Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Được – mất xuất khẩu dăm gỗ

Thùy Dung

Dăm gỗ được xem là nguyên liệu thô, khai thác nhiều sẽ tàn phá thiên nhiên, nên hoạt động xuất khẩu không được khuyến khích. Trong lúc nhiều chuyên gia ủng hộ việc phải đánh thuế cao đối với dăm gỗ xuất khẩu, thì cũng có ý kiến cho rằng việc này cần được xem xét kỹ lưỡng và có những bước đi thận trọng.

Đánh thuế cao

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ dăm của Việt Nam liên tục phát triển trong khoảng một thập kỷ qua. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có lượng dăm gỗ xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn dăm gỗ khô, tương đương với khoảng 14 triệu m3 gỗ nguyên liệu và đạt kim ngạch 958 triệu đô la Mỹ, chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.

Nguyên liệu dăm gỗ được chuẩn bị đưa vào công đoạn ép tại một nhà máy ở tỉnh Bình Định.          Ảnh: Xuân Phúc
Nguyên liệu dăm gỗ được chuẩn bị đưa vào công đoạn ép tại một nhà máy ở tỉnh Bình Định. Ảnh: Xuân Phúc

So với năm 2013, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2014 giảm do những biến động lớn trên thị trường, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, xu thế chung cho thấy thị trường xuất khẩu dăm vẫn tiếp tục được mở rộng trong tương lai.

Ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, nhận định lĩnh vực dăm gỗ đã và đang phát triển “nóng”. Sự phát triển của phân khúc này tạo ra những thông tin trái chiều giữa dăm gỗ và chế biến gỗ, bởi hai lĩnh vực này sử dụng chung nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào từ rừng trồng.

Hơn nữa, dăm gỗ chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Năm 2013, dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 600 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ dăm sang các nước. Năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan trái phép sang thềm lục địa của Việt Nam, xuất khẩu gỗ dăm sang thị trường này đã giảm gần 100 triệu đô la Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã sử dụng biện pháp hành chính là kiểm tra các cơ sở chế biến dăm gỗ và cấm mở thêm các cơ sở chế biến dăm gỗ trong thời gian qua. Do xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc thường bị ép giá, giá trị gia tăng thấp nên tỉnh Bình Định đã quyết định dừng xuất khẩu dăm gỗ thô từ năm 2015.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores, cho biết sự phát triển của ngành dăm gỗ đã làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ, bởi 70-80% sản lượng gỗ rừng trồng được đưa vào chế biến dăm, phục vụ xuất khẩu. Trong khi, các doanh nghiệp chế biến gỗ hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng gỗ lớn và chịu sự rủi ro về tính hợp pháp của gỗ.

Ông Quyền cho rằng, việc đánh thuế xuất khẩu dăm là cần thiết nhưng đánh thuế vào thời điểm nào, mức thuế bao nhiêu là điều cần phải cân nhắc bởi nó tác động tới khoảng 1,4 triệu hộ dân đang trồng gỗ dăm xuất khẩu.

Cần nghiên cứu kỹ

Ông Vũ Long, một chuyên gia kinh tế lâm nghiệp, cho biết mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ giảm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ cũng đồng nghĩa với việc sẽ mất đi khoảng nửa tỉ đô la Mỹ, vậy sẽ phát triển cái gì để thay thế vào số tiền đó? “Theo tôi, cần tuân thủ cơ chế thị trường, để ngành dăm gỗ và ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cạnh tranh một cách công bằng. Không nên can thiệp bằng các biện pháp hành chính, tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên”, ông Long đặt câu hỏi và tự trả lời.

Hiện nay, giá đầu vào của ngành dăm gỗ là 1,15 triệu đồng/m3 còn giá đầu vào của gỗ chế biến xuất khẩu khoảng 1,5 triệu đồng/m3. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ muốn cạnh tranh về nguồn nguyên liệu thì phải tự tìm cách nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến sâu, từ đó tăng giá thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào. Như vậy cả nông dân và doanh nghiệp đều được lợi. “Phải tùy vào lợi thế từng ngành nghề và tuân thủ sự cạnh tranh để phát triển”, ông Long phát biểu, và dẫn chứng Úc là nước phát triển nhưng vẫn có vùng chuyên xuất khẩu dăm gỗ.

Ông Lê Công Cẩn, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú (Vũng Tàu), cho biết sự phát triển của ngành dăm gỗ đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đồng thời giúp nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả hơn, phủ xanh đất và đồi núi trọc, mang lại lợi ích cho các ngành từ trồng rừng, vận tải đến cảng biển.

“Thực chất, đối tượng bị tác động từ việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ sẽ là những người trồng rừng”, ông Cẩn nhận định. Nhà nước cần tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của ngành dăm gỗ trong đó có sự phát triển của ngành trồng rừng, nên có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết gỗ nguyên liệu không thể đưa vào chế biến 100% mà phải đưa khoảng 30-40% vào chế biến và xuất khẩu dăm. Mỗi doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác nhau đang có những bức xúc riêng, tùy vào góc độ và lợi ích của mình. Do vậy, cơ quan nhà nước nên lắng nghe cả đôi bên để có sự cân đối tổng thể.

Bà Vân cho biết thêm, định hướng chung vẫn là giảm dần xuất khẩu dăm gỗ. Cơ quan nhà nước sẽ cân nhắc mọi yếu tố, đối tượng khác nhau để hài hòa lợi ích. Riêng vấn đề về tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, xem xét chứ chưa áp dụng ngay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối