BẢO UYÊN -
Sập cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai), con đường độc đạo vận chuyển hành khách, hàng hóa Bắc-Nam của đường sắt ngưng trệ. Ga Biên Hòa trở thành trạm dừng cuối phía Nam. Ga Sài Gòn ngừng vận chuyển hàng hóa, ngưng hoạt động tuyến Sài Gòn-Phan Thiết và phải dùng xe trung chuyển đưa hành khách đến ga Biên Hòa. Tuy vậy, những thông tin này lại chưa chuyển tải đầy đủ đến nhiều khách nước ngoài khiến họ khá bối rối.
Một bảng thông báo lớn bằng tiếng Việt về kế hoạch trung chuyển hành khách, kèm lịch trình tàu chạy trong ngày được đặt trong sảnh lớn của ga Sài Gòn; còn thông tin bằng tiếng Anh thì được ghi trên một tờ giấy nhỏ và đặt ở quầy bán vé, mỗi khi có khách nước ngoài đến mua, nhân viên sẽ giơ lên cho khách xem.
Có mặt tại ga Sài Gòn sau sự cố, tôi đã chứng kiến nhiều khách nước ngoài bối rối, tỏ ra khó hiểu với lịch trình hoạt động mới của nhà ga, mặc dù đã xem qua bảng thông báo bằng tiếng Anh và được nhân viên bán vé giải thích. Những dòng thông báo sơ sài ở đây không đủ để họ an tâm sử dụng tàu lửa để tiếp tục hành trình.
Một du khách người Pháp than với tôi rằng trong hành trình Sài Gòn-Nha Trang, anh rơi vào thế bị động. Anh không biết số hiệu và thời gian xuất phát của xe trung chuyển. Loa thông báo ở ga cũng chỉ phát bằng tiếng Việt nên anh phải chờ khách người Việt đi ra xe rồi đi theo.
Tôi cũng đã gặp một du khách người Mỹ mướt mồ hôi chạy qua chạy lại giữa quầy hướng dẫn-quầy bán vé-khu vận chuyển hàng hóa nhưng vẫn không thể biết làm thế nào để gửi xe đạp ra Hà Nội trước khi đi máy bay ra đó. Phải nhờ một hành khách người Việt biết tiếng Anh giải thích, ông mới biết thông tin Ga Sài Gòn ngưng nhận vận chuyển hàng hóa. Sự lo lắng hiện rõ trên mặt ông khi mà chuyến bay đã cận kề.
Hầu hết những du khách nước ngoài tôi gặp tại ga Sài Gòn và ga Biên Hòa đều thắc mắc, tại sao có sự thay đổi lớn như vậy mà nhà ga lại không bố trí đặt thêm thông báo bằng tiếng Anh một cách chi tiết, rõ ràng.
Những chuyến tàu khởi hành từ Sài Gòn đến các địa điểm du lịch nổi tiếng: Phan Thiết, Nha Trang có không ít hành khách là người nước ngoài. Vậy mà, ngành đường sắt dường như đã không quan tâm đủ đến họ trong sự cố cầu Ghềnh lần này.
Một câu xin lỗi về sự bất tiện do sự cố, một bảng thông báo ghi đầy đủ thông tin của phương án di chuyển mới nên được thông tin trên các bảng điện tại các nhà ga. Sự nhiệt tình hướng dẫn và giải đáp thông tin cho khách nước ngoài cũng là điều mà các nhà ga lẽ ra nên có. Tôi nghĩ để phục vụ khách được chuyên nghiệp hơn, các nhà ga cũng nên có những thông báo bằng hai thứ tiếng như tại các sân bay, như vậy sẽ tiện hơn cho khách du lịch nước ngoài. Tiếng Anh của nhân viên nhà ga cũng nên được chú trọng, vì điều này rất cần thiết để tạo ra sự tiện lợi cho du khách.