Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Facebook hạn chế chia sẻ đường dẫn, người dùng sẽ ra sao?

(SGTTO) - Từ ngày 1-10-2020 sắp tới, Facebook có thể gỡ bỏ hoặc chặn những nội dung có thể gây ra rủi ro pháp lý cho họ, ngay cả khi nếu nội dung đó không hề bất hợp pháp.

Mạng xã hội này nói rằng sự thay đổi của các điều khoản toàn cầu cho phép họ được phép làm bất cứ điều gì để duy trì các mục tiêu kinh doanh của mình trong một môi trường pháp lý luôn biến động.

Tuyên bố của Facebook diễn ra trong bối cảnh các thương hiệu lớn trên thế giới đang quay lại quảng cáo trên nền tảng này và nhiều nước trên thế giới bắt đầu nhăm nhe tìm cách thu thuế các đại công ty như Facebook, Google…

Vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”?

Một người dùng facebook chia sẻ đường dẫn (link) bị facebook báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Ảnh chụp màn hình.

Trong thông báo gửi người dùng hôm 1-9, Facebook nói rõ: “Chúng tôi cũng có thể xóa bỏ hoặc ngăn chặn truy cập tới các nội dung, dịch vụ và thông tin của bạn, nếu chúng tôi xác định được rằng nó là cần thiết để giảm tải hoặc né tránh các rủi ro pháp lý đối với Facebook”.

Facebook cho biết rằng các điều khoản này sẽ cho phép họ chặn việc chia sẻ tin tức từ những người dùng và các hãng truyền thông ở Úc. Tuy nhiên, người phát ngôn của Facebook đã nói rằng điều khoản này sẽ được áp dụng toàn cầu chứ không phải chỉ ở Úc.

Tuy nhiên, hãng tin AFP nói rằng các hạn chế đã bắt đầu thực hiện từ ngày 5-9 và sẽ mở rộng dần quy mô toàn cầu vào ngày 1-10 tới.

Nhưng những hạn chế đó không phải là trải nghiệm quá xa lạ với người dùng. Những ai chia sẻ thường xuyên các đường link trong những năm qua đều vài lần bị Facebook nhắn gửi là vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”.

Facebook có cho phép người dùng khiếu nại khi bị “dán nhãn” vi phạm. Nhưng gỡ bỏ cáo buộc này thường rất mất thời gian.

“Chung quy là tại quy định và thực hiện là do các thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo của hãng này. Còn có gỡ bỏ hay không lại do nhân viên của các văn phòng khu vực của Facebook giải quyết. Trong trường hợp Việt Nam thì do văn phòng ở Singapore phụ trách”, một chuyên gia công nghệ tại TPHCM giải thích.

Cả thế giới muốn thu thuế, chia lợi nhuận

Dự luật của Úc buộc Facebook ra tay thực hiện chiến dịch kiểm soát việc chia sẻ tin tức trên toàn cầu từ 1-10 sắp tới - Ảnh: Reuters

Quy định mới của Facebook là nhằm trả đũa với một dự luật của Úc buộc Facebook và Google chia sẻ lại một phần doanh thu quảng cáo kỹ thuật số cho báo chí Úc. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của một quốc gia nhằm kìm hãm sức mạnh của các hãng đại công nghệ với ngành truyền thông.

“Đã đến lúc các nền tảng công nghệ sẽ phải chấm dứt những ngày sống nhờ miễn phí nội dung của người khác. Họ kiếm được lợi nhuận khủng từ việc khai thác nội dung tin tức do người khác tạo ra. Và họ phải thôi bác bỏ sự thật cơ bản này”.

Phải mất một thời gian khá lâu để dự luật được phê chuẩn. Một trong các điều khoản của bản dự thảo nói rõ: Nếu hai hãng công nghệ và các tờ báo không thể đạt thỏa thuận về mức chi trả trong vòng ba tháng, một ủy ban trọng tài của chính phủ sẽ quyết định vụ này trong 45 ngày làm việc.

Dự luật được đề xuất vào tháng 4 vừa rồi. Lúc đó, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg nói: “Đây thật sự là trận chiến có ý nghĩa mà chúng ta cần chiến đấu tới cùng”.

Ông Frydenberg chỉ rằng 47% doanh thu quảng cáo của báo chí Úc đã chạy vào túi Google, và 24% với Facebook. Theo những tính toán của Văn phòng Quảng cáo Tương tác có trụ sở tại Mỹ, thị trường quảng cáo Úc ước lượng đạt 7,4 tỉ đô la Úc mỗi năm, không tính các quảng cáo bất động sản và quảng cáo mà người dùng chủ động xem. Trong số này, Google kiếm được 3,5 tỉ, còn Facebook bỏ túi 1,8 tỉ đô la Úc.

Các hãng truyền thông Úc nói họ muốn các gã công nghệ khổng lồ chia sẻ 10% doanh thu. Đây là mức dựa trên tính toán là 8-14% tìm kiếm trên Google là nhắm vào tin tức.

Không chỉ Úc, nhiều nước đã và đang nhăm nhe bắt các hãng công nghệ đóng thuế hoặc chia sẻ lợi nhuận.

Năm 2013, Đức thông qua dự luật buộc các nền tảng trả phí vì đăng tải tin tức. Nhưng lượng xem các trang tin đã giảm nhanh chóng, buộc các hãng truyền thông phải cho các hãng công nghệ xài miễn phí. Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua luật sửa đổi về bản quyền vào tháng 4-2019, đòi hỏi các hãng công nghệ phải trả phí sử dụng tin tức. Tháng 10 năm ngoái, Pháp ra luật riêng dựa trên nền tảng của EU, nhưng Google vẫn chưa trả tiền. Chính phủ nước này hiện thúc giục hai bên thảo luận các giải pháp.

Ở khu vực Đông Nam Á, chính phủ Indonesia công bố sẽ thu thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với Amazon, Google, Facebook, Netflix và Spotify kể từ 1-8. Đây được xem là biện pháp để bù đắp các thất thu ngân sách lên đến 13% trong năm nay do dịch Covid-19. Thâm thủng ngân sách của đất nước này có thể đạt đến 1 triệu tỉ rupiah, gần 70 tỉ đô la, tương đương 6,34% GDP.

Bên cạnh đó, Quốc hội Philippines cũng đang thảo luận mức thu 10% VAT đối với Facebook, Google và Netfix.

Cuộc chiến khốc liệt?

Facebook đang gặp khó trong năm nay. Các thương hiệu toàn cầu tẩy chay quảng cáo từ đầu tháng 7 đến nay làm ông chủ Mark Zuckerburg thiệt hại hơn 7 tỉ đô la. Dù nhiều hãng đã quay lại, nhưng các thương hiệu lớn như CocaCola, Pepsi, Adidas, Lego, các nhãn chocolate của Hershey và các trò chơi của PlayStation vẫn chưa có quyết định dừng tẩy chay.

Facebook cũng mất đi một khoản lớn lợi nhuận trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 sắp tới khi tự kềm chế mình bằng cách không chạy quảng cáo của bất cứ đảng phái, doanh nhân hay cá nhân trong tuần cuối trước bầu cử.

Nay, dự luật của Úc khơi ngòi cho cuộc chiến mới mà cả thế giới có thể cùng lúc tham gia. Facebook phản ứng rằng dự luật của Úc là không công bằng và sẽ bị các đơn vị truyền thông Úc ấn định mức phí mà các công ty này muốn. Facebook nói nếu dự luật thông qua, hãng sẽ đi một bước chưa có tiền lệ là ngăn cản người dùng tại Úc chia sẻ tin tức trên hai nền tảng mạng xã hội thuộc quản lý của họ là Facebook và Instagram. Và quy mô này sẽ là áp dụng toàn cầu với 10 tỉ tài khoản các mạng xã hội mà Facebook quản lý.

Dĩ nhiên, một cuộc chiến toàn cầu giữa các gã công nghệ khổng lồ và chính phủ các nước sẽ bùng nổ. “Nếu Úc và châu Âu cùng phối hợp, sẽ có cơ hội các hãng đại công nghệ sẽ xem xét trả tiền”, giáo sư Naoto Ikegai, một chuyên gia về luật công nghệ tại Đại học Toyo của Nhật Bản, giải thích với báo Nikkei Asian Review.

Báo này cũng bình luận rằng: “Nhưng vấn đề có thể thành xung đột ngoại giao giữa Mỹ và các nước khác khi Washington xem xét các biện pháp trả đũa đối với những gì mà các hãng con cưng của họ bị đối xử”.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 trên thế giới của Facebook với gần 60 triệu tài khoản. Trong khi đó, TPHCM xếp cuối trong bảng Top 10 với 13 triệu người dùng.

Ricky Hồ

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối