Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

DUT 2019 – 3 điều cần lưu ý để về đích an toàn

(SGTTO) – Chỉ còn vài ngày nữa giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail 2019 (DUT 2019) sẽ được khai mạc tại thành phố Đà Lạt. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, các vận động viên cần lưu ý những điều sau đây để về đích DUT 2019 an toàn.

Sự kiện chạy bộ đường mòn rừng (DUT 2019) và đạp xe địa hình Dalat Victory Challenge (DVC) 2019 sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 15 đến 17-3 với các cự ly chạy bộ và đạp xe khác nhau dành cho các vận động viên không chuyên, vận động viên bán chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp, các câu lạc bộ chạy bộ, trường học, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh khuyên không nên tăng tốc đột ngột khi chạy Marathon vì việc này khiến cơ thể sẽ sớm bị cạn kiệt nguồn năng lượng.

Để các vận động viên an toàn vượt qua cuộc hành trình xuyên qua những rừng thông bạt ngàn khi chạy bộ hay qua một cung đường có địa hình phức tạp của Đà Lạt bằng cách đạp xe, Sài Gòn Tiếp Thị mời quý bạn đọc tham khảo những lời khuyên sau đây của Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM.

Cần khám sức khỏe trước

Cung đường chạy bộ ở Đà Lạt được cho là một cung đường chạy bộ không phải là quá khó vớ những vận động viên chuyên nghiệp từng tham gia các giải chạy tương tự nhưng là một cung đường đầy sự thách thức do địa hình đa dạng. Nên câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các vận động viên biết mình có phù hợp để tham gia các giải chạy đường trường ở các vùng đồi núi cường độ cao như vậy? Theo bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, cơ thể chúng ta giống như một bộ máy thống nhất của các hệ tim mạch, hô hấp, hệ nội tiết… Không phải một vận động viên có cơ bắp mạnh là chạy được, có một trái tim khỏe cũng chưa đủ sức để chạy nếu hệ cơ, xương khớp không tốt.

Các vận động viên khi tham gia các môn thể thao có cường độ cao – cụ thể là chạy bộ ở các cự ly 10, 21, 42 và 70km hay đạp xe ở các cự ly 42km và 70km – muốn biết mình có đủ điều kiện chạy hay không trước hết phải đi kiểm tra sức khỏe. Điều này rất cần thiết vì thường chỉ khi tham gia các môn thể thao có thử thách lớn những khiếm khuyết trong cơ thể mới bộc lộ ra. Các bạn cần phát hiện ra những điểm này trước khi quyết định cuộc thử thách.

Hiện nay, ở khoa tim mạch của các bệnh viện, trung tâm khám sức khỏe có máy đo nhịp tim giúp kiểm tra tim mạch, kiểm tra hệ dẫn truyền tim của bạn có vấn đề gì hay không, khoa hô hấp giúp đo hô hấp ký để xác định liệu dung tích thở của bạn có đáp ứng được nhu cầu oxy trong một cuộc thi lớn hay không. “Món” thứ ba rất quan trọng cần khám là hệ cơ xương khớp. Bạn sẽ được kiểm tra bằng cách chạy thử trên máy chạy, bác sĩ sẽ khám dây chằng, bao khớp có đủ vững hay không, kể cả chụp phim Xquang, hoặc chụp MRI để kiểm tra xem các sụn của bạn có ổn để chạy hay không.

Đặc biệt, các vận động viên phải được luyện tập và thử chạy bộ trên máy, chạy bộ ở ngoài trời để cơ thể thích nghi dần. Nếu cơ thể có một khiếm khuyết nào đó, nhưng được tập luyện mỗi ngày thì những bộ phận khác sẽ hỗ trợ và bù trừ cho bộ phận bị khiếm khuyết.

Sau khi kiểm tra hết các cơ quan quan trọng nói trên, lúc đó các vận động viên sẽ biết mình có đủ điều kiện để tham gia các cuộc chơi hay không. Đặc biệt, với những môn chạy thử thách quá lớn về sức khỏe trong cự ly 21km, 42km, các bạn trẻ, người ở độ tuổi trung niên muốn chơi những giải lớn như vậy phải có thời gian chuẩn bị càng dài. Ví dụ, giải Marathon 42km vận động viên phải tập luyện cả năm trước đó chứ không phải luyện tập và đăng ký tham gia trong thời gian ngắn.

Chạy đều

Khi tham gia giải chạy đường dài, các vận động viên không nên tăng tốc đột ngột vì cơ thể của chúng ta vận động sẽ lấy đi năng lượng từ nguồn dự dữ glycogen ở gan và ở những mô khác, năng lượng này được sử dụng khoảng 30 phút đầu tiên cho đến một giờ và cạn kiệt. Sau đó, cơ thể tiếp tục lấy năng lượng từ những mô khác như chuyển hóa từ mô mỡ, cơ… Các cơ này giải phóng năng lượng sẽ chậm hơn và không có khả năng duy trì lâu dài cho việc tăng tốc quãng đường dài được nên các vận động viên sẽ bị đuối sức, một số người phải bỏ cuộc chơi sớm.

Do đó, khi quyết định tham gia giải đường trường, vận động viên cần phải chạy đều để cơ thể phóng thích năng lượng một cách từ từ, không nên chạy nhanh hết sức ngay sau khi xuất phát và chỉ một giờ sau không còn năng lượng glycogen nữa. Do đó, khi quyết định chạy đường trường, các vận động viên nên phân bố sức từ từ, không tăng sức quá nhanh, cũng không đi bộ, phải chạy đều.

Nghỉ theo chặng và nạp năng lượng

Do chạy đường trường hiểm trở, nên các vận động viên cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt, ở Việt Nam thời tiết nóng ẩm sẽ làm cơ thể thoát mồ hôi nhiều sẽ làm cơ thể mất nước. Các vận động viên lúc này phải uống nước gấp đôi, gấp ba để bù cho lượng nước mất đi. Carbohydrate cung cấp đường nhanh nhất, những loại nước uống có đường lúc này sẽ bổ sung năng lượng và làm cho não bộ hoạt động tinh tế, minh mẫn hơn, đồng thời, cung cấp năng lượng cho cơ hoạt động.

Ngoài ra, khi chạy lượng mồ hôi thải ra nhiều sẽ mất điện giải như natri, kali, magie, những vi khoáng… Do vậy, các vận động viên cần có các loại nước khoáng cung cấp lại những ion cần thiết cho cơ thể để không bị tụt giảm như mỏi cơ, chuột rút và bỏ cuộc.

Khi tham gia giải Marathon trên đường trường, các vận động viên nếu không nghỉ ngơi cũng nên đi bộ một đoạn để nạp năng lượng, như trái cây, nước uống nhằm hỗ trợ cơ thể chạy lâu hơn. Lưu ý, các vận động viên không nên ăn những thực phẩm khó tiêu như bánh mì thịt… vì máu sẽ dồn xuống dạ dày để tiêu hóa nên sẽ vận động kém hơn.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối