Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Gà đặt hàng, heo gửi nuôi

DIỆU THUẦN -

Dù chưa phải là một trào lưu quá lớn nhưng cũng đã có một số người sống tại Sài Gòn cùng nhau tập hợp lại để tìm kiếm cho mình những nguồn thực phẩm mà họ cảm thấy an toàn.

Chung tiền nuôi heo

1-(2)

Từ ngày đặt được mối nuôi heo, gà, mối mua cá, các loại trái cây chị Phượng (quận 11) không phải bận bịu việc đi chợ, chọn thực phẩm sạch cho gia đình nữa. Cứ mỗi chiều đi làm về, mở tủ lạnh, rã đông đồ ăn, xào xào, nấu nấu là có một bữa cơm “sạch” cho gia đình. Chị Phượng cho biết, chị đặt được mối nuôi heo, gà ở quê được ba bốn năm nay. Nơi chị nhờ nuôi là một cơ sở ở quê chị, tỉnh Tiền Giang. Chị và một vài người bạn nữa đóng phí chung cho người dưới tỉnh nuôi, khi làm thịt thì chia nhau cho cả nhóm.

Để đi đến thống nhất cho “ra đời” một con heo, con gà không chất tăng trưởng, giữa người đặt nuôi và người nuôi phải có cam kết với nhau. Có nghĩa rằng, bên nhận nuôi sẽ đưa ra giống, bên gửi nuôi đồng ý rồi đi đến đánh ký hiệu cho con vật. Trong cam kết cũng quy định rằng, bên nuôi phải đảm bảo mức tăng trưởng đúng chuẩn cho con vật. Ví dụ, đối với gà thì khoảng 1-2 kg/con, phải là gà chạy vườn. Đối với heo, từ khoảng 50-60 kg/con, phải là heo ít mỡ, đặc biệt phải đúng giống heo tộc.

Sau khi các con vật đủ cân nặng, người nuôi sẽ giết thịt, đóng thùng rồi gửi lên cho người đặt nuôi. Toàn bộ chi phí từ giống, thức ăn, công chăm sóc đến phí vận chuyển người nhận nuôi sẽ trả.

Chị Phượng cho biết thêm, việc gửi nuôi heo, gà có phí cao hơn so với thị trường một chút. Ví dụ, thịt gà ngoài thị trường khoảng 100.000 đồng/kg thì phí gửi nuôi sẽ cao hơn khoảng 30.000-40.00 đồng. Đổi lại, chị và những người bạn sẽ có thực phẩm sạch. Cứ hai ba tuần, chị lại ra bến xe nhận các thùng hàng thực phẩm do cơ sở nuôi gửi lên, về sơ chế, trữ đông cho gia đình và những người trong nhóm.

Cũng giống như chị Phượng, gia đình chị Lan (quận 2) cũng về quê gửi nuôi heo, gà cho bữa cơm gia đình đảm bảo hơn. Nơi chị Lan gửi nuôi là một gia đình người quen ở huyện Củ Chi (TPHCM). Cứ mỗi dịp cuối tuần, gia đình chị lại được dịp xuống Củ Chi chơi rồi chở thực phẩm về. Chị cho biết, từ khi đặt được dịch vụ gửi nuôi heo, gà hầu như chị chẳng phải mua thực phẩm ngoài chợ hay siêu thị nữa.

Cá

Nhờ người mua cọng rau, con cá

Có ba mẹ ở quê, lại gần biển nên chị Hạnh (quận 6) hay nhờ ông bà mua các loại cá tươi, đóng thùng gửi lên cho mình. Mỗi khi gặp cá tươi, ba mẹ chị mua khoảng 10-20 kg gồm nhiều loại cá khác nhau gửi lên. Lấy các thùng cá từ bến xe về, sơ chế qua để thực phẩm tươi lâu hơn, trữ đông. Có đầy đủ thịt, cá trong tủ lạnh, chị hay thay đổi thực phẩm cho mỗi bữa ăn.

Đối với các loại rau, trái cây chị tận dụng diện tích ở sân thượng, ngoài hành lang để trồng các loại rau thơm, mồng tơi, rau cải... cho cả gia đình ăn. Tuy nhiên, tự trồng rau sẽ không đủ khi diện tích trồng hẹp, việc tiêu thụ của cả gia đình lại nhiều, chị nhờ ba mẹ ở quê đi đến các nhà vườn, lựa rau sạch mua gửi lên. Cứ một tuần, ba mẹ chị gửi lên với nhiều loại rau khác nhau.

Anh Hà (quận 2) thì cùng với vài người khác trong khu phố mua thùng xốp, đất và giống về trồng rau cải, mướp, cà chua, các loại rau thơm... rồi thay phiên nhau chăm sóc. Hàng ngày cứ ai rảnh thì mang nước ra tưới, gieo hạt, cắt tỉa cỏ, đến lúc thu hoạch, cả nhóm cùng nhau cắt rau, chia cho nhau ăn dần.

Nho

Nhóm của anh Hà cũng gửi nuôi heo, gà ở quê, khi người nuôi gửi các thùng thực phẩm, anh ra bến xe nhận về rồi chia cho mọi người cùng nhóm. Cũng với hình thức ấy, công ty chị Liên (quận 2) cũng có một nhóm người thường chia nhau thực phẩm sạch ăn. Nhà chị Liên ở Đắk Lắk có bò, gà và thịt heo thì ba mẹ chị gửi lên, chị chia đều cho mọi người trong nhóm.

Trong nhóm, có người quê Bến Tre thì nhờ mua trái cây, người quê ở Bình Thuận thì lo phần mua hải sản… Thế là gần như “mùa nào thức ấy”, nhóm chị Liên hầu như ít còn ai đi chợ mỗi ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối