Đọc thông tin về chuyện nhà thuốc bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có toa thuốc sẽ bị phạt 200.000-500.000 đồng, tôi thấy khá bất ngờ. Bất ngờ vì nhận ra rằng nếu chiếu theo quy định này thì tất cả các nhà thuốc đều sẽ bị phạt vì chuyện này diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Còn giả dụ tiệm thuốc nào bị bắt tại trận vụ này thì họ chắc chắn chịu phạt mà chẳng có ý kiến phản đối gì, bởi vì số tiền phạt đó… chẳng đáng là bao.
Tôi thấy tình trạng người dân khi bị các bệnh mà theo họ là “xoàng thôi” sẽ tự mua thuốc ở các nhà thuốc trong khu dân cư đang sinh sống để uống là rất phổ biến. Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này nhưng xin không bàn đến việc này.
Nhằm giải quyết tình trạng bán thuốc kháng sinh không toa này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát đơn thuốc, bán thuốc kê đơn. Mục tiêu là để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn và người bán lẻ thuốc. Tôi thấy nếu việc thực hiện được diễn ra đồng bộ và nghiêm ngặt theo các biện pháp của đề án thì mục tiêu đến năm 2020, 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ sẽ đạt được. Theo đó, các nhà thuốc bắt buộc phải quản lý thuốc, việc bán thuốc bằng công nghệ thông tin và có lưu đơn. Các bác sĩ phải tuân thủ việc kê đơn thuốc điện tử và lưu lại đơn để theo dõi việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân trong khi không cần dùng sẽ bị nêu tên, giảm lương, cắt thưởng...
Người dân lúc đó có muốn trả thêm nhiều tiền để mua thuốc kháng sinh không có toa của bác sĩ thì cũng không có ai bán cho.
Còn từ bây giờ cho đến thời điểm đó trong tương lai, người dân nên nghĩ rằng, việc tự ý dùng thuốc kháng sinh sẽ khiến bản thân mình, người thân trong gia đình bị nhờn thuốc và đến khi thật sự cần đến thuốc kháng sinh thì không còn loại kháng sinh nào phù hợp cho mình. Nên dùng thuốc kháng sinh đúng là vì bản thân mình.
Duy Anh (Hà Nội)