(SGTT) – Buổi tiệc tất niên cơ quan tôi tổ chức sáng nay, nhằm ngay ngày 23 tháng Chạp, một phụ nữ trong cơ quan nói đùa “Nhà em cúng đưa ông Táo về trời lúc 6 giờ sáng để ông ấy khỏi kẹt xe”. Nhưng có lẽ giới trẻ ngày nay còn ít người biết rằng, ngày ông Táo cưỡi cá chép bay về trời tâu báo với Ngọc Hoàng thượng đế chuyện ở dương gian cũng là ngày mà theo truyền thống, người dân Việt xa xưa hay trồng cây nêu đón Tết.
Khi còn nhỏ, ngày này lũ trẻ chúng tôi ra lũy tre mé bờ sông hay mấy bụi tre sau hè tìm mấy cây tre suông thẳng, gốc cỡ bắp chân người lớn, cao ba bốn thước trở lên, chặt tỉa bớt nhánh và để lại ngọn tre còn lá, chặt mang về cho ba trồng trước sân, trước cổng rào làm cây nêu. Sở dĩ phải chọn tre hơi cao là vì ba tôi cũng như hàng xóm, nhất là mấy ông bà lớn tuổi, hay xé vải đỏ, giấy đỏ sặc sỡ, cột dán lên tre hay treo lủng lẳng, kèm theo có vài phong pháo tép nhỏ ở cái thời còn đốt pháo Tết mà nếu cây tre thấp, lũ trẻ con hay phá phách, vít cành, bắt ghế đứng lên giựt trụi mấy cái “hoa lá cành” treo dán trên cây nêu.
Có nhà trồng nêu rất đẹp, thân tre cao, gia chủ vừa có treo phong pháo, nhiều miếng vải vàng đỏ sặc sỡ gió bay trông lạ mắt, còn có buộc thêm bó lá dứa, nhánh cây xương rồng loại nhiều gai nhọn. Thực tình lúc đó lũ nhỏ như tôi chẳng biết để làm gì, cứ ngỡ để đối phó tụi trẻ con mà lớn lên, qua nhiều tài liệu, tôi biết được treo những thứ đó cũng là để đuổi quỷ, chống tà ma, việc đốt pháo tạo tiếng nổ cũng làm cho ma quỷ sợ mà không dám léng phéng quấy phá nhà cửa.
Khi đưa ông Táo về trời, ngoài cúng chỗ gian bếp, ba tôi cũng làm một mâm bánh ngọt, hoa quả cúng ngay chỗ trồng cây nêu. Mỗi người lớn có cách lý giải khác nhau chuyện trồng cây nêu và cúng ngay chân cây nêu, có ý kiến cho rằng cúng ngay chỗ cây nêu là để cho những âm hồn vương vãi đầu đường xó chợ do chết vì bom rơi, đạn lạc thời chiến tranh, chết vì mưa lũ, tai nạn mà không có ai thờ cúng để đón tết cùng dương gian.
Theo cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 đến 1646 của Alcxandre de Rhodes xuất bản ở châu Âu năm 1651 có viết “Người có phận sự trong nhà như gia trưởng thì vào cuối năm họ có thói dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà, trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc. Họ tưởng tượng là cha mẹ họ mất, vào cuối năm có thể bị túng thiếu và cần đến vàng hay bạc để trả nợ”.
Một sách khác của người châu Âu viết về đàng Trong ghi: “Trước cửa phủ Chúa và các nhà dân đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm cành lá xanh (cành thiên tuế)... hoặc trên ngọn nêu còn buộc một ít vàng và bạc giấy, một số rơm con và một lẵng hoa trong để mấy đồng tiền...”.
Sách của người Việt thì cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết ở Nam bộ thì "vào ngày trừ tịch, nhà nào cũng trồng một cột tre trước cửa, trên đầu cột buộc cái giỏ tre trong đựng trầu, cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc, gọi là dựng nêu”.
Có nhà nghiên cứu dân gian cho rằng hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán, người dân trồng cây nêu để quỷ không dám đến nhà quấy nhiễu. Trên ngọn nêu, treo khánh đất nung mà mỗi khi có gió rung thì phát ra tiếng kêu, nhắc quỷ nghe mà tránh, đồng thời buộc thêm lá dứa, cành đa... đuổi quỷ.
Không chỉ nhà dân, lúc nhỏ ở làng quê miền Trung, tôi thấy khá nhiều đình lẫm, chùa chiền cũng trồng cây nêu. Các lễ hội dân gian ngày Tết như bài chòi, các trò chơi… cũng đều có cây nêu gắn nhiều thứ khá sặc sỡ.
Còn hạ nêu thì cũng khá đa dạng, có nhà, có nơi gia chủ hạ nêu mùng 7 Tết, có nơi là Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), còn thời bao cấp ở quê khi tôi còn nhỏ, cứ tiếng kẻng của hợp tác xã vang lên, báo hiệu vào công việc đồng áng trở lại thì nhà nào trồng nêu xem như hết Tết, hạ nêu.
Chục năm trở lại đây, mỗi khi về quê, gần như tôi không còn nhìn thấy cây nêu trồng trước nhà, nếu có may ra ở trước cửa chùa, đình làng hay một số ít người trồng cây nêu chụp ảnh đăng trên mạng cho vui ngày Tết. Qua báo chí, tôi biết một số địa phương đã vận động người dân trồng cây nêu trở lại kết hợp treo cờ Tổ quốc, treo đèn chớp nhá cho đẹp làng trên xóm dưới. Một số đô thị du lịch ở miền Trung như Huế, Hội An vài năm gần đây đã khôi phục lại truyền thống trồng cây nêu ngày Tết và xem đó như một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.
Có thể nói cây nêu gắn liền với phong tục ăn Tết của người Việt qua câu đối Tết từ xa xưa “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, riêng vùng Nam trung bộ, như Phú Yên có ca dao đọc theo nhịp bài chòi kể chuyện dưng nêu ăn chè ngày Tết.
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Dựng nêu thì dựng đầu hè
Để sân gieo cải, vãi mè mà ăn.
Hồng Ngọc