(SGTTO) - Nhà báo Paul Salopek cách đây 7 năm đã bắt đầu chuyến đi bộ vòng quanh thế giới dài 33.800 km. Khởi hành từ Ethiopia, cho đến nay Salopek đi được gần nửa chặng đường, mang lại niềm cảm hứng cho những người yêu khám phá thiên nhiên và văn hoá.
“Chuyến đi bộ ra khỏi vườn địa đàng”
Nhà báo Salopek - "gã độc hành" - gọi cuộc hành trình này là “Chuyến đi bộ ra khỏi vườn địa đàng” theo dấu chân những con người đầu tiên rời châu Phi để bắt đầu khám phá thế giới cách đây vài thiên niên kỷ. Hành trình của Salopek đưa ông từ Ethiopia đến Argentina, qua Tây Á, khu vực từng bị chiến tranh tàn phá, con đường tơ lụa, tiểu lục địa Ấn Độ, qua Trung Quốc và Siberia, và dọc theo bờ biển phía tây của Bắc Mỹ và Nam Mỹ, cuối cùng xuống đến Tierra del Fuego ngoài khơi cực nam lục địa Nam Mỹ.
Salopek đã dẫn chúng ta đi sâu vào các câu chuyện của mình từ chủ đề này đến chủ đề khác. Trong thời đại những dòng tin tức giả mạo và những cú nhấp chuột nhanh chóng chỉ để kêu gọi sự chú ý, những câu chuyện chậm rãi của ông trở nên chân thật và đầy tính nhân văn.
Salopek, 58 tuổi, từng đoạt giải Pulitzer và là nghiên cứu sinh về môi trường cho National Geographic, đồng thời làm việc như một nhà báo từ năm 1985. Ông đưa tin về chiến tranh, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, các vấn đề sức khỏe và tác động của việc đánh bắt quá mức nguồn tài nguyên biển... cho các nhà xuất bản lớn như Chicago Tribune và National Geographic.
Câu chuyện về những người Salopek gặp và những vùng mà ông đi qua suốt hành trình được phát hành dưới dạng các kỳ kể chuyện trực tuyến. Bốn kỳ hoàn chỉnh cho đến nay trải dài từ Ả Rập Saudi, Jordan, Bờ Tây và Israel, dưới tiêu đề “Vùng đất thánh” - nơi sản sinh ra ba trong số các tôn giáo lớn mạnh nhất trên thế giới - và các “giáo phái” Trung Á, từ Kazakhstan đến Pakistan, dưới tiêu đề “Con đường tơ lụa”.
Sau khi hoàn thành chặng Myanmar, bởi vì đại dịch Covid-19 nên Salopek mắc kẹt ở thị trấn nhỏ Putao, thuộc bang Kachin phía bắc Myanmar, chờ đợi biên giới mở cửa trở lại để có thể tiến vào Trung Quốc. Thế nhưng nhà báo kỳ cựu không hề nôn nóng được tiếp tục hành trình.
Thật vậy, ông Salopek cũng đã tạm dừng khá lâu ở những nơi khác, đôi khi do những bất ổn chính trị hoặc do thời tiết khắc nghiệt. Thay vì coi việc trì hoãn là trở ngại, Salopek đã có những cách hiệu quả để lấp đầy thời gian trống: tiếp tục hoàn thành cuốn sách kể chuyện xuyên lục địa của mình. “Bất cứ điều gì xảy ra - sự trì hoãn, những buổi lễ kỷ niệm hay những chuyến đi phụ - tất cả đều là một phần của cuộc hành trình”, ông nói.
Ông đã phát hiện ra não của mình hoạt động tốt nhất trong khi tốc độ cơ thể ổn định khoảng 5km/h. Ông nói tốc độ này cho phép ông chiêm nghiệm về những con người hay cộng đồng mà ông gặp.
Chính sự chiêm nghiệm này giúp nhà báo Salopek xây dựng bức tranh về hành tinh này. Ông đã viết về thành phố bỏ hoang mà ông đến thăm ở đảo Síp, tìm thấy một thợ làm giấy truyền thống ở Uzbekistan, những câu chuyện kể về người tị nạn chiến tranh, thợ dệt lụa, người chữa bệnh theo lối truyền thống và những người chăn ngựa.
Không bỏ sót bất cứ điều gì
Salopek đi bộ không theo một kế hoạch nhất định, ngủ ở bất cứ nơi nào ông dừng lại. Để đảm bảo không bỏ sót điều gì, ông nhờ những người địa phương - thông dịch viên, hướng dẫn viên leo núi, nhà hoạt động môi trường, nhà báo và phóng viên - cùng đồng hành để giúp ông không chỉ về ngôn ngữ mà còn hiểu được những quan điểm mà người ngoài cuộc thường bỏ qua.
Nhiếp ảnh gia John Stanmeyer cũng bay đến để tham gia cùng ông một hoặc hai lần mỗi năm. Ngoài ra, ông không có êkip nào đi cùng hoặc theo dõi quá trình của mình.
Salopek đã trải qua gần 18 tháng và vượt qua 4.000 km tại Ấn Độ cùng những bạn đồng hành trong một số chặng đường như nhiếp ảnh gia về môi trường, phóng viên nhân quyền, nhà báo, chuyên gia sông Ấn... Salopek nói rằng từ họ, ông đã học được về “nghệ thuật, chữ viết, quyền công dân, lòng khoan dung và sức chịu đựng”.
Trên những chuyến đi ở Ấn Độ, Salopek và những người đồng hành tìm thấy những niềm vui ngao du. Chẳng hạn, đó là việc nhìn thấy những con cá heo sông Indus quý hiếm. Hơn nữa, việc đi bộ sẽ trái ngược với việc nhìn phong cảnh từ “cái kén di chuyển” của xe máy lạnh. “Chúng tôi thấy, chúng tôi nghe, chúng tôi ngửi, chúng tôi cảm thấy. Như thể chúng ta bắt đầu sống lại”, một nữ nhà báo đồng hành cùng ông chia sẻ.
Còn người đồng hành khác là Panicker thì nhận thấy Ấn Độ như thực thể quốc gia thuần nhất. Thay vào đó, những gì ông khám phá về nước Ấn là “hàng triệu mảnh thủy tinh có màu sắc rực rỡ, hình dạng khác nhau được kết dính bằng chất keo của tình dân tộc”.
Dựa trên kinh nghiệm về Ấn Độ, Salopek và những người bạn đồng hành của ông đã mô tả sự khủng hoảng nguồn nước tại Ấn Độ. Ông không nghĩ về điều này khi từ biên giới Pakistan sang Ấn Độ, nhưng những người nông dân ông gặp cùng những câu chuyện nghe được đã hướng ông theo hướng ấy.
Ông nói: “Chủ đề về nước cứ hiện hữu xung quanh. Có những câu chuyện về tình trạng thiếu nước, các vấn đề sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm, phát hiện florua trong nước ngầm. Nó nằm trong tư tưởng những người theo chủ nghĩa cực đoan của đất nước này”.
Ông ví cuộc khủng hoảng nước với tình trạng ô nhiễm khí hậu toàn cầu. Cả hai đều chờ ngày “bùng nổ”.
Trên tất cả, việc đi bộ qua nhiều nơi đã khẳng định những gì ông biết về sự gián đoạn đáng kinh ngạc của nhịp điệu tự nhiên, cũng như sự kết nối với đất liền của con người đang dần mất đi. Salopek, giống như tất cả chúng ta, đều phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ông khẳng định đại dịch Covid-19 đã không làm lung lay nhịp điệu kể chuyện xuyên lục địa của ông. “Đi bộ dạy sự kiên nhẫn”, ông nói, “Và tôi hy vọng cuộc khủng hoảng giúp chúng ta khôn ngoan hơn”.
Lợi Lợi
Theo South China Morning Post