ThS. Ngô Hoài Sơn (Học viện Hành chính Quốc gia) -
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” có lẽ là câu nói cửa miệng luôn đúng cho vấn đề tiền lương của cán bộ, công chức và viên chức. Sau 15 năm, mức lương cơ bản trong các cơ quan nhà nước tăng khoảng 5,2%; trung bình mỗi năm tăng chỉ gần 0,4%. Mức lương liên tục thấp, tốc độ tăng rất chậm, chỉ có giá cả sinh hoạt là tăng mạnh theo mức độ phát triển kinh tế xã hội.
Hai năm vừa qua Nhà nước không tăng lương, quyết định tăng lương vào năm 2016 được Quốc hội và Chính phủ thảo luận, tính toán rất kỹ lưỡng. Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, nợ công nhiều, 11.000 tỉ đồng để tăng lương tối thiểu thêm khoảng 60.000 đồng/tháng là một cố gắng cần được cảm thông.
Có nhiều lý do khiến ngân sách eo hẹp, khó tăng lương. Trước hết là do công tác thu thuế không đảm bảo, để xảy ra tình trạng trốn thuế, không đóng thuế. Tiếp theo là sự hoạt động không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, đến mức Bộ Tài chính đề xuất xóa khoản tiền 10.000 tỉ đồng thuế và tiền phạt do chậm nộp thuế, mà các doanh nghiệp khối này làm ăn thua lỗ đang “mắc nợ”, mặc dù họ có nhiều lợi thế ưu đãi. Thứ ba là lãng phí, sử dụng ngân sách nhà nước không hiệu quả. Thứ tư là tham nhũng còn nhiều…
Biện chứng tiền lương-lao động
Dù thông cảm trong bối cảnh như nêu trên, nhưng khi tiền lương không tương xứng với sức lao động thì thực tế cho thấy nhiều cán bộ, công chức đối phó ngược lại: chỉ cung cấp sức lao động tương xứng với tiền lương. Họ đi sớm về trễ, không chuyên tâm vào công việc, thái độ cau có, gắt gỏng, hạch sách người dân...
Ngoài ra, áp lực cuộc sống buộc họ phải chân trong chân ngoài. Người không có chân trong chân ngoài thì dựa vào nguồn thu nhập chính của vợ/chồng, hoặc của những thành viên khác trong gia đình.
Lương thấp tại sao không đi chỗ khác? (Thực ra, nhiều người có năng lực xuất sắc thì họ cũng đã đi rồi). Sở dĩ nhiều người không đi vì dù sao làm trong Nhà nước cũng được cái “oai”, lương không cao nhưng có nhiều mối quan hệ có thể tạo ra nhiều tiền, công việc lại ổn định, và có thể chân trong chân ngoài để tăng thêm thu nhập. Tính đi tính lại vẫn có nhiều lý do để làm việc cho Nhà nước.
Bây giờ, nếu Nhà nước tìm cách thắt chặt thời gian làm việc, quản lý chặt chẽ kết quả làm việc để có hiệu quả cao, không cho chân trong chân ngoài, không tạo điều kiện để biến các mối quan hệ thành những nguồn thu nhập, tính ổn định không còn, thì với mức lương hiện tại, e rằng lúc đó Nhà nước khó có thể tuyển được người.
Bài toán tiền lương
Từ những nhận định như vậy, có thể thấy rằng muốn nhận được một kết quả lao động tương xứng, năng suất cao, cần trả cho cán bộ, công chức, viên chức mức lương tương xứng. Theo các lý thuyết về kinh tế lao động, năng suất lao động cao tác động trở lại làm tăng nguồn thu của Nhà nước, tăng ngân sách. Đó là cách tăng lương bền vững và chắc chắn. Khi cán bộ, công chức “tự bơi để sống” với mức lương rất thấp thì xã hội sẽ mỉm môi khi nghe một cán bộ, công chức nào đó trả lời rằng có thể sống được bằng tiền lương.
Thu, chi hiệu quả; đầu tư hiệu quả; thực hiện các chính sách hiệu quả; chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả… để đảm bảo tăng lương đột biến, giúp cán bộ, công chức sống tốt bằng tiền lương; cùng với những kỹ luật sắt để buộc họ phải tạo ra hiệu quả tương xứng là biện pháp bền vững. Thật khó đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức quá nhiều khi họ không sống được bằng lương. Hãy cho họ sống tốt bằng lương để họ sợ bị mất cái tốt đó và ra sức giữ nó bằng cách hoàn thành tốt công việc của mình.