Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Dùng nhiều hoa bụp giấm có tốt cho sức khỏe?

DS. LÊ KIM PHỤNG (*) - 

Cây bụp giấm (còn gọi là bụt giấm) hiện đang vào mùa thu hoạch nên được bán nhiều ở các chợ, thậm chí bán dạo trên đường phố, được truyền miệng là uống vào sẽ có tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol, phòng bệnh tim mạch, tiểu đường, giảm cân... Thực hư ra sao?

Bụp giấm có vị chua giống như quả nam việt quất và nếu pha thêm ít đường thành một thức uống giải khát nhẹ nhàng dễ hấp thu, giải nhiệt và kích thích tiêu hóa. Hiện nay, người dân thường mua bụp giấm về để ngâm đường, chế biến thành dạng siro.

Kết quả phân tích thành phần của hoa bụp giấm cho thấy có chứa nhiều vitamin C, vitamin A, khoáng chất và khoảng 15-30% axit hữu cơ, bao gồm axit citric, axit malic, axit tartric, axit hibiscus... Hàm lượng polysaccharides cũng khá cao, ngoài ra còn nhiều hoạt chất sinh học thuộc nhóm flavonoid glycosides polyphenol, gồm hibiscitrin, hibiscetin, gossypitrin và sabdaritrin, đặc biệt là cyanidin, delphinidin, chính những chất này mang lại màu đỏ đặc trưng của hoa.

hoa-bup-giam4

Các nghiên cứu trên thế giới

Tại Ấn Độ, châu Phi và Mexico, người ta sử dụng toàn cây bụp giấm để làm thuốc loãng máu và kích thích nhu động ruột. Hoa được coi là thuốc lợi tiểu, lợi mật, hạ nhiệt và hạ huyết áp. Đầu thế kỷ 20, các nhà dược lý học ở Senegal nghiên cứu dịch chiết hoa bụp giấm có tác dụng giảm huyết áp và điều hòa cholesterol. Đến năm 1962, giới y học xác nhận lại lần nữa tác dụng hạ huyết áp của bụp giấm và còn chứng minh thêm tác dụng chống co thắt, tẩy ký sinh trùng đường ruột và kháng khuẩn.

Các nhà nghiên cứu Malaysia còn chứng minh nước ép từ lá đài tươi của bụp giấm có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa một số bệnh ung thư. Ở Thái Lan, lá đài bụp giấm phơi khô sắc uống là bài thuốc lợi tiểu mạnh và chữa sỏi thận. Uống trà bụp giấm còn có tác dụng ức chế men amylase, sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột nhờ đó góp phần giảm cân, chống cảm lạnh, cúm, kháng khuẩn, chống táo bón và ngừa bệnh trĩ.

Theo y học cổ truyền, nhai lá hoặc đài hoa bụp giấm có tác dụng chữa viêm họng, ho. Vị chua hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, liễm phế, chỉ khái, dùng chữa ho, các bệnh gan mật, cao huyết áp, phòng bệnh tim và chống xơ cứng động mạch, bị chảy máu chân răng, liều dùng 10-15 g mỗi ngày sắc nước uống.

Tác dụng và chống chỉ định

  • Huyếp áp: Trên bệnh nhân huyết áp cao, một số nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng uống trà bụt giấm trong 2-6 tuần chỉ làm giảm huyết áp ở những người bị cao huyết áp thể nhẹ nếu so sánh với lô dùng thuốc captopril. Vì vậy những phân tích kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng khác nhau cho thấy rằng không có đủ bằng chứng để kết luận chắc chắn về tác động hạ huyết áp của cây này.
  • Giảm cholesterol: một số nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng uống chiết xuất hoa hoặc trà bụp giấm có thể làm giảm nồng độ cholesterol ở những người bị hội chứng chuyển hóa hoặc đái tháo đường. Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy uống chiết xuất bụp giấm (Green Chem, Bangalore, Ấn Độ) trong 90 ngày không cải thiện mức độ cholesterol ở những người có lượng cholesterol cao.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: trà bụt giấm không an toàn khi dùng bằng đường uống trong thai kỳ. Có một số bằng chứng cho thấy trà bụt giấm có thể gây chảy máu kinh nguyệt và điều này có thể gây ra sẩy thai. Nghiên cứu tiến hành tại một trường đại học ở Ấn Độ cho thấy rằng trà bụt giấm có chất estrogen. Dùng lâu dài gây cản trở khả năng sinh sản nữ. Nó còn chứa hydrocarbon thơm polycylic có liên quan đến ung thư và gây dị tật bẩm sinh. Để an toàn, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh sử dụng.
  • Người bệnh tiểu đường: uống bụt giấm có thể làm giảm nồng độ đường trong máu. Nếu người đang dùng thuốc tiểu đường cần được bác sĩ chuyên môn điều chỉnh.
  • Người có huyết áp thấp: trà bụp giấm có thể làm giảm huyết áp nên nguy hiểm cho người huyết áp thấp.
  • Người sắp phẫu thuật: do bụp giấm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, làm cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn trong và sau khi phẫu thuật vì phải dùng thuốc gây mê. Ngừng sử dụng ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật.
  • Tương tác thuốc: trà bụp giấm có thể tương tác với một số loại thuốc. Nó có tác dụng chống ung thư khi dùng cùng với chất chống ung thư khác và một hiệu ứng phụ khi dùng cùng với các thuốc kháng virus. Nó làm giảm hiệu quả chống sốt rét như chloroquine và quinine. Với Acetaminophen (Tylenol, những loại kháng viêm hạ sốt khác…) nếu uống trà bụp giấm trước khi uống loại này sẽ làm mất tác dụng kháng viêm. Tránh dùng chung hoặc nên cách xa vài giờ.
  • Tác dụng gây ảo giác: một cảm giác như say và ảo giác là những tác dụng phụ thường gặp của trà bụp giấm. Uống nhiều trà bụp giấm có thể làm giảm sự tập trung và tỉnh táo nên khi đang vận hành máy móc hoặc lái xe, tránh sử dụng.
  • Nên tránh khi chữa ung thư: Nghiên cứu của các chuyên gia ở Mỹ cho thấy dấu hiệu đáng mừng là trà bụp giấm có hiệu quả điều trị trên bệnh ung thư (não và da) và người bị bệnh AIDS, tuy nhiên ở người đang dùng thuốc chữa ung thư và đang trong giai đoạn hóa trị liệu thì nên tránh vì nó có sự tương tác dẫn đến mất tác dụng của thuốc đang trị liệu.
  • Độc tính: Do tính lợi tiểu của bụp giấm nên có thể tăng nguy cơ độc tính với người đang dùng thuốc giảm đau chống viêm, sự giảm kali huyết gây đối kháng với thuốc chống loạn nhịp tim và thuốc giãn cơ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp, người đang trị liệu với lithium và corticoid. Không nên dùng chung với các thuốc lợi tiểu khác vì sẽ gây giảm kali huyết mạnh. Một vài trường hợp có cảm giác khó thở và tim đập khó khăn sau khi dùng bụp giấm trong vài ngày là do dị ứng với thảo dược này hoặc những cây cùng loại. Cần phải ngưng ngay và nên tìm hiểu kỹ tác dụng của bụp giấm cũng như tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng loại này để tránh những hậu quả không mong muốn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối