THÁI NGỌC -
Nhiều cửa hàng bán bản đồ, cả nhà xuất bản cấp phép in bản đồ cho biết việc bán ra và in ấn bản đồ giấy giảm đi rất nhiều, sau khi có sự ra đời của bản đồ số với những tiện ích vượt trội của nó.
“Hơn chục năm trước mỗi ngày bán chục tấm bản đồ cho khách du lịch tự do là chuyện thường, nhưng hai ba năm gần đây cả tháng có khi không bán được cái nào. Giờ đa số khách du lịch đến đây xài bản đồ trên điện thoại, máy tính bảng. Số bản đồ giấy này bày ra cho có và hàng cũ tồn lại chứ lâu rồi không lấy thêm”, anh Duy, chủ cửa hàng Hoàng, tại địa chỉ 60 đường Bùi Viện quận 1, TPHCM nói về sự thất thế của bản đồ giấy.
Chị Trúc, buôn bán các loại sách hướng dẫn du lịch, đồ lưu niệm và cả bản đồ TPHCM ngay đầu đường Lê Lợi, gần chợ Bến Thành, quận 1 cho biết khoảng 7-8 năm về trước mỗi ngày bán được trên cả chục bản đồ cho cả khách du lịch, lẫn người ở tỉnh mới đến thành phố, nhưng mấy năm gần đây có khi cả tháng không bán được cái nào.
Trong Bưu điện TPHCM, nhân viên bán hàng lưu niệm cũng cho hay khoảng 5-7 năm trở lại đây lượng bản đồ giấy bán ra giảm hơn phân nửa so với trước. Mà đa số khách mua để làm quà lưu niệm chứ không phải để xem.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, một đại diện của Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam, đơn vị xuất bản nhiều loại bản đồ cho biết, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng lượng in và phát hành bản đồ giấy thông thường về giao thông, du lịch trong những năm gần đây giảm hẳn. Nhà xuất bản chỉ còn phát hành bản đồ kỹ thuật chuyên ngành là chủ yếu.
Nói về chuyện thất thế của bản đồ giấy, bà Lê Thị Thu Hồng, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Giao thông vận tải, đơn vị cấp phép phát hành bản đồ giao thông, du lịch tại TPHCM và các vùng lân cận cho biết nhà xuất bản không trực tiếp xuất bản mà cấp phép cho đơn vị khác in ấn, xuất bản dưới dạng sơ đồ hướng dẫn giao thông và du lịch. Khoảng 7-8 năm trở về trước có nhiều đơn vị đến xin được cấp phép để in sơ đồ hướng dẫn này, nhưng những năm gần đây chỉ có một đơn vị. Trước đây mỗi năm cấp phép vài ba lần, nhưng năm ngoái chỉ được một lần, năm nay đến thời điểm này chưa có lần nào.
Ông Hà, giám đốc một đơn vị tư nhân trực tiếp xin phép xuất bản, bỏ tiền in và phát hành bản đồ giao thông, du lịch ở TPHCM và phụ cận chia sẻ, trước đây mỗi năm ông in vài chục ngàn bản, nhưng năm vừa rồi chỉ in được chưa tới 5.000 bản, năm nay chắc cũng không in được cái nào.
Dù thừa nhận có giảm đi, nhưng bà Hồng, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cho rằng bản đồ giấy sở dĩ vẫn còn đất sống vì không phải ai cũng có đủ điều kiện tiếp cận, sở hữu các thiết bị công nghệ để dùng bản đồ số.
Tuy vậy đây là vấn đề hiện tại, còn trong tương lai, với sự phát triển nhanh của công nghệ thì khả năng bản đồ giấy còn tồn tại được là không đơn giản.
[box type="download"] Bản đồ số: Nhiều tiện ích
Bản đồ số đang rất phổ biến, dễ dàng truy cập trên web, hoặc qua các ứng dụng cài đặt sẵn trên các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng. Trên bản đồ còn có cả thiết bị dẫn đường chuyên dụng, thường tích hợp trên các phương tiện giao thông. Bản đồ số phổ biến trên thế giới mà nhiều người dùng là Google Maps, Apple Maps, Bing Maps, Here Maps… Các sản phẩm nội địa trong nước có thể kể đến vietbando.com, diadiem.com, Vietmap…
Với bản đồ trực tuyến dễ dàng xác định được vị trí đang đứng và tìm kiếm vị trí cần đến, biết trước đoạn đường sắp đi dài bao nhiêu, lộ trình từng con đường, tổng độ dài hành trình. Bản đồ này cũng cho phép tìm kiếm những dịch vụ xung quanh. Chỉ cần một điện thoại, máy tính, đi tới bất kỳ đâu, ở quốc gia nào người dùng khó lo bị lạc, lo đói, hay thiếu chỗ ngủ vì đã có phần mềm chỉ địa điểm, quán ăn, khách sạn… Thậm chí Google Maps còn cho phép tìm đường mà không cần kết nối với Internet.
Bản đồ số còn cho phép khai thác những dịch vụ gia tăng như Uber, GrabTaxi dùng để gọi taxi, xe ôm; hay ứng dụng giải trí dựa vào vị trí địa lý Google Ingress...[/box]