Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Đừng “treo đầu dê, bán thịt chó”

Bữa trước đang đi trên đường, chợt thấy một hàng bán ổi ven đường với biển đề là Ổi Tiến Vua, tôi vội tấp xe vào để hỏi mua. Vốn là người thích ăn ổi nên tôi hí hửng vì thấy một món ổi mới. Nhìn trái ổi rất bắt mắt, giống như ổi lê ngoài Bắc nhưng ruột lại có màu hồng trông rất ngon. Anh bán hàng nhanh nhảu bổ ngay một quả để tiếp thị. Nếm thử tôi thấy cũng khá ngon, ổi dòn, ngọt và thơm. Người bán nói loại ổi này trồng ở Tiền Giang, giá bán là 45.000 đồng/kg. Sau một hồi mặc cả, tôi cũng mua được với giá 30.000 đồng/kg, đắt hơn ổi lê 10.000 đồng.

Ổi Tiến Vua được bày bán ven đường

Tối về, rảnh rỗi và cũng là muốn tìm hiểu thông tin về món ổi mới mua, tôi vào mạng tra thử từ khóa ổi Tiến Vua. Tìm mãi mà không có thông tin. Tôi liền tìm từ khóa ổi Tiền Giang thì thấy có giống ổi ruột đỏ, giống loại tôi đã mua. Tôi mới hiểu ổi Tiến Vua chỉ là cách quảng cáo để bán được hàng của anh chàng ma lanh đó. Và một điều đáng buồn cho tôi đó là theo thông tin trên mạng thì giá ổi này cũng chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Mấy hôm sau, khi đi trên các tuyến phố khác, tôi cũng bắt gặp nhiều xe bán ổi này nhưng không thấy đề ổi Tiến Vua như anh chàng bán hàng bữa trước.

Thật buồn là câu chuyện không trung thực trong bán hàng không phải là chuyện hiếm trong thời buổi hiện nay. Trên đường đi du lịch, nhiều người có thói quen mua các món đặc sản về làm quà. Nhưng nếu không cẩn thận thì món đồ bạn mua về sẽ không ngon như món bạn đã được ăn thử tại nơi bán. Đã có lần bạn tôi dở khóc dở cười với mấy chục quả dứa mua tại Ninh Bình. Khi chị bán hàng gọt tại chỗ cho bạn tôi ăn thì quả đó rất ngọt nhưng lô dứa mang về thì chua đến mức chỉ có thể ép lấy nước hoặc đem nấu canh. Hay món bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, bạn sẽ khó mua được đúng loại bưởi xịn nếu không có người quen giới thiệu nơi bán tin cậy dù người bán hàng luôn miệng khẳng định bưởi của họ là bưởi Phúc Trạch hái tại vườn.

Không chỉ dừng lại ở những giao dịch thực tế, tình trạng quảng cáo một đằng, hàng thực tế được bán theo một kiểu cũng tràn lan trên mạng. Cư dân mạng đã nhiều phen cười ra nước mắt trước những pha mua hàng trực tuyến mà khi nhận được hàng, người mua không nhận ra nổi món đồ mà mình đã đặt. Người bán hàng trong những trường hợp đó lại còn tìm đủ lý do để không cho khách hàng đổi lại món đồ hoặc lấy lại tiền.

Kinh doanh kiểu chụp giật, không cần giữ chữ tín của một số người bán hàng đã góp phần làm mất đi sự tin tưởng của khách hàng. Tình trạng này phổ biến đến mức giờ đây tôi gần như mất đi thói quen mua đồ về làm quà. Với câu nói quen thuộc là Hà Nội cái gì chả có, xách làm gì cho mệt. Sâu xa hơn của sự mệt mỏi vì phải tay xách nách mang lỉnh kỉnh đó chính là tâm lý nghi ngờ vào chất lượng của các món đồ mà bạn mất tiền mua nhưng lại như tự rước lấy sự bực mình.

Cũng may, bên cạnh những ví dụ nêu trên, cuộc sống vẫn còn nhiều cửa hàng, những người kinh doanh có tâm, luôn giữ chữ tín với khách hàng, giúp khách hàng luôn cảm thấy yên tâm khi sử dụng dịch vụ hoặc hàng hóa của họ.

Duy Anh (Hà Nội)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối