Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Dưới bóng hàng me

Lương y Thái Kim Thanh Nguyên

Từ lâu, những rặng cây xanh như cây me, cây sao... được xem là những cây tiêu biểu cho “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ngay từ những năm thành lập Sài Gòn-Gia Định, người ta trồng từng hàng me ngút ngàn ở Đồn Đất, bến Chương Dương, Bà Quẹo... làm bóng mát cho xe song mã. Sau đó, được gây trồng hầu như khắp thành phố vì tính thích nghi và nhanh phát triển của nó. Có những nơi, cây me đã để lại địa danh như ngã tư Tân Kỳ Tân Quý-Cách Mạng Tháng Tám, xưa gọi là ngã ba Cây Me mà có lẽ chỉ người định cư tại đây thật nhiều năm mới nhớ.

Trải bao thế cuộc thăng trầm hàng me vẫn chở che những số phận gắn liền sương gió như ba gác, xích lô, vá xe, quán cóc…; nó cũng không ngừng xoa dịu nhọc nhằn cho những cảnh đời xuôi ngược mua gánh bán bưng giữa cái thị thành phồn hoa nhưng chợt mưa chợt nắng này.

 Cây me nên thuốc

Cây me thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Nhiều người cho rằng chúng vốn xuất xứ từ châu Phi và phát triển ở Ấn Độ nên có tên khoa học là Tamarindus Indica Linn. Sau đó, được gây trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, me có nhiều chủng loại, có nơi mọc thành rừng.

Là cây thân gỗ cao đến 20 m nên nó tỏa bóng trùm vào hàng hiên những dãy biệt thự cổ. Ngày ngày chúng vô tư buông thả từng đợt lá kép lông chim hoa vàng lả tả trong từng đôi mắt người lại qua. Rồi không để phiền hà ai, bầy lá hoa mặc tình cuốn theo chiều gió dập dìu tấp vào một hốc đường quen thuộc chờ đêm đêm xe đến mang đi. Những trái me thuông phân khúc màu nâu sẫm, buông thõng đong đưa gợi thèm hương vị chua thanh lẫn ngọt ngào.

Hàng me xanh trên đường Hàn Thuyên, gần nhà thờ Đức Bà, TPHCM. Ảnh: Đức Tâm
Hàng me xanh trên đường Hàn Thuyên, gần nhà thờ Đức Bà, TPHCM. Ảnh: Đức Tâm

Thành phần hóa học của me gồm acid citrique, acid tactrique, acid malic, kali bitactrat, đường, gôm, pectin. Trong hạt có glucoza, xylan, protid, glucid, lipid, chất sáp, muối vô cơ… Theo Đông y, quả me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải nắng. Nạo cùi trái sấy khô để dành khi bị ho sốt, đầy bụng, ăn khó tiêu lại kèm táo bón…; đem hãm nước sôi cho tan uống vào rất hiệu quả; trẻ em mỗi lần dùng 5 g, người lớn 10 g, ngày uống 2-3 lần.

Ngoài ra, người ta thường chế xirô me bằng cách dùng 50 g nạc cùi, 500 ml nước và 120 g đường cát, đun sôi nhỏ lửa còn lại 200 ml. Xirô me dùng khan mỗi lần uống một muỗng cà phê đến một muỗng canh, chữa viêm họng cấp và mãn, hoặc pha nước đá uống giải khát, nhuận tràng. Gỗ cây me bào mỏng sắc uống thông tiểu, tiêu thấp. Vỏ cây có chứa tanin, sắc đặc uống cầm tiêu chảy, sắc ngậm chữa viêm họng, viêm lợi răng. Lá nấu nước tắm ghẻ chốc và người bệnh thủy đậu đã lành da. Ngoài ra, dùng 4-8 g hạt me phối hợp 6-12 g quả giun sao vàng tán bột chia đều uống liền trong ba ngày vào lúc sáng sớm có tác dụng trục tẩy được nhiều loại giun sán.

Me dùng để chế biến những món ăn đậm đà khẩu vị dân tộc, khiến cho ai một lần dùng qua khó mà quên được. Như được chế biến làm những nước chấm độc đáo không thể thay thế của một số món ăn: nước cốt me với bún riêu, nước mắm me với chả tôm chiên lăn bột, mạch nha me mè tráng trên bánh gạo nướng…

 Cây me trong ẩm thực và ký ức

Me là nguyên liệu chính để nấu món canh chua truyền thống. Hiện nay, người ta thiết kế nhiều bài bản bằng nhiều loại sinh vật phối hợp cùng các lá quả có vị chua khác; nhưng canh chua “quả me-cá lóc-tép bạc-bạc hà-giá đậu xanh-quả khóm-cà chua-rau rút…” vẫn giữ nguyên vị trí vô địch và đã trở thành một đặc sản ẩm thực có giá trị văn hóa.

Chè hạt me tưởng thật đơn giản nhưng lại có một hương vị riêng, rất lôi cuốn. Mứt me, món quà được đón nhận trân trọng trong ngày tết vì nó có hình thức đẹp mắt, lại giữ nguyên dáng vẻ hấp dẫn, đồng thời còn giữ được tương đối vị chua ngọt của trái me.

Ô mai me không những gắn bó với các bạn tuổi mực tím mà còn làm hài lòng các bậc cao niên nhờ chất giải khát thấm thía của me, cái tính làm thư thái của gừng và vị thanh tao của một chút cam thảo.

Do me có sớ vỏ đẹp, thân oằn, lá nhuyễn nên các nghệ nhân thường chiết cành để làm bon sai trông rất thanh cảnh. Để kích thích cho me bon sai ra trái cũng đòi hỏi khá sâu về kỹ thuật. Hiện nay, nhiều cây me nổi tiếng để lại dấu ấn và tiếng tăm lâu dài trong làng thưởng ngoạn. Đó như cây me trăm tuổi được đánh giá tiền tỉ của nghệ nhân Bùi Quốc Nam. Theo thông tin những năm gần đây, cây me này liên tiếp đạt giải đặc sắc tại Hội hoa xuân Tao Đàn và giải đặc biệt tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng.

Lại như cây me Phước Trường hơn 200 năm tuổi cao khoảng 30 m, chu vi gốc hai người ôm không hết đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống và đi vào tâm thức của người dân xứ Quảng Nam-Đà Nẵng và nó đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam để vinh danh cây me cổ thụ.

Hay như cây me có tuổi đời hơn 200 năm, cao 24 m, đường kính thân cây 1,2 m, tán rộng che phủ 600 m² do cụ Hồ Phi Phúc, thân sinh ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trồng trong vườn nhà, nay là Bảo tàng Quang Trung. Cây me ấy đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn tam kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều đại Tây Sơn; là một trong khoảng 300 hồ sơ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh Cây di sản Việt Nam.

Mỗi người Sài Gòn giờ đây đã phải tự tìm cách lưu giữ vào ký ức về những hàng cây cổ thụ thân thương đầy ắp kỷ niệm; đã và sẽ được lựa chọn di dời hay bị vô tình đốn hạ. Là một người làm thơ, nhưng đến giờ tôi hãy còn đau đáu một ý thơ mộc mạc nhưng hết sức chân thành của ai đó: Ai đi dưới bóng hàng me ấy/Có cám ơn chiếc lá me không?

Thương quá hàng me! “Nhân vật tiên phong” trong những bước đầu mở mang Sài Gòn-Gia Định, đến nay vẫn lặng lẽ thủy chung theo cùng nhịp sống của phố phường. Mặc dù có nhiều lúc chúng ta đã phải bùi ngùi chấp nhận nhìn nó đang đi vào dĩ vãng để tạo điều kiện phát triển những dự án mới hầu đáp ứng diện mạo mới của xã hội ngày càng văn minh hiện đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối