KIM BA -
Nghiên cứu mới đây của Úc cho thấy rạn san hô Great Barrier Reef đang bị đe dọa nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu.
Ảnh hồi tháng 12-2014 (trái) và tháng 2-2015 cho thấy rạn san hô bị tẩy trắng ở Thái Bình Dương, gần đảo Samoa.
Hồi tháng ba vừa qua, các nhà khoa học Úc vẫn còn hy vọng rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef (GBR) nằm ở Đông Bắc của Úc có thể ít bị tác động bởi El Nino, là hiện tượng khí hậu khiến dòng nước ở vùng gần xích đạo trên Thái Bình Dương ấm lên. Nhưng đến cuối tháng ba vừa qua, các thợ lặn nước này đã phát hiện đa số san hô ở phía Bắc GBR bị tẩy trắng do mất tảo. Nhiều phần của rạn san hô này bị chết.
Terry Hughes, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về rạn san hô tại Úc, cho biết chỉ có bốn trong 520 cụm san hô không bị tẩy trắng. Đội của ông đã kiểm tra 1.000 km trong 2.300 km chiều dài của GBR trong bốn ngày. Rạn GBR chỉ bổ sung vào danh sách những rạn san hô bị trắng vì El Nino gây ra bắt đầu từ cuối năm 2014. Nhưng GBR hiện là rạn san hô dài nhất bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia khí tượng, cho dù El Nino hiện đang suy yếu nhưng ảnh hưởng của nó có thể gây trắng san hô cho đến năm sau.
Mark Eakin, nhà sinh thái học của Mỹ cho rằng còn quá sớm để so sánh trường hợp của GBR với hiện tượng san hô bị chết hàng loạt hồi năm 1998, lúc ấy có đến 16% san hô trên toàn cầu bị chết. Nếu tình trạng san hô bị tẩy trắng vẫn tiếp tục diễn ra thì các rạn san hô sẽ có nguy cơ bị chết và không có khả năng phục hồi. Thậm chí, Hoegh-Guldberg, Giám đốc Viện Biến đổi khí hậu ở Queensland, Úc, cho rằng thế giới đến năm 2040 sẽ hoàn toàn không còn san hô.
San hô sống cộng sinh với các loài tảo biển đặc trưng với nhiều màu sắc sặc sỡ (có tên khoa học là zooxanthellae). Các loài tảo biển này quang hợp ánh sáng để tạo chất dinh dưỡng tự nuôi chúng và nuôi san hô. Khi nước biển nóng lên, san hô tống zooxanthellae ra và chuyển sang màu trắng. Nếu nước biển mát lại kịp thời thì tảo biển sẽ quay lại. Nhưng nếu san hô bị trắng lâu thì chúng có thể bị chết. Nếu san hô chết thì rạn san hô không còn là nơi trú ngụ lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển và ảnh hưởng trầm trọng đến tính đa dạng sinh vật biển.
Tình trạng tẩy trắng san hô thỉnh thoảng xảy ra bởi vì khí hậu ở từng vùng thay đổi. Ví dụ năm 2002, thời tiết tại Úc nóng hơn bình thường khiến GBR bị tẩy trắng rất nhiều. Nhưng El Nino đã ảnh hưởng đến cả nhiệt độ của biển Thái Bình Dương và khí hậu toàn cầu. Năm 1998 là năm kỷ lục về san hô bị tẩy trắng do El Nino. Đến năm 2010, El Nino lại khiến các rạn san hô toàn cầu bị tẩy trắng một lần nữa. Tháng 11-2015 đến nay, lần lượt các rạn san hô ở Hawaii, Fiji và New Caledonia bị tẩy trắng. Các chuyên gia dự đoán tình trạng này đang diễn ra ở Nam bán cầu và có xu hướng đi dần lên phía Bắc bán cầu, ảnh hưởng đến biển Ấn Độ Dương và vùng Caribê vào hè năm nay.
Các nhà khoa học Úc đưa ra thang điểm từ 0 tới 5, trong đó điểm 0 là không bị tẩy trắng, điểm 3 là bị tẩy trắng từ 30% đến 60%, điểm 4 là hơn 60%. Năm nay, rặng GBR có đến 95% điểm từ 3 đến 4. So với năm 2002, chỉ có 18% rạn san hô này bị tẩy trắng. Các nhà khoa học vẫn chưa ước định được chính xác sẽ có bao nhiêu san hô tại GBR bị chết. Nhưng có một dấu hiệu khả quan là những san hô phía xa về hướng Bắc trong rạn GBR lại sống rất khỏe và tuy bị tẩy trắng nhưng phục hồi nhanh.
Một số nghiên cứu về san hô bị tẩy trắng cũng cho rằng có vài yếu tố khác tác động, bên cạnh biến đổi khí hậu, như khoảng cách từ rặng san hô đến bờ biển, chất lượng nước, tác động của ngư dân đánh bắt cá và du lịch. Trong số này, các nhà khoa học cho rằng chất lượng nước là yếu tố quan trọng hơn cả. Nhưng để cải thiện chất lượng nước thì cần giảm lượng khí thải cacbon dioxide (CO2), mà hội nghị Paris về biến đổi khí hậu năm ngoái đã yêu cầu các quốc gia cam kết. Các nhà khoa học hy vọng tiếng nói của 500 triệu người dân toàn cầu đang sống dựa vào các rạn san hô sẽ được lắng nghe. Tổn thương của GBR và các rạn san hô khác đã cho con người một ví dụ rõ hơn nếu không hành động vì môi trường.