Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Dùng thực phẩm bổ trợ khi chạy bộ sao cho hợp lý?

Việc sử dụng các loại thực phẩm bổ trợ sức khỏe trong quá trình hoạt động thể dục thể thao nói chung, chạy bộ nói riêng là lựa chọn của không ít người hiện nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, sử dụng sao cho đúng, tốt cho sức khỏe lại là điều không phải ai cũng tường tận.

Sử dụng thường xuyên

Sau khi sinh con gái được gần hai năm, chị Nguyễn Phương, quận Tân Bình, TPHCM vẫn còn nặng tới 60 kg, trong khi ngày trước chị chỉ chừng 48 kg. Muốn lấy lại vóc dáng nên chị đăng ký tập một số bộ môn như gym, yoga và chạy bộ. Với chạy bộ, ngoài thời gian tập với máy ở trung tâm thể thao, chị còn tranh thủ chạy bộ ở công viên gần nhà.

Chị Phương cho biết, để việc tập thể dục thể thao hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe, theo lời tư vấn của một số bạn bè, chị đã bổ sung một số sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng. Ví dụ như hạt chia Bob’s Red Mill, viên uống EnjoyNT Vision.

Hạt chia được cho là có tác dụng bồi bổ sức khoẻ khi chạy bộ.

Theo chị Phương, chị đang sử dụng hai loại trên mỗi ngày vì thấy thành phần của chúng chứa những chất có lợi cho việc tập luyện và bồi bổ sức khoẻ. Cụ thể, hạt chia Bob’s Red Mill chứa Omega 6 và hàm lượng chất chống oxy hóa. Nó cũng chứa sắt, photpho, canxi, đạm, những vi lượng và các khoáng chất. Còn EnjoyNT được cho là có tác dụng thúc đẩy sự tái tạo sụn và dịch khớp, làm khỏe hệ thống xương và ổn định sự trao đổi chất, chống oxy hoá, ngăn ngừa viêm và bệnh do viêm từ bên trong cơ thể.

Chạy bộ, đi bộ, tập gym đều đặn khoảng 5 năm nay, anh Tiến Minh, nhà ở Thủ Đức, cho biết việc tập thể dục thường xuyên trong thời gian dài giúp anh khỏe mạnh hơn so với trước kia rất nhiều. Để duy trì cân nặng hợp lý, có sức khỏe ổn định, song song với hoạt động thể thao anh cũng có chế độ ăn uống điều độ và thời gian gần đây anh bổ sung một số loại vitamin. Một số loại anh sử dụng gồm viên vitamin tổng hợp Vitrum, vitamin tổng hợp DHC hay bột bột cung cấp nước VAAM Meiji.

Theo anh Minh, anh tìm hiểu trên website giới thiệu sản phẩm thì được biết đây đều là những sản phẩm giúp tăng năng lượng, tăng cường sự dẻo dai cho cơ bắp, bổ sung dinh dưỡng và phù hợp với người thường xuyên chơi thể thao như anh. “Tôi cũng mới sử dụng các sản phẩm trên được thời gian ngắn, đang theo dõi xem tác dụng thế nào”, anh Minh nói thêm.

Là người chơi thể thao chuyên nghiệp hơn, thỉnh thoảng có tham gia một vài cuộc thi, anh Tân Thanh, quận 1, cho biết, để tăng cường sức khỏe trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu anh có sử dụng một số sản phẩm bổ sung chất điện giải, bổ sung đạm hay phục hồi cơ bắp. Có thể kể tới như gel uống bổ sung năng lượng GU Energy, viên uống điện giải Hammer Nutrition Endurolytes Extreme…

Anh Thanh nói, mặc dù, sử dụng sản phẩm cũng thấy có chút tác dụng, ví dụ viên uống điện giải Hammer Nutrition Endurolytes Extreme giúp anh ít bị chuột rút hơn trước, tuy nhiên, anh cũng khá băn khoăn về công dụng thực sự và tác dụng phụ nếu có của sản phẩm.

Cẩn trọng vẫn hơn

Người chạy bộ cần cung cấp đủ nước cho cơ thể trong quá trình chạy, có thể sử dụng loại nước uống có mùi vị riêng nhằm kích thích vị giác.

TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, một vấn đề quan trọng khi tập luyện là luôn giữ cho cơ thể đủ nước. Đôi khi có thể người tập không rõ nên dùng thức uống gì khi tập luyện nên nước lọc là lựa chọn phổ biến. Nhưng hiện nay trên thị trường phong phú chủng loại thức uống thể thao, thức uống tăng lực với nhiều loại hương vị và chất bổ sung khác nhau. Việc lựa chọn tùy theo khẩu vị và mức độ, cường độ luyện tập.

Khi khát, nước lọc (có thể được giữ lạnh) là thứ cần thiết, nhưng nếu là các loại nước có hương vị kích thích việc uống thì cũng là lựa chọn tốt. Điều quan trọng nhất là làm sao bù đủ nước khi luyện tập. Hội Y học thể thao Hoa Kỳ khuyến cáo người tập thể dục thể thao nên sử dụng thức uống có hương vị khi cần tăng cường khẩu vị và thúc đẩy bù dịch trong và sau tập luyện.

TS.BS Niên cũng cho biết, thức uống thể thao có ba công dụng chủ yếu đối với trước, trong và sau tập luyện.

Cụ thể, với công dụng bù nước, Hội Y học thể thao Hoa Kỳ khuyến cáo nên uống 500 ml nước trước tập luyện khoảng hai tiếng. Trong khi tập luyện, người tập có thể bắt đầu uống nước sớm và thường xuyên nhằm bù dịch kịp thời theo tốc độ mất nước do đổ mồ hôi.

Với công dụng bổ sung năng lượng, chất carbohydrate có trong thức uống thể thao giúp cung cấp năng lượng làm giảm mệt mỏi. Một số nghiên cứu cho thấy 6% carbohydrate (khoảng 14g carbohydrate cho mỗi 250 ml nước) là tối ưu để bù dịch và năng lượng cho cơ thể.

Với công dụng cung cấp các chất điện giải, chất khoáng, do các điện giải như natri, kali, chlorid sẽ bị mất theo mồ hôi tiết ra nên người tập cần bù đắp khi luyện tập. “Theo các tài liệu, nếu tập luyện ít hơn một giờ thì hầu như không có khác biệt giữa người uống nước chứa carbohydrate và điện giải so với người uống nước thường. Nếu tập luyện 1,5 giờ trong môi trường mát mẻ, không mất mồ hôi nhiều, người tập sẽ cần bù nước hơn là bù điện giải”, bác sĩ Niên nói.

Theo bác sĩ Niên, người tập luyện thể dục thể thao không cần thiết bổ sung vitamin và khoáng chất nếu năng lượng duy trì cân nặng cơ thể được lấy từ nhiều nguồn thức ăn. Tuy nhiên, nếu người tập muốn sử dụng nước uống có vitamin thì có một số lưu ý, như thức uống đó có chất làm ngọt nhân tạo không. Chỉ nên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo với lượng giới hạn, nhất là ở trẻ em.

Tiếp theo, người tập luyện thể thao cần lưu ý bản thân có đang sử dụng quá nhiều viên uống vitamin không. Hầu hết các vitamin được bổ sung là tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B… Nếu đưa vào cơ thể dư thừa thì sẽ được thải qua thận và nước tiểu. Tuy nhiên, nếu dùng lượng quá nhiều có thể ảnh hưởng lên sự hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng khác, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Thay vào đó, người tập có thể sử dụng nước trái cây tự nhiên như nước chanh, cam, dâu…

Nhật Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối