Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Đừng vội chán nản khi trượt phỏng vấn xin việc

Nếu bạn là người sắp đi phỏng vấn xin việc và lo lắng sẽ ra sao nếu bị đánh rớt, hãy nghe câu chuyện từ Phó giám đốc tiếp thị sản phẩm của Google, Alessandra Rao - một chuyên gia về tiếp thị hình ảnh bị chê bai là không có tài năng làm quảng cáo ngay trong lần phỏng vấn xin việc đầu tiên.

Alessandra Rao, khi đó 19 tuổi và đang là sinh viên chuyên ngành marketing quảng cáo tại trường Baruch College (Mỹ) đã được người quen giới thiệu đến thực tập hè ở một công ty nhỏ gần trường. “Hãy tưởng tượng sự phấn khích của tôi lúc đó”, cô hồi tưởng. “Tôi đã bị lóa mắt bởi vẻ hiện đại, quyến rũ của trụ sở công ty. Nó còn nằm ở khu SoHo (khu vực chuyên về thiết kế, nghệ thuật) của thành phố New York nữa!”

Lần phỏng vấn đầu tiên trắc trở

Rao đến công ty sớm 15 phút, cố gắng giữ bình tĩnh dù đây chỉ là phỏng vấn cho vị trí thực tập sinh. Mỗi phút đợi chờ như kéo dài cả tiếng và Rao đã phải đợi gần một giờ đồng hồ cho đến khi nhân viên lễ tân gọi tên cô. Ann, người hẹn phỏng vấn cô bận việc, nên thay vào đó là Brad. Rao cảm thấy thất vọng vì ít ra Ann cũng đã biết cô, còn Brad là ai?

Rao tiếp tục phải đợi một lúc thì Brad tới, trông cao lớn, tự tin và không có vẻ gì là muốn ngồi đây phỏng vấn người mới rồi. “Nhưng không sao”, Rao thầm nhủ, “cứ bình tĩnh thôi”. Brad bắt đầu hỏi cô những câu thường gặp. Mọi thứ đều có vẻ ổn cho đến lúc anh ta bắt đầu lôi điện thoại ra kiểm tra email. Rao tiếp tục trả lời bình thường và cố không tỏ thái độ.

Brad yêu cầu cô cho xem hồ sơ công việc của mình. Cô giới thiệu cho Brad trang web cá nhân dùng lưu trữ toàn bộ những gì cô thiết kế: các loại biểu trưng, áp phích, biểu ngữ quảng cáo. Mặc dù chỉ là sinh viên năm nhất nhưng cô đã bắt đầu kiếm tiền bằng công việt thiết kế và làm quảng cáo từ thời trung học. Brad nhếch mép và nói trong lúc vẫn nhìn vào màn hình điện thoại: “Thôi được rồi, hãy cho tôi biết về dự án bạn cho là tốt nhất của mình”.

Rao dự cảm thấy có điều gì không ổn song vẫn cố trình bày cho hết. Nghe xong, Brad kéo một tập hồ sơ ra và trong đó trưng đầy những quảng cáo, biểu ngữ cho những thương hiệu xe hơi sang trọng và các nhà bán lẻ lớn. Brad nói: “Hãy xem trình độ của những người mà bạn phải cạnh tranh đây nhé. Đây là tác phẩm của sinh viên trường quảng cáo Miami”.

Rao hồi tưởng: “Anh ta nói đúng, những gì tôi đã làm không thể so với những mẫu thiết kế hoàn hảo của những sinh viên tốt nghiệp trường nghệ thuật, có thể trả mức học phí 200.000 đô la”. Cô cảm ơn những phản hồi của Brad và qua khóe mắt, Rao thấy Ann đang đi lại. Brad nói với Rao: “Nào, giờ thì tôi sẽ để cô trò chuyện với Ann”.

Nỗ lực và thất vọng

Brad trước tiên kéo Ann lại sau bức tường để nói nhanh vài điều rồi mới để Ann bước ra ngoài. “Hân hạnh được gặp cô”, Rao ngượng ngùng nói, gắng chống đỡ cảm giác như đang bị nghiền nát. “Tôi sẽ nói thật với bạn vì tôi nghĩ mọi người đều có quyền được biết sự thật,” Ann bắt đầu. “Brad nói với tôi rằng bạn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện trong phần hồ sơ, vì vậy chúng tôi không thể cho bạn thực tập trong đội ngũ thiết kế”.

Ann tiến hành phỏng vấn thêm khoảng 15 phút rồi nói: “Tôi thấy bạn là người có khao khát làm việc, đó là kiểu nhân viên chúng tôi muốn thuê. Nhưng chỉ là… không phải làm về mảng sáng tạo. Cô có khả năng làm về mảng bán hàng, nhưng chắc chắn không thể là mảng sáng tạo”.

Hàng ngàn ý nghĩ lướt qua tâm trí Rao lúc ấy, cô chưa từng nghĩ rằng mình có thể cảm thấy thất vọng và bất an đến như vậy. Niềm tin về tương lai sự nghiệp của cô thực sự bị lung lay. Cuối cùng, Ann yêu cầu cô viết một email về lý do muốn thực tập tại công ty này và nói sẽ giới thiệu cô vào đội phát triển kinh doanh.

Rao về nhà, viết email và đọc đi đọc lại đến tận 23 lần. Cô gửi đi mà không nhận được hồi đáp. Cô lại gửi tiếp một email, rồi lại gửi tiếp lần nữa nhưng vẫn bặt tin. Cô cố gắng dò hỏi qua người quen nhưng cũng không có kết quả. Cô cảm thấy mình như là đồ bỏ đi.

Làm điều người khác cho là không thể

Sau vài tháng chờ đợi, Rao quyết định thành lập hãng thiết kế White Cube Media, dựa trên mạng lưới những khách hàng trung thành mà cô đã gầy dựng được từ trước. Những khách hàng này thích thiết kế của cô và đồng sự, họ thông tin tới những người bạn khác… Chẳng bao lâu, lượng khách hàng của công ty vươn ra toàn quốc, từ khối tư doanh sang các cơ quan công quyền. Công ty của Rao thậm chí còn nhận đơn đặt hàng từ Sở Giáo dục thành phố New York.

Giờ đây, Rao đang làm việc cho tập đoàn công nghệ Google trong vai trò lãnh đạo nhóm quảng bá cho sản phẩm mới của tập đoàn, thuê và giám sát các công ty thiết kế thực hiện các chiến dịch quảng bá ở 27 quốc gia trên toàn cầu và vẫn điều hành White Cube Media. Rao tâm sự: “Tôi rất thích công việc của mình. Ngoài đồ ăn miễn phí, mát xa, và túi ngủ, điều mà tôi yêu thích nhất là làm việc với những người tử tế và muốn thấy bạn thành công”.

Qua trải nghiệm của mình, cô có lời khuyên cho những ai đang chuẩn bị có cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên: “Đừng bao giờ lo lắng về việc bị từ chối bởi đằng sau một lần bị từ chối rất có thể là phước lành”. Hãy vứt bỏ tâm trạng chán nản, chuẩn bị tinh thần mạnh mẽ, lạc quan vì khi một cánh cửa khép lại, sẽ có cánh cửa khác được mở ra.

Vũ Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối