Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025

Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Thuỳ Dung thực hiện-

Đánh giá về chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam, những người trong ngành cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản chính là điểm yếu nhất của ngành nông sản Việt Nam. Do đó, nếu muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể có cơ hội xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có thị trường Mỹ. Điều quan trọng phải làm là truy xuất nguồn gốc và đánh giá được rủi ro tiềm tàng trong chuỗi sản xuất. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Công ty TNHH Customs, Trade&Risk Management Services, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hoá toàn cầu.

Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang bị dư thừa sản xuất, trong đó có thịt heo. Khả năng nào cho thịt heo Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường các nước khác, cụ thể là Mỹ?

Ông Nestor Scherbey: Việt Nam có thể xuất khẩu thịt heo sang Mỹ giống như chúng tôi xuất khẩu mặt hàng thịt gia cầm, thịt bò... sang Việt Nam. Nhưng cần lưu ý, hiện nay giá thịt heo trong nước đã thấp hơn giá thành rất nhiều, do đó nếu xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị điều tra thuế chống bán phá giá. Và nếu đúng như vậy, thịt heo Việt Nam có thể bị áp thuế chống bán phá giá rất cao. Trong trường hợp này tôi không nghĩ đây là giải pháp hay.

Đặc biệt, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh liên quan tới việc giám sát chặt chẽ hơn tới hàng hóa có dấu hiệu phá giá, trợ cấp. Do đó, nếu như trước kia những quy định này chưa được thực thi nghiêm thì nay các quan chức Mỹ sẽ để ý kỹ hơn.

Bên cạnh đó, thịt heo của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ còn phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 1-9 tới. Nếu như trước kia xuất khẩu nông sản vào Mỹ đã khó thì giờ đây việc xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn với nhiều quy định phức tạp và tốn kém.

NestorScherbeyÔng Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Công ty TNHH Customs, Trade&Risk Management Services

Ông có thể nói rõ hơn về Luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ và làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường này không, thưa ông?

- Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm FSMA là một cải cách sâu rộng nhất trong luật an toàn thực phẩm của Mỹ trong hơn 70 năm qua, và theo nguyên tắc chuyển từ “phát hiện” tại cửa khẩu sang “ngăn ngừa”. Luật này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 9 năm nay.

FSMA tiếp cận giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm thông qua phòng ngừa mọi rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường.

Do đó, khác với trước kia, hàng hóa chỉ kiểm tra ở cửa khẩu, quy định mới này sẽ phân bổ áp lực cho tất cả các nhân tố trong chuỗi bao gồm các nhà bán lẻ của Mỹ, nhà phân phối, nhà nhập khẩu và trách nhiệm được chuyển về nhà sản xuất đầu vào, chế biến, đóng gói với nhiều quy định khắt khe, phức tạp.

Hiện nay tại Mỹ có hai cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm là FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) và USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ). Trong đó, USDA kiểm tra 100% sản phẩm liên quan tới thịt, gia cầm, sản phẩm sữa và rau quả. FDA kiểm tra các loại nông sản chế biến khác.

Trước kia, FDA bị chỉ trích vì chỉ kiểm tra 2% lô hàng nhập khẩu nên có thể tạo ra các rủi ro về an toàn thực phẩm. Bây giờ, với cách tiếp cận mới, họ sẽ tăng cường số lượng kiểm tra lô hàng hơn và với tần suất phụ thuộc vào mức độ rủi ro của từng mặt hàng và từng nhà nhập khẩu. Rõ ràng, càng kiểm tra nhiều thì rủi ro các lô hàng bị trả về càng cao.

Ông đánh giá như thế nào về hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam và ông có gợi ý gì để nông sản Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường Mỹ?

- Vấn đề chính của nông sản Việt Nam là khả năng truy xuất nguồn gốc còn yếu. Do đó, khi có vấn đề về an toàn thực phẩm xảy ra thì sẽ không thể biết nguyên nhân vì sao và có giải pháp để khắc phục tránh tình trạng trên tái diễn. Thực tế, ngành sản xuất thực phẩm của Việt Nam thể hiện sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Cả nông dân và thương lái đều không biết gì về nguồn gốc các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Và họ sử dụng quá nhiều so với mức cần thiết với hy vọng rằng sẽ làm tăng sản lượng nhưng thực tế không phải vậy.

Tôi đã biết có doanh nghiệp cà phê lớn hướng dẫn người dân thực hành trồng cà phê. Một bên là thực hành nông nghiệp tốt và một bên là canh tác truyền thống. Bên thực hành nông nghiệp tốt vừa cho năng suất cao nhưng lại sử dụng ít nước, ít phân bón và hoá chất. Do đó, những mô hình này cần phải được phổ biến ở mức độ lớn hơn và có thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc một hiệp hội nào đó đứng ra tổ chức.

Trên thực tế, không chỉ Mỹ mà các nước phát triển khác như EU, Nhật Bản, Canada đều đang áp dụng những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm khá tương đồng so với Mỹ. Do đó, nếu biết hài hòa quy định trong nước và các quy định quốc tế, Việt Nam sẽ không chỉ xuất khẩu được nông sản sang nhiều thị trường khó tính mà ngay cả thị trường trong nước, người dân cũng có thể được hưởng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Do đó, việc cần làm hiện nay là cơ quan nhà nước phải có nghiên cứu thật đầy đủ về những quy định phức tạp và khắt khe của FSMA và phổ biến tới tất cả những doanh nghiệp, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Ba năm trước, số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về khoảng gần 900 lô (shipments), cao thứ hai trong số các nước xuất sang Mỹ. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do còn tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, cũng có những lô hàng bị trả về do khâu đóng gói và bao bì.

Tôi biết có một doanh nghiệp rất lớn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về chỉ vì thông tin về hàm lượng các chất trong cà phê không đầy đủ liên quan tới hàm lượng và các chất có thể gây dự ứng cho người tiêu dùng. Và khi đã bị trả về thì thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp phải thực sự hiểu về luật pháp thì hãy xuất khẩu sang Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối