Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Đừng ngại cho trẻ đeo kính

Với thiết bị chẩn đoán tiên tiến, các tật về mắt ở trẻ nhỏ rất dễ được phát hiện sớm. Đó là tín hiệu mừng vì việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình chữa trị được tiến hành ngay từ đầu, để khi trẻ lớn lên không còn phải đeo kính.

Người khuyến khích, kẻ thận trọng

Cô Ann Zawistoski, thủ thư tại Northfield, Minnesota, Mỹ khi biết con gái một tuổi của mình có vấn đề về thị giác, cô luôn dằn vặt vì cho rằng mình đã có lỗi khi không phát hiện sớm, rồi cô bắt đầu tìm cách để con bé chịu đeo kính.

Trẻ nhỏ đeo kính thoáng trông thì rất đáng yêu nhưng đó cũng là vấn đề. Nhiều trẻ đã quen đeo kính cho dù không muốn hoặc không muốn tạo sự chú ý. Nhưng vẫn có một số người cho rằng cha mẹ cho con đeo kính giả để trông sành điệu hơn.

Kính có chức năng rất cần thiết, giúp cho thị giác và não của trẻ phát triển bình thường. Kính có thể điều chỉnh tật khúc xạ như cận thị và một số vấn đề về suy giảm thị lực, hoặc mắt yếu và hiện tượng bị lác mắt (lé). Đôi khi bác sĩ yêu cầu cho trẻ đeo đồ bịt một bên mắt để điều chỉnh não điều khiển thị giác bằng con mắt yếu.

Các thiết bị chẩn đoán ngày càng tốt hơn và nhiều bậc cha mẹ bắt đầu nhận thức rõ hơn về sức khỏe của mắt nên trẻ đeo kính sẽ ngày một nhiều hơn. Theo nghiên cứu của Pediatrics hồi năm 2011, cứ 20 trẻ thì có một trẻ gặp vấn đề về thị giác.

Nhiều phụ huynh gặp phải vài tình huống khó xử khác khi cho con đeo kính như cái nhìn soi mói của người lạ, hoặc đơn giản hơn là giải thích cho con trẻ vì sao các nhân vật hoạt hình không đeo kính mà lại bắt trẻ phải đeo. Nói cách khác, đeo kính cũng không khác gì học cách đội nón bảo hiểm hay đeo ba lô đi học. Sau những “kích động” đầu tiên để làm quen với đeo kính thì trẻ nhỏ thường tỏ vẻ thích thú và ngạc nhiên vì chúng có thể nhìn tốt hơn. Nhưng vẫn có một số cha mẹ lại xem chuyện đeo kính cho con cái là điều nhạy cảm vì họ không muốn con cái mình bị trêu chọc.

Cô Kristin Ellsworth nhớ lại ngày con gái bốn tuổi của cô tháo chiếc vương miện công chúa rồi nói: “Công chúa không đeo kính”. Sau đó không lâu, cô lập ra Công ty Peeps Eyewear, tại Madison, Wisconsin, Mỹ để bán các loại gọng kính sặc sỡ, kèm theo quyển sách có tựa Princesses Wear Glasses (tạm dịch Công chúa đeo kính). Cô cũng sắp cho ra mắt dòng sản phẩm tương tự dành cho các bé trai.

Để giúp trẻ nhỏ không phàn nàn khi phải đeo kính, hồi năm 2012, cô Ellsworth và Zawistoski đã tổ chức ngày hội đeo kính tại Mỹ với tên gọi “Great Glasses Play Day”. Lễ hội này được tổ chức vào tháng 5, và năm nay có 28 tiểu bang ở Mỹ tham gia với mục tiêu cho trẻ thấy việc đeo kính cũng là chuyện bình thường.

Con của cô Butler (trái) và bạn cậu bé đang chơi tại Portland.
Con của cô Butler (trái) và bạn cậu bé đang chơi tại Portland.

[box type="bio"] Các dấu hiệu trẻ có bệnh về mắt

- Lác mắt

- Đồng tử có màu trắng hoặc xám trắng

- Mắt chớp liên tục bên này qua bên kia, hoặc trên dưới

- Mắt bị lồi

- Trẻ than đau mắt, ngứa hoặc khó chịu

- Đỏ một bên mắt vài ngày không khỏi

- Dụi mắt

- Mắt mọng nước không dứt

- Mí mắt sụp lại

- Mắt luôn bị nhạy cảm với ánh sáng

- Trẻ thường xuyên dụi mắt

- Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác[/box]

Phát hiện sớm để điều chỉnh thị lực sớm

Các bác sĩ cho biết việc phát hiện sớm để bảo vệ mắt cho con trẻ rất quan trọng, điều chỉnh thị lực trẻ càng sớm, càng giúp ngăn ngừa những tổn hại vĩnh viễn. Giáo sư Geoffrey Bradford, nhãn khoa nhi, trường Đại học West Virginia, thành viên quản trị nhãn khoa của Học viện Nhi khoa Mỹ, cho biết: “Não người cũng giống như xi măng, càng ngày càng cứng, khó có thể đúc hay tạo hình khi trẻ nhỏ bắt đầu trưởng thành”. Nhóm nghiên cứu khuyên cha mẹ nên cho con trẻ đi kiểm tra thị lực định kỳ hàng năm từ khi trẻ lên ba tại các phòng khám nhi. Đối với trẻ từ sơ sinh đến ba tuổi, bác sĩ sẽ theo dõi những bất thường trên mắt và xem xét tiền sử bệnh mắt của gia đình. Bệnh nhân có tiền sử di truyền về mắt, hoặc có những biểu hiện như bị lác mắt, sụp mí hay nhiễm trùng cần chú ý hơn ngay từ sớm.

Trong khi đó, Hiệp hội Mắt tại Mỹ kiến nghị tất cả trẻ 6-12 tháng tuổi cần khám mắt định kỳ hàng năm bởi chuyên viên hay bác sĩ nhãn khoa. Andrea Thau, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắt của Mỹ và là bác sĩ nhãn khoa tại New York, cho là cha mẹ thường đưa trẻ đến nha sĩ khám răng nhưng lại bỏ sót đôi mắt của chúng.

Cô Zawistoski thường hay theo dõi các diễn đàn trên mạng dành cho cha mẹ, hồi năm 2007 đã tìm được một số thông tin và sớm phát hiện con mình, bé Zoe, bị cận thị và cần đeo kính. Sau này cô biết con gái mình cũng cần phẫu thuật điều chỉnh và sẽ đeo đồ bịt mắt. Vào năm 2008, cô Zawistoski mở một diễn đàn trực tuyến dành cho phụ huynh có trẻ bị tật về thị giác tên là Little Four Eyes.

Khi trẻ bắt đầu đeo kính thì mọi người nhìn chúng theo cách không bình thường. Cô Butler đã lập ra Công ty Eye Power Kids Wear (Portland, Mỹ) sau khi nhận thấy nhiều bậc cha mẹ phải chịu đựng nhiều lời phiền toái của người khác khi cho con đeo kính. Với công ty này, sản phẩm mà cô Butler bán chạy nhất là áo thun có dòng chữ “Yes, My Glasses Are Real” (tạm dịch “Vâng, tớ đeo kính thật đấy”), lấy ý tưởng từ những câu hỏi mà cô thường bị chất vấn về cậu con trai giờ đã lên hai. Vì sau khi loại kính giả trở thành món thời trang thịnh hành của người lớn thì nhiều người cho rằng cô cũng muốn cho con mình theo kịp khuynh hướng.

“Để cho trẻ nhỏ đeo kính mỗi ngày thì cha mẹ cũng cần sáng tạo”, cô Katheryn Dabbs Schram, Giám đốc điều hành Công ty A Child’s View, chuỗi cung cấp kính cho trẻ có trụ sở tại Laguna Hills, California, cho biết. “Kỹ thuật chúng tôi đề nghị chính là thuyết phục, mỗi lần con tháo kính ra, bố và mẹ liền lập tức đeo vào lại và nói ‘Chỉ có bố hoặc mẹ mới được tháo kính con xuống thôi’”.

Cha mẹ cũng thường sử dụng loại silicon mềm có thể vòng qua tai để giữ kính chắc chắn cho trẻ. Việc chỉnh sửa thường xuyên tại tiệm mắt kính cũng giúp gọng kính vừa vặn hơn, nhất là kính giữ được thăng bằng trên chiếc mũi bé xíu của trẻ.

Nhưng với sự tinh nghịch của trẻ nhỏ thì bất kỳ sự cố nào cũng có thể xảy ra. Cô Ashley Pharris (California) cho biết bé trai của cô đeo kính từ năm lên hai, và mỗi 2-6 tuần trong suốt hai năm qua cô luôn phải thay tròng kính cho cậu, còn gọng kính khoảng 10-14 ngày thì phải đem đi chỉnh một lần. Cô ước lượng đã bỏ ra gần 5.000 đô la Mỹ để thay và sửa kính cho con.

Kim An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối