MINH DUY -
Hai năm gần đây, Bhutan – vương quốc nhỏ nằm bên dãy núi Himalaya trở thành điểm đến không ngừng gây sốt trong giới du lịch. Tuy nhiên, “đường” để đến với quốc gia được xem là “xứ sở hạnh phúc” này không dễ dàng như những hành trình du lịch khác.
“Mốt” du lịch Bhutan
Gần đây, Hiếu, một nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh dành phần lớn thời gian rảnh để tìm hiểu các chương trình tour đến Bhutan. Cô thường xuyên chat với bạn bè qua mạng xã hội Facebook, một số “forum” (diễn đàn) về du lịch bụi và tìm kiếm các bài viết về đất nước này với mong muốn sẽ nhanh chóng đến với xứ sở hạnh phúc.
“Tôi thích những nơi còn giữ được văn hóa bản địa, thiên nhiên hoang sơ và thực sự thích thú với những chính sách để bảo vệ môi trường và văn hóa ở đây. Điểm đến này rất khác biệt và còn bí ẩn nữa nên tôi muốn đến”, cô nói và cho biết đã đi du lịch rất nhiều nơi trong nước, sang Lào, đến Myanmar...
Với nhiều công ty du lịch, Bhutan cũng là một điểm đến đặc biệt, dường như “chỉ qua một đêm” là đã có thể trở thành từ khóa của dân du lịch, không cần đến bất cứ chương trình quảng bá, xúc tiến nào tại Việt Nam.
Trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, giám đốc một công ty du lịch ở quận 1, TPHCM, cho rằng nếu như Thái Lan, Singapore hay Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất một thời gian dài cùng hàng loạt chương trình quảng bá, khuyến mãi mới thành điểm đến du lịch thì với Bhutan lại “không tốn một xu”. Xứ sở này nổi bật bởi sự huyền bí, bởi danh hiệu Vương quốc hạnh phúc và những hoạt động bảo vệ môi trường-văn hóa, được truyền bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Giám đốc phụ trách du lịch nước ngoài của Bến Thành Tourist, cho biết làm tour Bhutan rất khác biệt, tính chủ động trong việc dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp ít hơn các điểm đến khác. “Độ nóng của xứ sở hạnh phúc với khách du lịch đã khiến doanh nghiệp phải liên hệ với đối tác nước ngoài làm tour để đáp ứng chứ không phải đi qua quá trình thông thường như một số điểm đến khác là đối tác giới thiệu, cơ quan xúc tiến làm quen, hàng không tiếp cận... để cùng doanh nghiệp trong nước quảng bá, bán tour”, bà nói.
[box] Vài điều lưu ý khi du lịch Bhutan
Khi đến với “xứ sở hạnh phúc”, du khách sẽ phải tạm chia tay với những trang phục như quần short, váy ngắn, vì hầu hết những điểm tham quan như đền, chùa cấm những trang phục này.
Những người hút thuốc lá cũng phải tạm bỏ thói quen, bởi hút thuốc ở Bhutan là phạm luật, sẽ bị phạt nặng.
Bhutan là đất nước Phật giáo, đa số người dân ăn chay, tuy vẫn dùng thịt nhưng thức ăn không phong phú, bù lại nước này cho phép du khách thoải mái mang đồ ăn từ bên ngoài vào. Vì thế, khách du lịch có thể chuẩn bị đồ ăn ưa thích để mang theo khi đi tour Bhutan.
Khi mang theo các loại máy quay phim chuyên nghiệp, muốn làm phim giới thiệu du lịch thì phải xin phép Bộ Du lịch. Bạn sẽ không thoải mái quay, phát sóng trực tiếp những loại phim này như những điểm đến khác mà phải có sự kiểm soát của bộ này, thậm chí phải trả tiền bản quyền khi quay phim quảng bá du lịch.[/box]
Làm tour Bhutan không dễ
Bhutan, vương quốc được xem là “xứ sở hạnh phúc”, hàng năm đón du khách đến đây với số lượng giới hạn. Ảnh: Tuyết Mai
Hiện nay có nhiều công ty quảng cáo tour Bhutan, với chương trình phổ biến là 7 ngày 6 đêm có giá từ trên 50 triệu đồng đến hơn 60 triệu đồng/người. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có lịch khởi hành.
Sài Gòn Tiếp Thị đã thử hỏi năm công ty thì có đến ba nơi cho biết quảng cáo tour Bhutan cho có sản phẩm, phong phú lịch trình chứ chưa bán thật sự bởi giá tour khá cao, kén khách và cũng không dễ đưa du khách đến đây.
Visa và vé máy bay là hai nguyên nhân chính khiến lữ hành khó làm tour đến Bhutan. Điểm đến này không làm du lịch kiểu đại trà mà khống chế số lượng khách đến để bảo vệ môi trường. Mỗi năm, số lượng visa được cấp chỉ giới hạn trong khoảng vài trăm ngàn. Để việc kiểm soát được chặt chẽ, Bộ Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm, trực tiếp cấp visa chứ không phải Bộ Ngoại giao hay các đại sứ quán như nhiều nước khác.
“Năm ngoái, họ đã cấp visa cho 155.000 du khách, dự kiến ba năm nữa sẽ là 200.000-220.000. Tôi hỏi giám đốc tiếp thị thuộc Bộ Du lịch Bhutan là nếu khách đến nhiều hơn thì phải làm sao thì anh này cho biết Bhutan sẽ tăng giá chứ không phát triển du lịch đại trà. Du khách đến Bhutan để được hạnh phúc thì người dân cũng phải có thêm tiền, được vui vẻ vì họ đã vất vả để phục vụ khách du lịch”, bà Đặng Thị Tuyết Mai, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Bến Thành Tourist, nói với Sài Gòn Tiếp Thị sau chuyến làm việc với cơ quan quản lý du lịch và công ty lữ hành tại Bhutan để chuẩn bị cho các chương trình tour đến nước này.
Theo bà, Bến Thành Tourist là doanh nghiệp lữ hành đầu tiên tại Việt Nam có chuyến làm việc chính thức ở đây cùng với một số đại diện của cơ quan truyền thông nên được ưu đãi đặc biệt là không bị giới hạn số lượng visa vào Bhutan, cứ có khách đủ yêu cầu là được cấp. “Đây là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. Hiện nay, khách đặt tour khá nhiều, đến tận tháng 12-2016. Vào tháng 10 tới, chúng tôi sẽ có hai đoàn đầu tiên khởi hành”, bà Mai nói.
Bhutan hạn chế visa bằng quy định chi tiêu khi đi du lịch. Để đến nước này, du khách không thể tự vác ba lô đi rồi thoải mái dong ruổi khắp nơi mà buộc phải mua tour trọn gói của một công ty du lịch bản địa. Doanh nghiệp không thể hoàn toàn tự định giá tour mà phải đảm bảo quy tắc mỗi du khách chi tiêu ít nhất 200 đô la Mỹ/ngày tại Bhutan vào mùa thấp điểm và 250 đô la Mỹ/ngày vào mùa đông khách. Nếu tổng giá trị tour thấp hơn mức này, Bộ Du lịch sẽ không duyệt visa, tức là có thể quản lý theo cách mà quan chức trên vừa nói, muốn hạn chế thì sẽ thay đổi quy định tối thiểu về chi tiêu trên đầu khách.
Với công ty du lịch, sau khi hai bên trong và ngoài nước đã thỏa thuận về mức giá, đối tác Bhutan sẽ gửi mẫu xin visa qua e-mail cho công ty tại Việt Nam điền mẫu, gửi kèm ảnh và bản sao hộ chiếu của khách sang để xin visa. Từ thời điểm này, từ khâu chuyển thông tin xin visa đến khâu chuyển tiền mua tour, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không liên hệ với doanh nghiệp ở Bhutan nữa mà làm việc trực tiếp với Bộ Du lịch. Nơi này sẽ nhận tiền qua tài khoản cũng như cung cấp visa điện tử cho khách.
“Đây là cách làm du lịch rất khác biệt. Bộ Du lịch nhận tiền rồi sau khi kết thúc tour họ sẽ trả lại 63% trong tổng số tiền cho doanh nghiệp. Số còn lại, khoảng 2% là tiền thuế và khoản lớn khác dùng để đầu tư cho giáo dục và y tế. Du khách không được hoàn trả lại số tiền đã mua tour trong bất cứ trường hợp nào trừ khi dịch vụ trong tour quá tệ, khách đòi bồi thường”, bà Mai của Bến Thành Tourist nói.
Một điều khá khó khăn nữa khi làm tour Bhutan là thiếu vé máy bay. Để đến vương quốc này, từ Việt Nam, du khách thường phải sang Bangkok (Thái Lan), lưu lại một đêm rồi đến Bhutan bằng máy bay của Hãng hàng không Hoàng gia Bhutan – DrukAir. Chỉ có hãng này mới được phép thực hiện các chuyến bay quốc tế đến đây nên luôn có tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu và du khách thường phải chờ vé để lên đường.
Sau một thời gian tìm hiểu về Bhutan, Hiếu, cô nhân viên văn phòng vừa kể trên quyết định dời kế hoạch đến Bhutan sang năm sau, thay vì năm nay bởi chi phí quá cao mà những người du lịch bụi như cô không thể tiết kiệm tiền bằng chuyến đi “bụi” hoàn toàn. “Bhutan vẫn thôi thúc tôi nhưng đành phải dời lịch lại. Tôi phải để dành thêm tiền bởi không thể tự tổ chức chuyến đi, nhưng tôi vẫn sẽ lên đường”, cô nói.