm của bài viết. Chúng ta cùng hy vọng tương lai Du lịch cộng đồng sẽ có cách làm bài bản và giàu bản sắc hơn hén!
Thân ái!